Để tập trung ứng phó với điều kiện nguồn nước khan hiếm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do nắng hạn gây ra trong mùa khô năm nay, tỉnh đã triển khai phương án chủ động phòng chống hạn, đảm bảo nguồn nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp.
Mùa khô năm nay, huyện Hàm Thuận Nam được dự báo sẽ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng vì năm 2020 tình hình thời tiết trên địa bàn huyện không thuận lợi, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm nên cuối mùa mưa các hồ chứa thủy lợi tích nước ở mức thấp so với cùng kỳ. Đến cuối năm 2020, tổng lượng nước trữ trong các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện được 27,88 triệu m3 (đạt 58% dung tích thiết kế).
Dự báo lượng nước tích trữ hiện không có khả năng đảm bảo phục vụ cho tất cả các diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đến mùa mưa năm 2021. Vì vậy, huyện Hàm Thuận Nam tập trung đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân đến ngày 30/06, không phục vụ tưới sản xuất lúa và chỉ tưới cho cây thanh long.
UBND huyện Hàm Thuận Nam đã yêu cầu các xã, thị trấn khuyến cáo người dân không tự ý tổ chức sản xuất, không chong đèn trái vụ trên cây thanh long tại những khu vực không chủ động được nguồn nước; đồng thời, chủ động trữ nước, sử dụng hình thức tưới tiết kiệm, đào khoan giếng, đắp đập tạm trên sông suối và sử dụng biện pháp duy trì diện tích thanh long chờ mùa mưa đến.
Đối với cây trồng ngắn ngày, địa phương khuyến cáo người dân tại các khu vực không chủ động được nguồn nước không tự ý tổ chức sản xuất, chỉ bắt đầu xuống giống khi đã có mưa hoặc không sản xuất, chuyển qua sản xuất vào vụ mùa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước, tránh gây thiệt hại về kinh tế.
Tại huyện Hàm Tân, dự báo đến tháng 6/2021 sẽ có 6 xã xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hơn 2.100 hộ dân khu vực nông thôn, nhất là tại các xã Tân Phúc, Sông Phan, Tân Đức…
Theo UBND huyện Hàm Tân, trên địa bàn hiện có 5 công trình cấp nước tập trung do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý với tổng công suất thiết kế 6.575 m3/ngày đêm, cung cấp cho 35.212 nhân khẩu/8.795 hộ sử dụng - chiếm tỷ lệ 49,4% dân số của toàn huyện.
Trong khi nhu cầu sử dụng nước của người dân vùng nông thôn ngày càng tăng cao, nhất là vào các tháng mùa khô thì hầu hết công trình cấp nước tập trung chưa được đầu tư nâng công suất, mở rộng đường ống cấp nước kịp thời nên chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế. một số khu vực nông thôn chưa được đầu tư tuyến ống cấp nước tập trung để cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt…
Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban... phối hợp với đơn vị liên quan và quản lý khai thác các công trình cấp nước tập trung để kịp thời triển khai phương án xử lý tình huống thiếu nước cục bộ.
Cụ thể, các địa phương, đơn vị tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên trên sông, suối trữ vào ao, bể chứa nước thô tại công trình cấp nước tập trung; tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm từ giếng khoan, giếng đào cấp nước thô cho công trình cấp nước tập trung. Nếu xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ, bố trí lắp đặt bồn chứa nước tại điểm công cộng tại các thôn, khu dân cư mà chưa có tuyến ống nước sạch đi qua...
Mùa khô năm 2020, bình thuận chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán. toàn tỉnh đã phải cắt giảm gần 14 nghìn ha diện tích lúa, bắp vụ đông xuân 2019- 2020. hạn hán đã khiến nhiều diện tích cây trồng bị thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, đặc biệt là cây thanh long. ngoài ra, 43 xã, phường, thị trấn bị thiếu cục bộ với khoảng trên 27 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. tỉnh bình thuận đã công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 trên địa bàn.