Trẻ em hôm nay

Chăm sóc trẻ em

Bé trai 12 tuổi bị xoắn tinh hoàn, bác sĩ khuyến cáo nếu phát hiện sau thời gian này có thể không cứu được tinh hoàn

Theo thông tin từ bệnh viện Quốc tế Sản Nhi Hải Phòng, mới đây, Khoa Ngoại nhi của bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho một trường hợp bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn.

Bệnh nhi là bé G, 12 tuổi ở Hạ Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng, được gia đình đưa tới viện thăm khám vì đột nhiên xuất hiện triệu chứng đau tức tại tinh hoàn trái. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện tinh hoàn trái của bệnh nhi có dấu hiệu phình to, rắn, chuyển màu xám đen và nhô cao hơn so với tinh hoàn phải. Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhi có dấu hiệu bị xoắn tinh hoàn trái.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và phẫu thuật gỡ xoắn tinh hoàn cho bệnh nhi G. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhi hồi phục ổn định và dự kiến sớm được ra viện.

Xoắn tinh hoàn là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nằm trong bệnh cảnh của hội chứng bìu cấp hay gặp ở trẻ em. Hội chứng bìu cấp là biểu hiện cấp tính tình trạng sưng, đỏ, đau vùng bìu và là một trong những cấp cứu nhi thường gặp.

Các nguyên nhân gây hội chứng bìu cấp gồm có xoắn tinh hoàn, xoắn phần phụ tinh hoàn, viêm mào tinh – tinh hoàn, thoát vị bẹn nghẹt, tràn dịch tinh mạc cấp, bướu tinh hoàn, dãn tĩnh mạch tinh, phù nề bìu vô căn... Trong đó xoắn tinh hoàn chiếm tỷ lệ cao trong các trường hợp hội chứng bìu cấp ở trẻ thiếu niên, đe dọa gây tổn thương tinh hoàn không hồi phục nếu bị xoắn kéo dài trên 8 giờ nên phải được theo dõi cấp cứu cho đến khi loại trừ được.

BSCKII. Nguyễn Duy Tuấn, Trưởng khoa Ngoại Nhi tại bệnh viện cho biết, xoắn tinh hoàn thực chất là xoắn thừng tinh (mạch máu và ống dẫn tinh) dẫn đến tinh hoàn thiếu máu nuôi và tổn thương, hoại tử. Nếu để tình trạng xoắn quá lâu, tinh hoàn có thể bị tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ.

Thời gian vàng điều trị xoắn tinh hoàn chỉ gồm 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu can thiệp trước 6 giờ, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn. Đến trong khoảng từ 6-12 giờ thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và trong khoảng 12-24 giờ thì chỉ còn 20% được cứu. Trên 24 giờ thường sẽ không cứu được tinh hoàn.

Điều đáng lưu ý là do phát hiện muộn, có nhiều trẻ bị xoắn tinh hoàn đến bệnh viện khi tinh hoàn đã bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ. Trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản do thiếu hụt nội tiết tố nam. Thông thường với các trường hợp xoắn tinh hoàn, phẫu thuật gỡ xoắn là phương pháp phổ biến và tối ưu nhất, có thể xử lý triệt để bệnh lý, thời gian hồi phục hậu phẫu ngắn.

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/be-trai-12-tuoi-bi-xoan-tinh-hoan-bac-si-khuyen-cao-neu-phat-hien-sau-thoi-gian-nay-co-the-khong-cuu-duoc-tinh-hoan-20210906103954067.chn)

Chủ đề liên quan:

Xoắn tinh hoàn ở trẻ em

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY