Bệnh thường gặp hôm nay

Bệnh thường gặp

BV Việt Đức: Làm chủ kỹ thuật khó trong tạo hình tai, chỉ vài trung tâm trên thế giới thực hiện được

Ngày 4/11, thông tin từ BV Việt Đức cho biết, các bác sĩ của Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ vừa thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật tạo hình tai nhỏ bằng sụn sườn tự thân chỉ với duy nhất một lần phẫu thuật với sự hỗ trợ của nội soi. Đây là một trong những kỹ thuật khó nhất trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Cho đến nay mới chỉ có 1 đến 2 trung tâm trên thế giới có thể tiến hành một cách thường quy

Sau 2 năm nghiên cứu và cải tiến kỹ thuật, các bác sỹ Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ- BV Việt Đức đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật tạo hình tai nhỏ bằng sụn sườn tự thân chỉ với duy nhất một lần phẫu thuật với sự hỗ trợ của nội soi.

Hình ảnh tai nhỏ của bệnh nhân trước khi được phẫu thuật tạo hình Ảnh BVCC

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, BV Việt Đức cho biết, dị tật vành tai, tai nhỏ, có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải do T*i n*n mất tai hoặc bỏng. Di tật tai nhỏ bẩm sinh (microtia) có thể chia làm 4 độ, từ không có một phần hay toàn bộ vành tai (anotia). Bệnh lý này tuy không nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng có thể để lại ảnh hưởng lớn về mặt thẩm mỹ và tâm lý, nhất là đối với trẻ em trong lứa tuổi trước đến trường.

Cho đến nay trên thế giới thường có hai phương pháp tạo hình vành tai phổ biến. Phương pháp thứ nhất được thực hiện từ khoảng 50 năm trở lại đây là tạo hình vành tai bằng sụn sườn tự thân. Các phẫu thuật viên sẽ phải sử dụng sụn sườn 6,7,8,9 lấy khỏi lồng ngực và điêu khắc lại thành khung sụn hình vành tai. Sau đó chôn khung sụn này xuống dưới da vùng tai rồi chờ 6 tháng đến 1 năm cho sụn sống tốt thì sẽ phẫu thuật lần 2 để dựng vành tai.

“Như vậy, phương pháp này yêu cầu phải mất ít nhất là 2 đến 3 lần mổ lớn với đầy đủ nguy cơ của gây mê toàn thân và phẫu thuật”- PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho hay.

Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật tạo hình tai cho bệnh nhân bằng kỹ thuật khó mà chỉ vài tiên tiến trên thế giới làm được

Phương pháp thứ hai là tạo hình vành tai bằng khung sụn nhân tạo giống như san hô. Khung sụn tai nhân tạo này có hàng nghìn, hàng trăm lỗ nhỏ li ti để tổ chức cơ thể có thể tích hợp cùng với chất liệu nhân tạo sau khi ổn định.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà: Ưu điểm của phương pháp này là thông thường bệnh nhân chỉ cần trải qua duy nhất một lần phẫu thuật rất sớm ngay từ khi trẻ mới 4,5 tuổi, trước khi đi học và kết quả thẩm mỹ hơn hẳn các phương pháp khác. Do đó cho đến nay phương pháp tạo hình tai bằng sụn nhân tạo đang là phương pháp có nhiều ưu điểm nhất.

Tuy nhiên TS Hà cũng cho hay, phương pháp này cũng có nhược điểm là khung sụn nhân tạo rất đắt tiền và chưa được bảo hiểm y tế chi trả như các loại vật tư y tế kỹ thuật cao khác như khớp háng, khớp gối nhân tạo. Trong điều kiện kinh tế của Việt Nam thì không phải gia đình nào cũng có đủ tiền để mua được khung sụn tai nhân tạo về thực hiện phương pháp này cho con em mình.

