Kinh tế xã hội hôm nay

Bảo tồn các khu vực liên quan đến cuộc chiến trên sông Bạch Đằng thế nào?

(MangYTe) - Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan tới cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng.

Tại kỳ họp thứ 12 (kỳ họp bất thường), Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng khóa 15 đã thông qua chủ trương khoanh vùng để quản lý, lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan tới cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng.

Theo nội dung Đề án: dòng sông Bạch Đằng trên địa bàn Hải Phòng trải dài từ ngã ba sông Đác Bạc và sông Giá đến phà Rừng được biết đến là khu vực có nhiều địa danh, di tích lịch sử liên quan đến 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc.

Bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) sẽ làm thay đổi nhận thức về các trận chiến trên sông Bạch Đằng (Ảnh: Lã Tiến)

Gắn liền với dòng sông lịch sử và trên vùng đấy này hiện còn có nhiều đền, chùa, di tích liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng.

Đó là đền thờ tướng quân Trần QUốc Bảo, di tích Bạch Đằng Giang- thị trấn Minh Đức; chùa, động Hang Lương- xã Gia Minh;

Cụm di tích đền, chùa Thụ Khê- xã Liên Khê; đình Trúc Động, chùa Hạ Sơn- xã Lưu Kiếm… và nhiều những tên đất, tên làng gắn với những chiến tích hào hùng trên dòng sông này.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn thành phố có 142 đình, đền, miếu thờ ghi lại công lao các chiến tướng, trong đó phần lớn nằm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên…

Đặc biệt, vừa qua trong quá trình lao động sản xuất, người dân phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên).

Qua kết quả khai quật và đánh giá các nhà khoa học, nhà sử học cả nước nhận định: đây là di tích lịch sử quan trọng liên quan đến các trận chiến trên dòng sông Bạch Đằng.


Bãi cọc Cao Quỳ - Chứng tích của hào kiệt công danh đất ấy từng

“Phát hiện này làm thay đổi nhận thức về cuộc kháng chiến chông quân xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử…

Qua những nghiên cứu cho thấy di chỉ bãi cọc Cao Quỳ nói riêng và các di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng nói chung có ý nghĩa, giá trị đặc biệt xét cả trên phương diện lịch sử, văn hóa, khảo cổ và danh thắng”, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng nói.

Chính vì vậy, lãnh đạo thành phố Hải Phòng cho rằng cụm di tích liên quan tới chiến thắng Bạch Đằng này hoàn toàn có thể trở thành khu di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng cấp quốc gia, tiến tới có thể đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới…

Để hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng đến cụm di tích, xây dựng tiền đề để triển khai các dự án khảo cổ, bảo tồn, phục dựng di tích trở thành khu di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng cấp quốc gia, tiến tới di sản văn hóa thế giới, Hải Phòng đã quyết định lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan tới cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng.

Theo ông Bình, mục tiêu đề án sẽ xác định phạm vi khoanh vùng để hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng đến quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên;

Xây dựng ranh giới phục vụ nghiên cứu quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên;

Điều chỉnh các quy hoạch liên quan; làm tiền đề để triển khai các dự án khảo cổ, bảo tồn, phục dựng di tích trở thành khu di tích lịch sử- văn hóa- danh thắng cấp Quốc gia, tiến tới di sản văn hóa thế giới;

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan tới cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng. (Ảnh: Lã Tiến)

Đồng thời định hướng chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh và quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi khoanh vùng.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng cho biết thêm, trước mắt, trong năm 2020 sẽ triển khai dự án khu vực bãi cọc Cao Quỳ với diện tích khoảng 150ha và được chia làm 2 khu vực.

Khu vực 1, lập dự án khu vực trung tâm bãi cọc Cao Quỳ với diện tích gần 15ha, bao gồm: đường vào bãi cọc mặt cắt nền 18 đến 22m, dài hơn 3,4 km. Bãi đỗ xe kết hợp rừng lim xanh diện tích khoảng 10ha.

Khu trưng bày hiện vật khảo cổ diện tích 3 ha, bao gồm các hạng mục: khu bảo tồn tại chỗ bãi cọc, nhà đón tiếp, trưng bày, giới thiệu hiện vật, nhà vệ sinh, quảng trường, đường dạo, vườn cây xanh…

Khu vực 2: với diện tích khoảng 135ha, trước mắt giữ nguyên hiện trạng, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp, nghiêm cấm xây dựng mới các công trình…

Đáng chú ý, trong phạm vi khoanh vùng bảo tồn, Hải Phòng sẽ hạn chế phát triển công nghiệp, phát triển đô thị có quy mô lớn, không cấp phép khai thác khoáng sản đối với các dự án mới và rà soát thu hồi các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép.

Cùng với đó, thành phố Hải Phòng cũng sẽ đầu tư thực hiện dự án xây dựng tuyến đường vào và khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên).

LÃ TIẾN

Mạng Y Tế
Nguồn: Giáo dục (https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bao-ton-cac-khu-vuc-lien-quan-den-cuoc-chien-tren-song-bach-dang-the-nao-post207521.gd)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY