Thờ cúng tổ tiên - Nét đẹp văn hóa của người Việt Nam
Thờ cúng tổ tiên từ lâu đã trở thành một phong tục lâu đời ở Việt Nam, cũng là biểu hiện của lòng hiếu thảo, nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của tiền nhân, nhớ đến cội nguồn của mình. Người Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là một trong những nguyên tắc đạo đức làm người. Đó là hình thức thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành.
Và bàn thờ gia tiên chính là nơi để mỗi người con Việt hướng về cội nguồn, nhớ ơn công dưỡng sinh thành của tổ tiên, đồng thời cũng chính là nơi thể hiện niềm tin tâm linh sâu sắc. Bàn thờ gia tiên đã trở thành nơi hun đúc và lưu giữ những giá trị văn hóa tâm linh của người Việt.
Trong nhà mình mà có một bàn thờ tổ tiên thì điều đó chứng tỏ rằng mình có gốc, có nguồn và mình luôn luôn hướng về cội nguồn của mình. Điều này rất đẹp, đó là văn hóa chứ không phải là tôn giáo, không phải là mê tín.
Bàn thờ chỉ là một biểu tượng cũng như một lá cờ, lá cờ không phải là đất nước, chỉ là biểu tượng thôi. Bàn thờ cũng vậy, trong khi chúng ta đốt một cây hương, chúng ta phải sử dụng năng lượng của niệm của định và của tuệ thì hành động đốt hương đó mới có giá trị. Đó là giá trị tâm linh và rất khoa học.
Không nhất thiết phải là mâm cao cỗ đầy, chỉ cần thắp nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên trong ngày lễ, Tết, hay ngày giỗ, con cháu trong gia đình cũng thể hiện được tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn, tưởng nhớ những người thân đã khuất.
Đã bao thế kỷ trôi qua, cung cách và quan niệm thờ phụng tổ tiên của người Việt Nam xét theo góc độ nào đó đã có nhiều thay đổi nhưng ý nghĩa lớn nhất vẫn giữ nguyên.
Người Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là một trong những nguyên tắc đạo đức làm người. Đó là hình thức thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành.
Tuy nhiên, người Phật tử không xem bàn thờ gia tiên là “nơi ở” của ông bà, tổ tiên, những người thân đã khuất nói chung (vì biết rõ chư vị đã theo nghiệp tái sinh trong lục đạo rồi). Bàn thờ gia tiên được lập ra để tưởng niệm, ghi nhớ ân đức sinh dưỡng của tổ tiên, ông bà. Bàn thờ gia tiên biểu trưng cho cội nguồn huyết thống (song hành với cội nguồn tâm linh - bàn thờ Phật), cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ tông. Kính thờ tổ tiên để bày tỏ lòng hiếu thảo, thể hiện tâm nhớ ơn và hoài nguyện đền đáp ơn sâu nghĩa nặng, chính điều này đã un đúc và hình thành nên truyền thống hiếu nghĩa quý báu của người Phật tử.
Đồng thời người Phật tử không hề xem việc thờ cúng tổ tiên ông bà là “thờ quỷ” như một số người vong ơn, bội nghĩa, bất hiếu, tà kiến quan niệm. Thờ cúng tổ tiên để liên kết với quá khứ mà phát huy các giá trị sống tốt đẹp cho hiện tại. Thờ cúng ông bà cha mẹ để thực tiễn hóa ý niệm tri ân và báo đáp thâm ân sinh dưỡng. Thờ cúng đồng thời cũng là cách giáo dục lòng hiếu thảo cho con cháu về sau. Giáo lý đạo Phật đề cao tinh thần hiếu đạo, kính thờ và phụng dưỡng cha mẹ mang lại phước báo lớn… đã hòa quyện với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt để trở thành nếp sống đạo đức, hiếu thảo của người Phật tử Việt hiện nay.
Phong tục thờ cúng tổ tiên và tuệ giác của đạo Bụt
Tuệ Lâm