“Chính vì vậy, các bác sĩ của BV Việt Đức đã cải tiến kỹ thuật và áp dụng thành công phương pháp mới tạo hình tai nhỏ 1 thì bằng sụn sườn tự thân với sự hỗ trợ của phẫu thuật nội soi cho kết quả gần tương tự như với phương pháp làm sụn nhân tạo nhưng giá thành lại giảm hơn nhiều so với phương pháp làm sụn nhân tạo”- PGS. TS Nguyễn Hồng Hà cho biết

Tai của bệnh nhân sau khi được phẫu thuật tạo hình

Thực hiện thường quy kỹ thuật khó trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm, trong kỹ thuật này các bác sĩ vẫn sử dụng sụn sườn của chính bệnh nhân để làm thành khung tai. Nhưng thay vì phải chôn khuôn dưới da để chờ một năm sau mới tiến hành phẫu thuật lần 2 các bác sĩ đã sử dụng ngay vạt cân thái dương nông để che phủ khung sụn tự thân này và chỉ với duy nhất một lần phẫu thuật các bệnh nhân đã có thể có được một vành tai mới gần như bình thường.

“Điểm khó khăn nhất của phẫu thuật này là phải làm sao che phủ được toàn bộ khung sụn bằng vạt cân thái dương nông. Chỉ cần một phần nhỏ từ 1 - 2 mm bị lộ cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử gây mất toàn bộ khung sụn. Trước đây để lấy được vạt cân thái dương, các bác sỹ thường phải mổ mở (mổ phanh) nên sẽ để lại một đường sẹo 15 đến 20 cm hình chữ T trên vùng thái dương gây rụng tóc, sẹo lồi rất mất thẩm mỹ”- TS Hà cho biết.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, nhờ ứng dụng kỹ thuật nội soi, các bác sỹ BV Việt Đức có thể lấy được toàn bộ cân thái dương nông mà không phải rạch thêm đường sẹo nào. Để đảm bảo vạt cân sống tốt và che phủ toàn bộ khung sụn tránh không bị thải loại thì vạt cân thái dương phải được lấy với đủ toàn bộ hai nhánh động mạch đỉnh và nhánh trán cộng với cả vòng nối giữa hai nhánh mạch này.

Một sơ suất nhỏ gây tổn thương bất kỳ một nhánh mạch nào cũng có thể dẫn đến hoại tử. Một điểm hoại tử dù nhỏ nhất chỉ từ 1 mm cũng có thể dẫn đến hiện tượng lộ khung sụn và làm hỏng toàn bộ kết quả của cuộc phẫu thuật.

Bệnh nhân có tai đẹp mà không để lại đường sẹo sau phẫu thuật tạo hình

“Chính vì vậy việc áp dụng phương pháp nội soi lấy vạt không những chỉ giảm thiểu đường sẹo thẩm mỹ nhất, nhỏ nhất mà quan trọng là là giúp phóng to các mạch máu nhỏ li ti như sợi tóc trên màn hình máy nội soi để có thể quan sát kỹ giúp bảo tồn toàn bộ các nhánh mạch máu nhỏ này đảm bảo cho vạt cân có thể sống được 100%. Cho đến nay theo y văn cũng chỉ có 1 đến 2 tiên tiến nhất trên thế giới có thể thực hiện được kỹ thuật này một cách thường quy như tại BV Việt Đức”- TS Hà nhấn mạnh

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cũng nhấn mạnh, việc tích hợp ưu điểm của cả hai phương pháp phẫu thuật thịnh hành nhất trên thế giới đã tạo ra một cơ hội mới cho các các bệnh nhân trong điều kiện của Việt Nam nhưng vẫn có thể sử dụng các kỹ thuật cao hiện đại nhất nhì thế giới trong chuyên ngành Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ.

Thái Bình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/bv-viet-duc-thuc-hien-thanh-cong-ky-thuat-phau-thuat-tao-hinh-tai-nho-n165356.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY