Một nhà sưu tầm nghệ thuật tư nhân ở thành phố Valencia (Tây Ban Nha) mới đây bị một nhà phục chế đồ nội thất tính phí gần 1.360 USD để phục chế bức tranh nổi tiếng Immaculate Conception (Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội) của danh họa người Tây Ban Nha Bartolomé Esteban Murillo (1617-1682). Tuy nhiên, việc phục chế thất bại hoàn toàn, khiến khuôn mặt Đức Mẹ biến dạng đến mức không thể nhận ra dù đã 2 lần nỗ lực khôi phục nguyên trạng ban đầu.
Theo báo The Guardian (Anh), vụ việc bị so sánh với trường hợp “Monkey Christ” cách đây 8 năm. Họa sĩ người Tây Ban Nha Elias Garcia Martinez vẽ bức bích họa tên Ecce Homo trên tường nhà thờ Mercy ở thị trấn Borja vào thế kỷ 19. Bức tranh vẽ Chúa Jesus cùng với mũ gai trên đầu. Năm 2012, truyền thông địa phương đưa tin bức tranh bị hư hại do tác động của môi trường. Chứng kiến cảnh đó, một phụ nữ khoảng hơn 80 tuổi cảm thấy không yên và bà quyết định tự mình phục chế. Kết quả lại không như bà mong đợi. Vụ phục chế làm hỏng bích họa, biến tác phẩm có từ thế kỷ 19 này và gây phẫn nộ trong dư luận một thời gian.
Theo mô tả của Đài BBC, nét vẽ tinh tế của họa sĩ Elias Garcia Martinez bị “chôn vùi” dưới những vệt màu tùy tiện. Bức bích họa không khác gì một bức tranh màu vẽ một con khỉ lông lá mặc áo rộng thùng thình. Người phụ nữ sau đó nhận ra sai lầm của mình, báo sự việc với ủy viên hội đồng thành phố Juan Maria Ojeda phụ trách các vấn đề văn hóa. Dẫu vậy, bức bích họa phục chế hỏng khiến nhà thờ trở nên nổi tiếng, từ đó lượng khách du lịch tìm tới đây tăng vọt.
Bức bích họa tên Ecce Homo trên tường nhà thờ vào thế kỷ 19 trở thành thảm họa phục chế
Ảnh: EPA |
6 năm sau, cũng tại Tây Ban Nha, nhà thờ ở thị trấn Estella trở thành đề tài quan tâm của báo chí trong nước và quốc tế, khi một bức tượng gỗ cổ xưa khắc họa Thánh George bị một người phục chế nghiệp dư phá hỏng. Kết quả, bức tượng sau khi phục chế bỗng trở nên giống như một nhân vật hoạt hình. Dù không công bố danh tính người phục chế nhưng nhiều tờ báo tiết lộ đó là một giáo viên dạy môn thủ công tại địa phương.
Bức tượng cổ khắc họa Thánh George sau khi được phục chế trở thành chủ đề tranh cãi trên mặt báo Tây Ban Nha vào năm 2018
Ảnh: Independent |
Giáo sư Fernando Carrera tại Trường Galicia chuyên về Bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa (từng là Chủ tịch Hiệp hội các nhà phục chế và bảo tồn chuyên nghiệp Tây Ban Nha) cho biết những trường hợp kể trên cho thấy cần phải mời những nhà phục chế được đào tạo bài bản. Ông cho biết luật pháp Tây Ban Nha hiện cho phép mọi người tham gia vào các dự án phục chế ngay cả khi họ thiếu các kỹ năng cần thiết.
Ông Fernando Carrera bức xúc nói với The Guardian: “Mọi người có thể tưởng tượng đến chuyện ai cũng được phép cầm dao phẫu thuật? Hoặc ai cũng được phép bán Thu*c mà không có bằng dược sĩ? Hay ai đó không phải kiến trúc sư mà được phép xây dựng một tòa nhà?”. Tây Ban Nha có số lượng lớn di sản văn hóa và lịch sử trải qua nhiều thế kỷ. Vị giáo sư cho rằng cần phải có những quy định chặt chẽ hơn trong việc phục chế các bức tranh, tượng cổ xưa vì lợi ích của lịch sử văn hóa Tây Ban Nha cũng như thế giới.