Những ngày cuối tháng 3, đi hết đường Khe Khỉ (ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) chúng tôi có mặt tại khu vực xây dựng qua sông Ray. Mùa này, lòng sông Ray rộng hơn 40m luôn có nước, sâu khoảng 40cm. Hai bên bờ sông có 2 móng cầu bằng bê tông xây dựng dang dở đã hơn 1 năm trôi qua, những cây sắt nhỏ nhú lên đã hoen gỉ. Dưới sông, người dân hì hục đẩy bộ phương tiện do nước lớn xe ch*t máy.
Người dân ở ấp 2, xã Hòa Bình bức xúc hơn 1 năm qua chỉ xây dựng được hai móng cầu nhưng còn dang dở.
Ông Nguyễn Giáp Thìn, Trưởng Ban điều hành Ấp 2 (xã Hòa Bình) cho biết, từ trước tới nay, đa phần bà con trong ấp đều có rẫy bên xã Sơn Bình (huyện Châu Đức) trồng tiêu, trồng hoa màu, cũng như vận chuyển hàng hóa, nông sản... Trong khi đó, giao thông cách trở nên đời sống của người dân trong ấp gặp không ít khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, bà con phải đối mặt với nguy hiểm do mực nước sông Ray dâng cao bất thường. Nhưng không còn cách nào và họ vẫn phải lội qua vì đây chính là con đường duy nhất để mưu sinh mỗi ngày.
Mặc dù chưa phải mùa mưa, mực nước sông chừng 30cm nhưng người dân luôn phải đẩy phương tiện vì ch*t máy
Chỉ tay vào chiếc xuồng thô sơ đã mục nát, thủng lỗ, nằm chông chênh trong vườn cao su, ông Nguyễn Hoàng Sơn, ở Ấp 2 (xã Hòa Bình) chia sẻ: Hàng chục năm nay, cứ vào mùa mưa, người dân chúng tôi qua lại con sông bằng chiếc xuồng nhỏ này. Sau những cơn mưa lớn, nước sông dâng cao, chảy xiết, để không bị trôi, chúng tôi phải buộc dây nối hai bờ để kéo thuyền qua lại, còn xe máy thì để bên bờ sông, chiều tối về lấy, nhiều trường hợp đã bị kẻ xấu lấy mất xe. Do đó, khi nghe tin địa phương có dự án khởi công làm cầu treo, người dân rất mừng. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà hơn năm nay, đơn vị thi công chỉ xây dựng được hai trụ móng còn cây cầu sắt vẫn vẫn chưa thấy đâu?
“Mùa mưa năm ngoái và năm kia (2018 và 2019) nước lớn, xe tôi không qua sông được, phải để bên này sông thuộc Ấp 2, xã Hòa Bình để sang bên kia làm rẫy. Chiều về thì không thấy xe đâu nữa, gia đình tôi thì khó khăn nên phải vay tiền mua lại chiếc xe này, để có phương tiện đi lại. Những ngày đi làm về, nước sông dâng cao, chả còn cách nào tôi đành phải liều chạy qua. Xe gặp nước, ch*t máy, phải đẩy bộ hơn 3 km mới về được đến nhà. Chúng tôi mong đợi có cây cầu bắc qua sông, để bà con đi lại thuận lợi, làm ăn dễ dàng hơn”, bà Trần Thị Hằng, ở ấp 2 (xã Hòa Bình) bức xúc nói.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, ở ấp 2 (xã Hòa Bình) lo lắng mùa mưa sẽ về, cầu làm chưa xong mà xuồng đã hư hỏng.
Ông Trần Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết, những năm qua, UBND xã đã tiếp nhận nhiều ý kiến của người dân Ấp 2, là sớm có một cây cầu để thuận tiện đi lại cho người dân, bớt nguy hiểm và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tốt hơn. Vì vậy, chính quyền xã cũng đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này tới các cấp, ngành chức năng trong cuộc tiếp xúc cử tri.
Tại Quyết định số 3190/QĐ-UBND ngày 26/8/2016 của UBND huyện Xuyên Mộc đã phê duyệt chủ trương xây dựng cầu treo Bailey có chiều dài 47m, mặt cầu làm bằng bê tông dày 15cm; đường dẫn dài 900m, rộng 5m, có rãnh thoát nước, nền đường bằng đá xô bồ dày 16cm, mặt đường bằng đá dày 10cm… Kinh phí thực hiện hơn 4,8 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách huyện, giao UBND xã Hòa Bình làm chủ đầu tư. Cũng theo Quyết định trên, sau 3 tháng kể từ ngày khởi công, dự án cầu treo dân sinh phải hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Qua tìm hiểu của phóng viên, thực tế cầu treo dân sinh đã được khởi công trong tháng 3/2019, nhưng đến nay đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Minh Tuấn mới xây dựng được hai móng cầu. Hai bên móng vẩn còn nham nhở đá, con đường đất dẫn xuống lòng sông khá hẹp và dốc, nên việc đi lại của người dân rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Toàn - người dân ở Ấp 2 cho biết, nước thế này còn đi lại được, nhưng chỉ cần mưa khoảng nửa tiếng, nước lũ trên thượng nguồn tràn về dâng cao thì khu vực này bị chia cắt hoàn toàn. Theo ông Toàn, từ Ấp 2, xã Hòa Bình đến ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình chỉ chừng 3km. Nhưng để tránh bị nước cuốn vào mùa lũ, bà con phải đi vòng ngược ra đường Mỹ Xuân - Hòa Bình về nhà phải mất hơn 10km.
“Mới đầu họp dân nghe nói làm mấy tháng là xong ai cũng mừng. Nhưng đến nay đã hơn 1 năm, không biết đến bao giờ cầu treo “treo” mới xong, vì nghe đâu do khảo sát không tốt nên khi thi công gặp trục trặc. Thời gian thi công kéo dài, sắp đến mùa mưa rồi, nên người dân chúng tôi không khỏi lo lắng”, ông Toàn bức xúc nói.
Trao đổi, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cũng thừa nhận sự chậm trễ trong việc thi công cây cầu dân sinh bắc qua sông Ray cho người dân đi lại. “Theo Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Minh Tuấn - là đơn vị thi công, do cầu treo phải đặt hàng lắp ráp khung thép ở tỉnh khác, nên tiến độ thi công bị chậm trễ. UBND xã sẽ đôn đốc đơn vị thi công, sớm hoàn thành công trình cầu treo, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân”, ông Trần Văn Khánh cho biết thêm.
Chủ đề liên quan:
cầu treo