Khoa học hôm nay

Bộ tộc kỳ lạ cắt đốt tay để thể hiện sự thương tiếc khi người thân qua đời

(MangYTe) - Mỗi khi có người thân qua đời, họ lại cắt đi một đốt ngón tay để thể hiện sự thương tiếc với người quá cố. Đây là một tục lệ để tang điển hình (Ikipalin) tồn tại nhiều năm trong bộ tộc Dani ở một vùng hẻo lánh của Indonesia.

Tập tục cắt ngón tay kỳ quái còn được gọi là “Ikipalin”, là cách để tang tồn tại nhiều năm trong bộ tộc Dani. Bộ tộc này có khoảng 25.000 người sống ở thung lũng Baliem, một khu vực cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nằm ở Tây Papua, Indonesia. Bộ tộc này được phát hiện vào năm 1938 bởi nhà động vật học người Mỹ Richard Archbold.

Các ngón tay kết hợp với nhau để tạo ra sức mạnh và để bàn tay có thể hoạt động hoàn hảo, là biểu tượng của sự hòa hợp, thống nhất và sức mạnh trong con người cũng như một gia đình. Đối với người Dani, khóc thương những người thân trong gia đình qua đời sẽ không bao giờ là đủ và một cách để bày tỏ sự đau buồn và tiếc thương là cắt ngón tay. Họ tin rằng việc cắt ngón tay sẽ giúp linh hồn người đã khuất được yên nghỉ, cũng như tượng trưng cho nỗi đau mất mát - và một số em bé thậm chí còn bị mẹ cắn đứt ngón tay.

Bộ tộc Dani cắt đốt tay để thể hiện sự thương tiếc khi người thân qua đời

Tuy nhiên, có một thực tế là hủ tục này hầu như chỉ được thực hiện với phụ nữ Dani chứ không phải tất cả mọi người. Những người phải cắt ngón tay thường là những người mẹ hoặc những phụ nữ lớn tuổi nhất. Khi chồng, con hoặc anh em họ chết đi, ngón tay của họ sẽ bị cắt.

Việc cắt ngón tay được diễn ra trong bí mật và thực hiện ở nơi kín đáo. Người phụ nữ phải mài sắc mảnh đá hay rìu đá rồi vào rừng vắng để chặt cho đốt xương của đốt ngón tay. Đôi khi, họ phải dùng đá có cạnh sắc, cắt mạnh vào đốt ngón tay tới khi đứt. Một số người làm hỏng ngón tay mà không thực sự cắt chúng. Đầu tiên, họ làm yếu các khớp ngón tay, sau đó thắt một sợi dây xung quanh để ngăn lưu thông máu, mục đích cuối cùng là làm chết cơ do thiếu oxy.

Sau khi đốt tay đã đứt lìa khỏi ngón, người phụ nữ Dani sẽ dùng một loại lá cây rừng để cầm máu. Tuy nhiên, khả năng họ bị nhiễm trùng cũng như mắc phải các di chứng khác là rất cao. Người ta đốt thành tro các đốt ngón tay bị cắt và lưu trong một chiếc nồi riêng. Chúng cũng có thể được cất giữ trong nhà hoặc một nơi đặc biệt nào đó. Đôi khi, nhiều ngón tay cùng bị chặt đứt để thể hiện sự đau buồn, thương tiếc.

Nếu những người thân mất đi mà số đốt tay không đủ để cắt bỏ, các bộ phận cơ thể kế tiếp như vành tai hay mũi sẽ được cắt bỏ. Thậm chí có những người chỉ còn 3 ngón tay hoàn chỉnh. Tượng trưng cho trái tim và tâm hồn cũng đang bị giằng xé vì mất mát, ngón tay bị chặt của các bà mẹ bộ tộc Dani cho biết có bao nhiêu người trong gia đình họ đã chết.

Mặc dù tập tục kỳ lạ và nguy hiểm này đã bị tuyên bố là bất hợp pháp và bị cấm, bằng chứng về sự tồn tại của phong tục này có thể thấy ở những phụ nữ lớn tuổi trong cộng đồng do các đầu ngón tay của họ bị cắt ngắn.

Tuệ An (Tổng hợp)

Link bài gốc Lấy link

Tuệ An (Tổng hợp)

Mạng Y Tế
Nguồn: Doanh nghiệp VN (https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/bo-toc-ky-la-cat-dot-tay-de-the-hien-su-thuong-tiec-khi-nguoi-than-qua-doi/20231211083107144)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY