Ngày 12/3, Văn phòng đại diện Marie Stopes International tại Việt Nam (MSIVN) phối hợp với Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk khai trương mô hình nhượng quyền xã hội dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình mang tên “tình chị em” tại trạm y tế xã Ea Phê, huyện Krông Pắk.
Đây là một trong những kết quả chính thuộc Dự án “Hoàn thiện và nhân rộng toàn quốc mô hình nhượng quyền xã hội dịch vụ
chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình tại các cơ sở y tế nhà nước”, với sự tài trợ của tổ chức The Atlantic Philanthropies (AP).
Mục tiêu tổng thể của Dự án là “Cải thiện sức khỏe bà mẹ thông qua việc nhân rộng toàn quốc mô hình nhượng quyền xã hội (NQXH) “tình chị em” tại các cơ sở y tế công, nhằm cung cấp các dịch vụ
chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) có chất lượng cao”. NQXH là một cách tiếp cận mới trong phát triển thông qua áp dụng kỹ thuật nhượng quyền thương mại để đạt được mục tiêu xã hội.
Cho đến nay tổ chức AP đã tài trợ thông qua MSIVN để phối hợp cùng các SYT thực hiện thành công mô hình NQXH “tình chị em” qua giai đoạn thử nghiệm thứ nhất ở Khánh Hòa, Đà Nẵng (2005-2009) và giai đoạn thử nghiệm thứ hai tại Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long (2009-2012). Mô hình cũng nhận được sự quan tâm và tài trợ của Liên mình Châu Âu để triển khai tại các cơ sở y tế nhà nước và một số cơ sở ngoài công lập tại Thừa Thiên Huế và Vĩnh Long (2010 – 2013).
Trong thời gian này, đã có 3.5 triệu lượt khách hàng được phục vụ tại các trạm y tế tham gia mạng lưới NQXH “tình chị em” tại các tỉnh dự án. Chất lượng dịch vụ và năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đã thay đổi đáng kể. Có tới 87% khách hàng hài lòng với dịch vụ nhận được. Điểm giám sát chất lượng lâm sàng tại các cơ sở được nhượng quyền cũng tăng từ 60% năm 2010 lên tới 92% năm 2012. Chương trình nhượng quyền xã hội “tình chị em”đã đạt được kết quả đáng kể về vận động chính sách khi SYT các tỉnh đối ứng từ 50% đến 100% ngân sách để nhân rộng mô hình ra thêm 111 cơ sở mới sau khi dự án kết thúc trên địa bàn, nâng tổng số thành viên trong mạng lưới lên tới hơn 300.
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, phát biểu: “Chúng tôi đánh giá cao việc mở rộng mô hình “tình chị em” tại tỉnh Đắk Lắk. Hy vọng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Marie Stopes International Việt Nam, các cán bộ y tế cơ sở của tỉnh sẽ được tăng cường năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cũng như khả năng giám sát để nâng cao chất lượng dịch vụ
chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Điều này sẽ góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân tại địa phương, đặc biệt là chị em phụ nữ ở các vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Lắk”.
Bà Đinh Thị Nhuận, Giám đốc Chất lượng và Dịch vụ MSIVN, cũng cho biết: “tình chị em” là một trong những mô hình thành công nhất của MSIVN hiện nay và được sự ủng hộ mạnh mẽ của Sở Y tế và đội ngũ cung cấp dịch vụ tuyến huyện/xã của các địa phương tham gia dự án. Nhận thấy việc mở rộng ảnh hưởng tích cực của Dự án sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống y tế cơ sở địa phương trong việc nâng cao năng lực cán bộ, tăng cường tiếp cận dịch vụ chất lượng của người dân, hướng tới mục tiêu bao phủ dịch vụ y tế tuyến cơ sở, MSIVN tiếp tục nhân rộng hoạt động của dự án đến ba tỉnh Yên Bái, Cà Mau và Đắk Lắk. Chúng tôi cũng rất hy vọng mô hình NQXH “tình chị em” sẽ được Bộ Y tế ghi nhận và xem xét việc nhân rộng trên toàn quốc.”
PV