Vì vẫn còn vài ngày phép, tôi tranh thủ đến công ty giải quyết một số việc rồi xin nghỉ hết tuần. Cô đồng nghiệp thấy vậy, thỏ thẻ: "Chị cho em gửi cháu nhé, ông bà nội nó bận, giờ không biết gửi ai". Chưa hết, cô em gái nhắn tin "cho cháu sang chơi cùng các chị với". Ờ thì trông, ba đứa với năm đứa chắc chả khác gì nhau mấy.
Nghỉ ở nhà vậy cũng hay, hai cô lớn tranh thủ nấu cơm, dọn dẹp, lau nhà, đọc sách và chơi đàn. Những quyển sách dày cỡ năm bảy trăm trang giờ có dịp để các chị ngấu nghiến. Ba em nhỏ vẽ tranh, đọc truyện, chơi trò chơi. Hết đóng giả bố mẹ và con cái trong một gia đình hay trò chó sói bắt heo rồi đến nấu đồ ăn bán hàng... Trao đổi mua bán cứ rôm rả như một cái chợ thật sự.
Nhà có cái lều vải dựng giữa phòng sinh hoạt chung nên cũng dễ trưng dụng làm đạo cụ đóng kịch. Chơi chán cả đám lại lên sân thượng ngắt rau cho thỏ ăn, vuốt ve, chuyện trò thân thiết như với bạn vậy. Hai chị lớn thì thích bóng bàn và cầu lông nên chiều chiều lại sang UBND phường tập đánh với các bác. Cứ đều đặn thế rồi cũng hết một ngày đầy ồn ào và náo nhiệt.
Nghe thì có vẻ rất đơn giản, trơn tru, nhưng để được vậy cũng trần ai lắm. Đầu tiên là cai nghiện tivi. Sáng ra chị út đã réo rắt: "Mẹ ơi, con làm xong hết việc mẹ cho con xem tivi nhé". Tôi giấu tiệt điều khiển trong két, bảo: "Thôi, chả mấy khi chị em gặp nhau, phải chơi với nhau chứ".
Thế là chị ấy lăn ra biểu tình. Lúc này, tôi giả vờ "điếc" nên ăn vạ được vài phút là chị yên phận mang giấy bút ra vẽ hoặc lấy truyện ra đọc. Có lẽ biết là "đấu tranh" không đem lại hiệu quả gì nên đành đầu hàng vô điều kiện.
Rồi khi chơi đứa nào cũng đòi làm siêu nhân bóng tối, tranh nhau làm chó sói, không đứa nào chịu đứa nào. Lại mách, lại kiện cáo um sùm. Xử chưa xong cặp này thì đến cặp khác. Lại phải đứng ra phân xử...
Tôi cũng chú trọng hơn tới chế độ ăn uống hằng ngày. Ngoài tăng cường rau xanh, trái cây tươi, tôi bổ sung thêm nước chanh sả mật ong. Vị chua chua ngọt ngọt, lại thơm lừng mùi sả khiến bọn trẻ rất thích thú. Giờ giấc ăn ngủ chơi vẫn duy trì đều đặn. Việc ăn ngoài cũng hạn chế ở mức tối thiểu. Đồ ăn sáng tôi cũng dậy sớm nấu, cố gắng đa dạng về thực đơn nên món nào cũng được nhiệt tình ủng hộ.
Hiện vẫn chưa là đỉnh dịch, diễn biến còn khó lường. Trẻ em, học sinh và sinh viên chắc không chỉ nghỉ học một tuần. Các bậc cha mẹ sẽ lại phải đau đầu chuyện trẻ nghỉ ở nhà. Có lẽ một nhóm gia đình thân quen nên gửi trẻ về một nhà, rồi cắt cử nhau nghỉ phép hoặc nhờ ông/bà trông. Có người lớn hướng dẫn chơi cùng, phân xử đúng sai và đảm bảo an toàn cho trẻ thì vẫn hơn.
Việc kiên quyết từ chối ý thích không tốt của bọn trẻ như xem tivi, máy tính, điện thoại sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ. Khi bọn trẻ không còn gì xem, chúng sẽ buộc phải tự nghĩ ra trò để chơi. Từ đó kích thích sự sáng tạo và hoạt bát. Kể cả khi cãi nhau chúng cũng có được những bài học về khả năng thương lượng, thuyết phục...
Những lúc rảnh rang tôi tụ tập bọn nhỏ, mở máy tính cho xem một số hình đồ họa về virus corona, cơ chế lây từ người này sang người khác, cách phòng tránh bị lây nhiễm, cách rửa tay, vệ sinh cá nhân và ăn uống làm sao cho khỏe mạnh. Tất nhiên, tôi phải trình bày bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu nhất. Đổi lại là vô số thắc mắc như khi bị bệnh thì sẽ như thế nào, con corona nó có hình thù ra sao và tụi con sẽ được nghỉ đến khi nào...
Các con sẽ làm gì trong thời gian nghỉ học luôn là vấn đề đau đầu đối với các bậc phụ huynh. Nhiều kịch bản, nhiều chương trình sáng tạo đã được áp dụng trong mấy ngày qua cho các con.
Chị Vân (Mai Dịch, Hà Nội) tổ chức cho các con học tiếng Anh qua mạng. Chị chọn các chương trình phù hợp tổ chức thành các nhóm nhỏ, các con tự học theo hướng dẫn của thầy giáo và cho các con thi đua để có điểm số cao. Không chỉ học tiếng Anh, các con còn có thể học khoa học, toán, tiếng Việt qua mạng.
Cách học này khá hiệu quả và tạo sự hứng thú cho trẻ, tuy nhiên chị cũng nhắc nhở phụ huynh trong nhóm nên quản lý thời gian và cách sử dụng máy tính của trẻ khi trẻ học để tránh các con làm việc khác trên máy tính.
Chị Mai (Trung Hòa, Hà Nội) coi đây là thời gian vàng để khuyến khích và động viên các con làm việc nhà. Chị cho biết từ trước tới giờ vẫn mong muốn dạy các con làm việc nhà để các con có ý thức và rèn kỹ năng cho các con, nhưng trong năm học vì thời gian học của các con quá nhiều nên chưa làm được.
Mấy ngày được nghỉ, mỗi khi đi làm về, bên cạnh việc hoàn thành các bài tập cô giáo nhắn con học, chị đều hướng dẫn các con làm việc và giao việc cụ thể cho các con.
Để động viên con, chị có các phần thưởng cho mỗi thành tích cụ thể. Tranh thủ chị giảng giải cho các con sự nguy hiểm của bệnh dịch và sự cần thiết phải giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Chính vì vậy, không chỉ dọn dẹp phòng của mình, các con chị sẵn sàng lau dọn khử trùng tất cả các nơi trong nhà. Con cũng biết thương cha mẹ đi làm và dọn nhà vất vả nên có ý thức giữ gìn vệ sinh hơn.
Chị Hương (Cầu Giấy) thì tổ chức chương trình dạy nấu ăn cho các con. Các con chị rất thích thú với chương trình làm bánh trôi nhiều màu, bánh bao chay, bánh bao nhân... lúc nào căn bếp cũng rộn ràng với lũ trẻ.
Tuy nhiên, chị cũng đang nghĩ cách có thêm các món mới đơn giản và thích hợp với các con. Chị cho biết dạy trẻ nấu nướng không chỉ đem lại niềm vui mà còn dạy cho con các kỹ năng sử dụng dụng cụ, kỹ năng quan sát, rèn luyện sự khéo léo của đôi tay. Con cũng hào hứng và đoàn kết hơn khi cùng nhau làm việc.
Còn ông bố của bé Nhật Minh (8 tuổi) lại nghĩ ra trò làm nhà và đồ chơi từ các hộp cactông. Thế là thay vì mua đồ chơi, hai bố con ở nhà sử dụng lại các hộp cactông cũ hì hục cả buổi cắt, dán, ghép để tạo thành căn nhà nho nhỏ.
Bé Nhật Minh đã rất tự hào khi có thể tự mình làm được căn nhà nhỏ cho mình để có thể ngồi trong "nhà" nghỉ ngơi đọc sách và chơi các trò chơi trong đó. Anh Hùng (bố Nhật Minh) cho biết anh không ngờ con lại hào hứng đến thế. Giờ thay vì ngồi mè nheo đi chơi, bé đã có thể tự chơi và tự chế các trò chơi mới. Nhờ vậy bé đã có thể sử dụng kéo thành thạo...
Rất nhiều chương trình, rất nhiều kịch bản sáng tạo và thú vị được các bậc cha mẹ tổ chức cho con và các con cũng đã rất hào hứng với các chương trình ấy. Mấu chốt của vấn đề không phải ở thời gian hay điều kiện mà chính là ở sự sáng tạo và quan tâm của cha mẹ với con cái.
Thời gian nghỉ vì dịch rồi cũng sẽ hết, các bé sẽ lại đến trường sau khi dịch bệnh được khống chế, nhưng những kỹ năng mà các bé học được và sự gắn kết gia đình mà bé cảm nhận được từ những người thân chắc chắn sẽ lưu lại rất lâu trong con trẻ.
Cách nào giúp con trẻ an toàn trong mùa dịch corona?
TTO - Dịch bệnh do virus corona đang phức tạp, người lớn cần làm gì để con an toàn? Làm sao để con đến trường mà không bị lây nhiễm? Tăng cường đề kháng cho con ra sao?...