Kinh tế xã hội hôm nay

Xử lý doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường

Vừa qua, sau khi được người dân thông tin về tình trạng xả thải bừa bãi ra sông Hồng làm ô nhiễm nguồn nước của một cơ sở giặt tẩy,
Vừa qua, sau khi được người dân thông tin về tình trạng xả thải bừa bãi ra sông Hồng làm ô nhiễm nguồn nước của một cơ sở giặt tẩy, các trinh sát Đội 5 Phòng Cảnh sát môi trường, CATP Hà Nội đã vào cuộc và phát hiện vụ vi phạm. Vụ việc này cho thấy thực tế nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn liều lĩnh bất chấp pháp luật về môi trường và cơ quan chức năng luôn cần có sự phối hợp của người dân để hạn chế tình trạng trên.

Phát hiện vi phạm từ tin báo của dân

Ngày 13/4/2015, Đội 5 Phòng CSMT phối hợp cùng Đồn Công an Đa Tốn, Công an huyện Gia Lâm và Viện Công nghệ môi trường đã tiến hành kiểm tra cơ sở giặt tẩy tại xóm 1, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm (Hà Nội) phát hiện cơ sở này có hành vi xả nước thải xử lý thô sơ ra sông Hồng. Chủ cơ sở mới chỉ xuất trình được giấy đăng ký hộ kinh doanh cá thể.

Cơ sở giặt tẩy này có chức năng là nhuộm, hấp và mài quần Jean bằng nhiều loại hóa chất. Tất cả nước thải phát sinh trong quá trình giặt là sẽ được chảy qua 3 bể lọc để vào 1 bể chứa và được máy bơm cao áp hút vào ống xả theo đường ống ngầm chạy dưới thân đê và đổ thẳng ra sông Hồng. Các bể chứa lộ thiên ở bên ngoài và cuối xưởng để chứa chất cặn vải, hóa chất thải loại. Theo phía cơ sở thì cứ vài ngày lại có xe đến thu gom chất thải này đến nơi quy định. Tuy nhiên, việc để các hầm chứa chất thải lộ thiên khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Lực lượng chức năng cho biết, các ống xả đang hoạt động hết công suất đổ dòng nước màu đen kịt xuống dòng sông. Bởi sự độc hại của nước thải này khiến cả một đoạn sông nước chuyển màu, sủi bọt, xung quanh ống xả chẳng có cây cỏ nào sống sót. Thượng tá Lê Minh Tâm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường cho biết, tổ công tác đã lấy mẫu nước về xét nghiệm và sẽ xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của cơ sở này.

Tác hại lâu dài là rất lớn

Thời gian qua, tình trạng hàng loạt các doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ môi trường bị phát giác đã gây nên mối quan ngại sâu sắc về môi trường sống. Nổi bật trong đó là vụ gần một nghìn tấn hóa chất độc hại do Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa) chôn dưới đất; hàng nghìn m3 nước thải ô nhiễm được Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương, tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) bơm trực tiếp xuống sông Đồng Điền mỗi ngày. Gần đây nhất, Công ty TNHH MTV Đường Tuyết đặt cơ sở tại thôn Mai Phong, xã Mai Trung (Hiệp Hòa, Bắc Giang); sau 5 năm hoạt động không phép trong lĩnh vực tái chế dầu nhớt thải thành dầu đi-ê-zen với quy mô gần 800 nghìn tấn/năm, công ty này cứ “vô tư” xả thẳng khí độc và chất thải bẩn ra môi trường...

Dường như các doanh nghiệp vẫn chưa mấy e ngại trước các luật định về môi trường và cả một lực lượng cảnh sát môi trường. Danh sách các doanh nghiệp vi phạm không nhẹ thì nặng vẫn cứ nối nhau dài ra.

Các nhà khoa học và chuyên gia về môi trường cho biết, một số chất thải nguy hại như chất phóng xạ, dầu nhờn, phốt-pho, Thu*c trừ sâu hay chất thải y tế... nếu không được xử lý theo quy trình nghiêm ngặt, bị phát tán ra môi trường sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người. Những chất thải độc hại này nếu chỉ được chôn lấp sơ sài, thậm chí xả, đổ bừa bãi ra môi trường sống chung quanh sẽ ngấm vào chất đất, hòa vào mạch nước ngầm, tăng nguy cơ gây ung thư và các bệnh về đường hô hấp, da liễu; nếu là chất thải y tế sẽ dễ lan truyền bệnh dịch... Tác động này không phải thấy ngay trong ngày một ngày hai mà sẽ âm ỉ hủy hoại môi trường sống, bào mòn sức khỏe con người.

Tuy nhiên, chi phí để xử lý được chất thải theo đúng các quy định pháp luật thì không đơn giản và không nhỏ, vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã vì lợi nhuận mà cắt giảm triệt để chi phí cho khâu xử lý chất thải. Dù cũng theo quy định nếu không có hệ thống xử lý chất thải, hay hệ thống không đủ tiêu chuẩn hoặc không có hợp đồng với đơn vị xử lý chất thải hợp lệ... sẽ không được cấp phép hoặc phải dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc vi phạm xả thải của nhiều cơ sở khiến dư luận không khỏi lo lắng về sự đặt nghi vấn có sự thờ ơ, lỏng lẻo trong quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Thêm nữa, việc xử phạt vẫn còn chưa tương xứng khiến chủ doanh nghiệp “nhờn” luật. Điều này càng làm tăng sự lo ngại của người dân về môi trường cũng như giảm lòng tin vào cơ quan quản lý.

Thiết nghĩ, với những vụ vi phạm xả thải ra môi trường, ngoài việc xử phạt nặng doanh nghiệp vi phạm đủ để răn đe, cần xem xét trách nhiệm quản lý nhà nước, trong đó có phần trách nhiệm người đứng đầu địa phương. Đồng thời, về phía người dân cũng cần có trách nhiệm thông báo tới cơ quan chức năng các vi phạm Luật bảo vệ môi trường, kể cả việc tẩy chay sản phẩm của các doanh nghiệp có hành vi đầu độc môi trường ở mức độ nghiêm trọng.

Hoàng Lê

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-xu-ly-doanh-nghiep-vi-pham-luat-bao-ve-moi-truong-9769.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY