Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Các ngân hàng trung ương mạnh tay cắt giảm lãi suất nhằm cứu vãn nền kinh tế giữa tâm dịch

(MangYTe) Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cùng nhiều ngân hàng trung ương thế giới đã đồng thời công bố hàng loạt các chính sách nhằm kích cầu kinh tế và các gói viện trợ doanh nghiệp đang lao đao vì đại dịch.

Những biện pháp mà Fed, ECB hay BoJ đưa ra đều tương đồng với các bước được thực hiện cách đây hơn 1 thập kỷ nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các biện pháp cắt giảm lãi suất và tung các gói viện trợ, các chính sách nới lỏng định lượng (quantitative easing) nhằm giúp nền kinh tế các nước không lao vào suy thoái vì đại dịch COVID-19.

Các thị trường chứng khoán liên tục mất điểm trong hơn 1 tháng qua, khi càng ngày các nhà đầu tư càng lo ngại về khả năng đối phó dịch bệnh trên toàn cầu. Việc các nước liên tục công bố quyết định phong tỏa toàn bộ đất nước hay một khu vực cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên tâm lý hoang mang trong giới đầu tư.

Fed là đơn vị đầu tiên công bố các chính sách, khi liên tục cắt giảm lãi suất xuống còn gần như bằng 0. Ngân hàng trung ương New Zealand cũng đồng thời đưa ra một chính sách nới lỏng định lượng ngay khi phiên giao dịch đầu tuần bắt đầu.

"Virus đang có ảnh hưởng nghiêm trọng tới con người tại nước Mỹ và trên toàn thế giới", Chủ tịch Fed Jerome Powell cho hay. Hiện mức lãi suất của Mỹ đang được để ở ngưỡng 0% tới 0,25%. Đồng thời, Fed cũng công bố gói ngân sách 700 tỷ đô, dự kiến được giải ngân trong vài tuần tới để giúp đỡ nền kinh tế Mỹ.

Ngân hàng trung ương Australia cũng quyết định bơm thêm tiền mặt vào thị trường tài chính, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ vào cuối tuần này.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng tuyên bố thực thi chính sách nới lỏng định lượng, tăng cường ngân sách thu mua những tài sản rủi ro nhằm chống đỡ cho nền kinh tế vốn đang đứng trên bờ vực suy thoái này.

"Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ thực thi các chính sách QE một cách dứt khoát, đồng thời sẽ theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Corona", thông cáo báo chí của BoJ cho hay.

"Sau khi các chính sách tiền tệ trên được công bố, phản ứng của thị trường là bán trước, hỏi sau", Selena Ling - Giám đốc mảng nghiên cứu và chiến lược đầu tư của OCBC tại Singapore cho hay.

"Những biện pháp của Fed và các ngân hàng trung ương có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng liệu các ngân hàng có biết được thông tin gì nhiều hơn họ hay không. Thị trường cũng sẽ khó lòng tin rằng việc bơm tiền vào thị trường sẽ giúp giải quyết một cuộc khủng hoảng y tế", cô nhận định.

"Đây là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương rất sợ tình hình đại dịch hiện tại", Michael O'Rourke - Giám đốc chiến lược tài chính tại JonesTrading cho hay. "Các ngân hàng phản ứng quá dữ dội, điều này có thể làm các nhà đầu tư hoảng sợ".

"Việc Fed đưa ra các chính sách tương tự như cuộc khủng hoảng năm 2008 khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng một kịch bản tương tự sắp diễn ra", David Kotok - Giám đốc đầu tư tại Cumberland Advisors cho hay.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng việc Fed tập trung chủ yếu vào thị trường tài chính lúc này, theo đúng "giáo trình", là một sai lầm. Thay vào đó, cơ quan này nên tập trung vào việc hỗ trợ thuế với các doanh nghiệp.

"Đây cũng là lúc mà Fed buộc phải làm mọi thứ", Karl Schamotta - Giám đốc chiến lược tại Cambridge Global Payments ở Toronto nhận định. "Rất có thể nhiều chính sách hỗ trợ khác sẽ tiếp tục được tung ra, khi tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới đều ủng hộ việc kích cầu kinh tế".

"Nhưng chúng ta cần phải có thêm nhiều thông tin hơn về con virus này, cũng như quá trình đang lây lan tại Mỹ", Phil Orlando của hãng Federated Hermes nhận định. "Chúng ta cần phải chứng minh được rằng công cuộc chống lại virus Corona vẫn đang tiến triển tốt".

Hoàng Việt (Theo Reuters)

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/cac-ngan-hang-trung-uong-manh-tay-cat-giam-lai-suat-nham-cuu-van-nen-kinh-te-giua-tam-dich-post75033.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY