Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng được cứu chữa như thế nào?

Vào tận giường của bệnh nhân chạy thận nhân tạo nhiễm Covid-19 ở bệnh viện dã chiến Hòa Vang có thể thấy ngay 3 máy ECMO lọc máu liên tục đang chạy hết công suất. Khu vực ICU, nơi chuyên dành cho bệnh nhân phải hồi sức tích cực được bố trí liên thông với nhóm đang chạy thận.

Bác sĩ hai bên luôn phải kết hợp với nhau để hễ diễn biến ca bệnh nào nặng lên sẽ được chuyển ngay sang ICU. Ngược lại, bệnh nhân bên ICU có dấu hiệu ổn định sẽ đưa về thận nhân tạo để lọc máu.

Tất cả mọi nơi đang dồn máy lọc máu liên tục về cho Đà Nẵng

Tiếng kêu của các thiết bị hỗ trợ sự sống vang lên liên tục 24/24 giờ trong các phòng bệnh này, nơi đang có hơn 20 ca bệnh rất nặng vừa phải chạy thận nhân tạo vừa nhiễm COVID-19 được điều trị.

TS. Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo, bệnh viện Bạch Mai có nhiệm vụ phụ trách điều trị chính tại khoa Thận nhân tạo bệnh viện dã chiến Hà Vang cho biết: "Ngày 2 lần sáng chiều bác sĩ đều phải kiểm tra bệnh án, kiểm tra bệnh nhân. Bởi vì đặc thù theo dõi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 rất khó, mỗi lần mặc quần áo bảo hộ vào thì mình phải đi rất cẩn thận, đi hết một lượt giường bệnh. Sáng mất khoảng 2 - 3 tiếng. Chiều cũng thế khoảng 2 - 3 tiếng".

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang

Sau khi vỗ vai giúp long đờm cho một bệnh nhân, bác sĩ Dũng tiếp tục kiểm tra ca bệnh bị viên phúc mạc, không thể tiếp tục lọc bằng bụng mà phải chuyển sang thận nhân tạo. "Đêm hôm qua bệnh nhân diễn biến nặng lên và cuối cùng phải đặt ống nội khí quản. Đến lúc này các thông số đã dần ổn định thì chúng tôi sẽ cho lọc thận nhân tạo. Trong trường hợp không ổn định nữa là lại phải dùng lọc máu liên tục", bác sĩ Dũng chia sẻ.

Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đang được biên chế 3 hệ thống lọc máu liên tục. Vị trưởng khoa Thận nhân tạo của bệnh viện Bạch Mai còn cho hay: "Tất cả các nơi đều ưu tiên dồn máy về bởi vì ở đây có rất nhiều bệnh nhân nặng. Những trường hợp huyết động không ổn định, bệnh nhân không thể chạy thận nhân tạo được thì bắt buộc phải dùng máy. Bên cạnh đó, với những ca bệnh các giáo sư muốn lấy được các cytokine, lấy các độc chất mà thận nhân tạo không lọc được thì cũng phải dùng thiết bị này. Lọc máu liên tục là rất tốt kém. Cực kỳ tốn kém".

Không được phép sai sót

Trước khi vào phòng bệnh, có một căn phòng khác mà bác sĩ Dũng ngày nào cũng phải ra vào kiểm tra vài ba lần. Đấy là phòng nước, nơi bố trí hệ thống xử lý nước RO đảm bảo tiêu chuẩn chạy thận nhân tạo. Vừa sử dụng các que thử để nhận biết chất lượng nước, bác sĩ Dũng còn liên tục gõ tay vào các bình chứa inox để kiểm tra lượng nước trong bình.

Với 21 bệnh nhân dương tính chạy thận trong tình trạng nặng, y bác sĩ trong khoa phải xếp lịch rất cụ thể. Bệnh nhân nào chạy ngày chẵn, bệnh nhân nào chạy ngày lẻ. Ngày chẵn có hai ca thì bệnh nhân nào chạy ca sáng, bệnh nhân nào chạy ca chiều… Tất cả đều phải chia ra chi tiết.

"Thế nhưng khi chúng tôi đi buồng nếu bệnh nhân nào có dấu hiệu bất thường, cần phải lọc thì chúng tôi cho lọc cấp cứu ngay. Chứ không chờ theo lịch nữa. Bởi vì bệnh nhân diễn biến rất nhanh".

Sau khi bệnh nhân lọc xong và tiên lượng ổn định hơn sẽ được bố trí về khu nhà 5 tầng để điều trị. Bên đấy cũng có bác sĩ thận nhân tạo, bác sĩ thận tiết niệu, bác sĩ nội khoa phụ trách. Chuyển bệnh nhân về khu nhẹ hơn rồi nhưng hàng ngày bác sĩ Dũng vẫn trực tiếp sang để cùng hội chẩn với đồng nghiệp: "Cái gì cần bổ sung, cái gì cần bớt đi thì cùng làm. Chia việc như thế thì sự hợp tác mới chắc chắn được. Chứ nếu một mình tôi thì không thể nào làm xuể".

Tuy nói là làm không xuể việc nhưng vị trưởng khoa đến từ Bạch Mai đang thể hiện một phong cách làm việc hết sức chuyên nghiệp, tỷ mỉ khi dặn đi dặn lại nhân viên: "Đánh thật chính xác tên tuổi bệnh nhân vào. Bệnh nhân nào lấy máu rồi thì phải đánh dấu vào. Làm ở đây không được phép sai sót. Và đặc biệt không được nhầm bệnh nhân này sang bệnh nhân kia. Bởi vì trong điều kiện căng thẳng này rất có thể mình bị nhầm. Em phải kiểm tra đi kiểm tra lại. Đến anh các bệnh án thuộc lòng rồi còn phải kiểm tra đi kiểm tra lại không biết bao nhiêu lần".

"Trực tiếp thăm khám cho 21 bệnh nhân ở đây tôi nhận thấy đa số bệnh nhân lạc quan, tin tưởng và tuân thủ chế độ điều trị", bác sĩ Dũng chia sẻ và lại quay trở vào với một ca bệnh cần xử lý./.

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/benh-nhan-chay-than-nhan-tao-nhiem-covid-19-o-da-nang-duoc-cuu-chua-nhu-the-nao-20200816080257325.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY