Bỏng hôm nay

Bỏng điện

Bỏng điện là loại bỏng thường gây nên những tổn thương sâu, rất nguy hiểm đến tính mạng. Cấp cứu bỏng thì đơn giản không rắc rối, phức tạp nhưng đòi hỏi phải cấp cứu khẩn trương, linh hoạt.

I. Đại cương :

Khi luồng điện dẫn truyền vào cơ thể sẽ gây các tổn thương bệnh lý toàn thân hoặc tại chỗ.

Cần phân biệt 2 loại tổn thương:

- Bỏng do tia lửa điện: Có nhiệt độ rất cao từ 3200 - 48000C, thời gian tác dụng rất ngắn 0,2 - 1,5 giây; 80% nhiệt năng bức xạ ánh sáng của tia lửa điện là chùm tia hồng ngoại thường gây nên bỏng nông, bỏng các phần hở của cơ thể và bỏng phía cơ thể hướng về phía tia lửa điện. Nếu điện thế cao trên 1000 von có thể gây bỏng trung bì và bỏng sâu.

- tổn thương do luồng điện dẫn truyền vào cơ thể bao gồm: tổn thương tại chỗ (bỏng) và tổn thương toàn thân (ngừng hô hấp, ngừng tim, sốc điện). sét đánh cũng là một hiện tượng bỏng điện có hiệu thế cao hàng triệu von.

II. Cơ chế bỏng điện :

Tính chất nặng của bỏng do luồng điện phụ thuộc vào các yếu tố:

- Kiểu dòng điện: một chiều hoặc xoay chiều.    

- Hiệu thế dòng điện: cao thế hoặc hiệu thế thấp.

- Điện trở của mô cơ thể.

- Cường độ dòng điện khi truyền qua cơ thể.

- Thời gian dòng điện truyền qua cơ thể.

-  Đường truyền qua cơ thể.

III. Tổn thương bệnh lý chung :

1. Toàn thân :

- Có 4 mức độ:

 + Nhẹ: cơ bị co cứng lại, tri giác còn nguyên vẹn

 + vừa: các cơ co cứng mạnh, nếu ở trên cao, người bị nạn có thể bị giật bắn người ra, rơi xuống và mất tri giác.

 + Nặng: mất tri giác, rối loạn hoạt động tim (rung thất) rối loạn hô hấp (ngừng hô hấp).

 + Rất nặng: ch*t lâm sàng. Luồng điện có hiệu thế thấp thường gây Tu vong do rung thất ngừng tim. Luồng điện có hiệu thế cao gây Tu vong do ngừng hô hấp.

- Nguy cơ : Nếu được cứu chữa kịp thời và tổn thương toàn thân không quá nặng người bị sẽ thoát khỏi tình trạng trên và bước vào các thời kỳ của bệnh bỏng với các đặc điểm sau đây:

 + Sốc bỏng: thường có suy thận cấp, nước tiểu có hemoglobin (huyết sắc tố) và myoglobin (sắc tố cơ).

 + Nhiễm độc nhiễm khuẩn nặng.

 + Thiếu máu do chảy máu thứ phát.

 + Loét cấp đường tiêu hoá.

 + Suy mòn bỏng phát triển nhanh.

 + Rối loạn cảm giác, vận động, bệnh lý tâm thần sau khi khỏi bỏng

2. Tổn thương tại :

Bỏng điện thường sâu, tổn thương tại chỗ biểu hiện ở điểm vào và ra của luồng điện, vị trí thường gặp là bàn tay, bàn chân. ở trẻ em có thể bỏng miệng, môi, lưỡi do ngậm vào cực điện. Điện trở càng cao, cường độ của luồng điện càng lớn và thời gian tác dụng càng lâu thì tổn thương tại chỗ càng sâu rộng.

Tổn thương là các đám da hoại tử hình tròn hoặc bầu dục màu vàng đục hoặc xám đen, than hoá. Giới hạn tổn thương không dễ dàng, trong những ngày đầu khó chẩn đoán chính xác độ sâu của .bỏng

Nếu bỏng sâu thường các lớp gân, cơ, cũng bị hoại tử. Đối với các vùng thành ngực, thành bụng khi hoại tử rụng có thể làm lộ hở hốc phế mạc. Đối với vùng xương sọ, xương trán có thể thấy hoại tử xương và thủng dẫn tới chứng viêm màng não. Đối với các chi thể thường có các tổn thương mạch máu gây chảy máu thứ phát, tổn thương thần kinh gây liệt. Có khi toàn bộ chi bị tổn thương (hoại tử, than hoá) đòi hỏi phải cắt cụt chi sớm.

Trong bỏng điện thường xuất hiện hoại tử thứ phát các mô phát sinh do sự nghẽn các mạch máu, do các cục huyết khối hình thành trong lòng các mạch, do tổn thương thành mạch. những ngày đầu có thể thấy vết bỏng có giới hạn nhất định, nhưng trong thời gian sau vùng đó như bị thiếu máu, cơ, gân bị hoại tử thứ phát.

Do các đặc điểm trên nền bỏng điện thường có các biến chứng tại chỗ và khi khỏi thường để lại các di chứng gây tàn phế.

IV. Dự phòng và điều trị :

1. Dự phòng:

Chấp hành đúng qui chế an toàn sử dụng điện, bảo vệ tốt những nguồn điện không để hở mạch và đưa các công tắc điện lên cao tránh trẻ em nghịch phải.

Có đủ cầu chì bảo hiểm đúng qui cách để tự cắt điện khi xảy ra sự cố.

Không để trẻ nhỏ nghịch các dụng cụ điện.

2. Điều trị:

a. Ngắt nguồn điện:

Cần phải tìm mọi cách để cắt nguồn điện và cứu người bị nạn ra khỏi nguồn điện bằng cách cắt ngay cầu dao, tháo bỏ cầu chì. Đối với người bị nạn dùng que gỗ khô gỡ dây điện ra và  kéo người bị nạn ra ngoài vùng nguy hiểm (kéo tóc, quần áo).

Đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng mát.

Kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách, áp má vào mũi nạn nhân và xem lồng ngực có di động hay không, hoặc dùng tay đặt vào động mạch hai bên cổ nạn nhân. Với nạn nhân không có dấu hiệu thở thì tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim lồng ngực tại chỗ, cho đến khi tự thở được hoặc xác định nạn nhân chắc chắn đã ch*t thì mới dừng lại.

Hô hấp nhân tạo: Nới rộng quần áo và dây thắt lưng, đệm dưới cổ cho đầu hơi ngửa ra sau để đảm bảo đường hô hấp được thông thoáng. Lấy hết dị vật, thức ăn, răng giả, đờm dãi từ miệng nạn nhân. Bịt mũi nạn nhân bằng ngón cái và trỏ, tay kia kéo hàm xuống dưới để miệng mở ra, người tiến hành hô hấp nhân tạo hít vào thật sâu, ngậm chặt miệng nạn nhân rồi thổi mạnh 1 hơi đối với người lớn, một hơi nhẹ đối với trẻ em, làm sao cho lồng ngực người bệnh nở rộng ra, mỗi phút thổi 15 đến 16 lần.

Ép tim ngoài lồng ngực: Đặt người bệnh trên 1 nền cứng. Người tiến hành ép tim ngồi bên trái nạn nhân, đặt lòng bàn tay trái ở 1/3 dưới xương ức bệnh nhân, lòng bàn tay phải đặt lên trên lòng bàn tay trái. Dùng sức mạnh của hai tay và cơ thể từ từ ấn sâu xuống khoảng 3 đến 4 cm, sau đó nới lỏng tay ra. Đối với trẻ em đặt 2 ngón tay ở 1/3 dưới xương ức. Số lần ép tim trong một phút khoảng 60 đến 80 lần. Nếu phải kết hợp cả ép tim với thổi ngạt, cứ 5 lần ép tim lại thổi ngạt một lần

Với  nạn nhân còn tỉnh: Kiểm tra mức độ tổn thương ở các vị trí nặng hay nhẹ. Đặc biệt, kiểm tra tổn thương nguy hiểm trước như ở đốt sống cổ bởi những tổn thương này có thể gây liệt nếu không sơ cấp cứu kịp thời, sau đó tiến hành kiểm tra các bộ phận còn lại. Động viên, an ủi để nạn nhân yên tâm.

Nếu có điều kiện tiêm Thu*c trợ tim kích thích hô hấp. Khi tự thở và tim đập trở lại lúc đó mới đặt vấn đề băng bỏng, giảm đau và chuyển người bệnh đến cơ sở điều trị gần nhất.

Cần chú ý chữa suy thận cấp, theo dõi nước tiểu về số lượng, màu sắc, pH, tỷ trọng 2-3 giờ một lần đồng thời xét nghiệm về tế bào cặn lắng, huyết sắc tố, phong bế nôvôcain dung dịch 0,25% hai bên quanh thận, cho Thu*c lợi tiểu thẩm thấu Manitol, huyết thanh kiềm, dung dịch nôvôcain 0,13%, dung dịch có trọng lượng phân tử nhỏ.

b. Chống nhiễm khuẩn:

Băng sạch vết thương, phong bế Novocain vào gốc chi, biến hoại tử ướt thành hoại tử khô. Tiêm kháng sinh dưới hoại tử, kháng sinh toàn thân, cắt bỏ sớm hoại tử. Sử trí các tổn thương sâu. Nếu toàn chi thể bị hoại tử phải cắt cụt kịp thời. Chú ý cầm máu tốt trong phẫu thuật. Khi hoại tử ở các vùng có mạch máu lớn phải đề phòng chảy máu thứ phát nếu có đứt mạch phải  kịp thời cầm máu rồi  thắt buộc mạch vùng lành trên nơi bị tổn thương.

c. Khi xương sọ bị tổn thương:

Cần khoan nhiều lỗ qua lớp xương ch*t tới phần lành tạo cho tổ chức hạt mọc cần ghép da kịp thời các vùng đã cắt bỏ hoại tử hoặc các vùng có tổ chức hạt. Cần theo dõi phát hiện và điều trị các biến chứng, viêm màng não, áp xe não dưới vùng hoại tử.

Khi bỏng điện gây tổn thương các xương cần lấy bỏ các lớp xương ch*t đến vùng xương có rỉ máu và chờ mọc mô hạt sẽ ghép da.

Các di chứng tại chỗ của bỏng điện đòi hỏi các phẫu thuật tạo hình phục hồi hình thể hoặc chức năng sau khi người bệnh đã khỏi bỏng.

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/5c21ce6276801b284a5bc2c2)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY