Chuyện lạ hôm nay

Lý giải khoa học về hủ tục cắt âm vật bé gái ở châu Phi

Sự lưu truyền của hủ tục cắt âm vật bé gái ở nhiều quốc gia châu Phi có thể xuất phát từ động lực tiến hóa.
Các nhà khoa học Anh kết luận lợi ích tiến hóa có thể là tác nhân thúc đẩy cắt âm vật bé gái">hủ tục cắt âm vật bé gái (FGC) ở các nước Tây Phi. Họ chỉ ra ở những cộng đồng có số lượng bé gái bị cắt âm vật cao, phụ nữ có nhiều con sống sót sau khi chào đời hơn so với những người bạn đồng trang lứa không tiến hành hủ tục này, International Business Times đưa tin.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, 200 triệu phụ nữ ngày nay trải qua FGC trên khắp thế giới. Hủ tục này vẫn được lưu truyền rộng rãi, bất chấp nỗ lực xóa bỏ của các nhà chính sách và giới khoa học. Thậm chí ở những nước quy định đây là hành vi bất hợp pháp, FGC tồn tại như một nghi thức truyền đời.

Các nhà khoa học nghiên cứu FGC từ quan điểm tiến hóa gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu tại sao hủ tục vẫn tiếp diễn ở nhiều nước, dù có khả năng gây nguy hiểm tới tính mạng và sức khỏe sinh sản của nạn nhân.

Trong kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Ecology and Evolution hôm qua, các nhà khoa học chỉ ra FGC mang tính lệ thuộc, có nghĩa phụ nữ nhiều khả năng bị cắt âm vật hơn nếu đông đảo phụ nữ trong cộng đồng họ sinh sống trải qua hủ tục này. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện FGC có thể mang lại lợi ích sinh sản cho phụ nữ ở một số cộng đồng.

Các nhà khoa học lựa chọn 5 tập dữ liệu trong Chương trình khảo sát sức khỏe và nhân khẩu học ở các nước châu Phi. Họ xem xét dữ liệu sức khỏe và nhân khẩu học của hơn 61.000 phụ nữ từ 47 nhóm dân tộc thiểu số sinh sống ở Nigeria, Senegal, Mali, Burkina Faso và Bờ Biển Ngà.

Họ nhận thấy mức độ phổ biến của FGC trong một dân tộc thiểu số khiến cá nhân bé gái có nguy cơ cao phải chịu hủ tục này hơn, bất kể mẹ đẻ của bé có bị cắt âm vật hay không.

Dù còn hạn chế về phạm vi thu thập dữ liệu, nghiên cứu nhấn mạnh một điểm quan trọng. Việc giải thích với người dân lưu truyền hủ tục để họ nghĩ về FGC theo góc độ tiến hóa thay vì nói đó là hành vi bất hợp pháp, sẽ phát huy hiệu quả cao hơn trong nỗ lực chấm dứt hủ tục.

"Đây là nghiên cứu quan sát, dựa trên thông tin thu thập không chỉ cho nghiên cứu này mà còn cho nhiều mục đích khác, do đó mọi sự diễn giải cần được hạn chế. Việc chỉ ra FGC tiếp diễn bất chấp những nỗ lực xóa bỏ là rất quan trọng, và chúng ta cần nghĩ ra những phương pháp mới khác. Xem xét hủ tục từ góc độ văn hóa và tiến hóa có thể giúp chúng tôi hiểu rõ tại sao nó vẫn tồn tại", tiến sĩ Gladys Obuzor, làm việc tại cộng đồng Maasai hẻo lánh tại Kenya, nơi FGC rất phổ biến, chia sẻ.

Nghiên cứu cũng cho thấy ở các cộng đồng thường xuyên diễn ra FGC, phụ nữ bị cắt âm vật có nhiều trẻ sống sót sau khi chào đời ở tuổi 40 hơn phụ nữ không bị cắt. Ngược lại, ở những cộng đồng có tần suất tiến hành FGC thấp, phụ nữ không bị cắt lại có nhiều trẻ sơ sinh sống sót hơn.

Theo lý giải của tác giả nghiên cứu, ở những nơi FGC lưu truyền rộng rãi, phụ nữ bị cắt âm vật có triển vọng kết hôn cao hơn và sở hữu địa vị cao hơn trong xã hội, qua đó có thể sử dụng nhiều nguồn tài nguyên và đạt được sự ủng hộ lớn hơn.

"Từ quan điểm y khoa, thật thú vị khi bắt gặp phương pháp giúp tăng khả năng sống sót của trẻ em. Nhưng tôi muốn xem thêm nghiên cứu về hậu quả của FGC đối với người mẹ. Ngay cả khi trẻ sơ sinh sống sót, nhiều phụ nữ sống cả đời với cơn đau kinh niên và nhiễm trùng tái đi tái lại do FGC, vấn đề chưa được đề cập ở đây", Charlotte Tulinius, phó giáo sư hệ sau thạc sỹ, khoa Sức khỏe công cộng ở Đại học Copenhagen, bình luận.

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/ly-giai-khoa-hoc-ve-hu-tuc-cat-am-vat-be-gai-o-chau-phi-3537679.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY