Dinh dưỡng hôm nay

Ăn nội tạng cá đúng cách để khỏe đẹp

Khi chế biến cá, nhiều người băn khoăn không biết có nên sử dụng nội tạng cá hay vứt bỏ chúng đi. Tuy nhiên, tùy từng loại cá mà chúng ta nên cân nhắc tận dụng nội tạng nào cho phù hợp để tránh phải nhiễm độc.

Nội tạng cá cũng là món ăn được nhiều người nghiền ăn. Nhưng không phải bộ phận nào cũng ăn được và nội tạng của loài cá nào cũng tốt. Hãy tìm hiểu kỹ trước khi chế biến món cá để vừa tận dụng được nội tạng giàu dinh dưỡng, vừa tránh hiểm họa từ nội tạng cá bị nhiễm độc.

Ảnh minh họa

Ăn bộ phận nào là tốt?

Theo các chuyên gia, trong nội tạng cá, gan và trứng là hai bộ phận rất tốt cho cơ thể mà không chứa đựng các yếu tố độc hại. Không những thế, gan cá còn chứa lượng cholesterol cao hơn so với động vật trên cạn.

Đặc biệt, với các loại cá hiếm như cá hồi, cá đuối, bạn càng không nên bỏ qua món ăn hấp dẫn từ gan cá. Gan cá lồi thường được chưng cách thủy với hạt tiêu giúp bổ phổi sáng mắt. Trẻ con bị còi được bồi dưỡng món này sẽ nhanh cao lớn.

Về trứng cá, có quan niệm cho rằng ăn nhiều sẽ dẫn tới bị… mụn trứng cá. Tuy nhiên, đây chỉ là một cách nói “vần” với một bệnh lý của da. Trứng cá chứa chất béo tốt và có hàm lượng omega-3 cao hơn nhiều những bộ phận khác. Ăn trứng cá thường xuyên còn giúp chị em có làn da sáng hơn và săn chắc hơn

Bỏ ngay những bộ phận chứa độc tố của cá

Ruột và mật là 2 bộ phận bạn cần vứt bỏ khi chế biến cá. Ruột cá là nơi chứa rất nhiều loại tạp chất, có khả năng nhiễm ký sinh trùng, trứng giun, trứng sán rất lớn, đặc biệt là giun xoắn. Loài giun này thường cuộn chặt trong các ổ tròn có đường kính nhỏ không màu hoặc các ấu trùng màu đỏ rất khó phát hiện bằng mắt thường. nếu ăn ruột cá, những ký sinh trùng này sẽ đi vào cơ thể của bạn và gây bệnh.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể ăn những ruột cá to vì sẽ dễ loại bỏ chất bẩn hơn. Khi sơ chế, bạn cần tách cẩn thận phần ruột ra khỏi cơ thể cá, rửa và bóp muối kỹ càng. Đặc biệt phải nấu chín kỹ ruột cá, không nên ăn tái hay nấu chưa chín để tiêu diệt sạch các ấu trùng giun sán ký sinh.

Còn mật cá thì tuyệt đối không nên sử dụng bởi nó là nơi chứa rất nhiều độc tố dù ở loại cá nào. Nếu ăn phải mật cá, con người có thể bị trúng độc. Về điều này, PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế), khuyến cáo rằng, mật các loại cá trắm, chép, trôi, anh vũ… rất nguy hiểm do có chất alcool gây xuất huyết, tổn thương nội tạng, nhất là ống thận. Trong đó, độc nhất là mật cá trắm. Song, nhiều người vì ngộ nhận nên đã dùng bộ phận này để chữa bệnh, dẫn tới ngộ độc, sốc nhiễm khuẩn, chảy máu cấp, thậm chí tử vong.

Những biểu hiện trúng độc sau khi ăn hoặc uống mật cá thường là đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, phản ứng chậm, mắt vàng, tiểu ít, chân phù, co giật. Nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ tử vong.

Vì vậy, mọi người cần phải phân biệt rõ ràng nội tạng nào ăn được, loại nào không để tránh “rước họa vào thân”.

Diệu Linh

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/an-noi-tang-ca-dung-cach-de-khoe-dep-20139/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY