Diễn đàn năm nay được tổ chức nhằm quy tụ, thiết lập một mạng lưới các cơ quan, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, để cùng đạt được nhận thức chung về cách thức FbF có thể đóng góp cho việc nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai. Diễn đàn cũng nhằm chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm về FbF giữa các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Thông qua các phiên thảo luận, các đại biểu sẽ cùng xây dựng lộ trình hướng đến thể chế hóa cách tiếp cận hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Cách tiếp cận hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo tạo điều kiện cho việc sử dụng nguồn lực để thực hiện hành động sớm dựa trên thông tin dự báo và phân tích rủi ro thiên tai. Đây là cách tiếp cận đã và đang được triển khai tại 16 quốc gia trên thế giới. Cách tiếp cận FbF hướng tới tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ, dữ liệu, thông tin dự báo từ mạng lưới toàn cầu và trong nước để triển khai hành động, ứng phó sớm trước khi thảm họa xảy ra nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản và sinh kế của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
FbF được coi là cách tiếp cận hiệu quả góp phần nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai, đồng thời cũng giúp thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà khoa học, chính phủ các quốc gia, các viện nghiên cứu và khối tư nhân nâng cao tính hiệu quả trong công tác dự báo, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó với các rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng.
"Là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, với vai trò là tổ chức nòng cốt trong hoạt động nhân đạo của đất nước, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xác định công tác phòng ngừa và ứng phó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chiến lược của Hội", bà Thu khẳng định.
Chia sẻ tại Diễn đàn ông Albert T.Lieberg - Trưởng Đại diện tổ chức FAO Việt Nam: Trong hai thập kỷ qua, các thảm họa liên quan đến thời tiết đã giết Ch?t hơn 600.000 người, ảnh hưởng đến gần 4,2 tỷ người và gây ra thiệt hại kinh tế hơn 2.600 tỷ USD trên toàn thế giới. Hiện nay, ngày càng có nhiều tổ chức và quốc gia tham gia, thử nghiệm và ghi lại các bằng chứng và bài học rút ra từ quy trình này, để mở rộng và thể chế hóa nó theo hệ thống quản lý thảm họa quốc gia, phù hợp với cách tiếp cận dự đoán hơn trong hỗ trợ nhân đạo.
Ông Albert T.Lieberg nhấn mạnh: Các hộ gia đình cần nhận thức rõ các hành động cần thiết để giảm thiểu tác động của các thảm họa đã lường trước. Do đó, sự phối hợp và hợp tác mạnh mẽ hơn giữa Cơ quan quản lý thiên tai Việt Nam và Cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam là những lời cảnh báo sớm có thể hành động với những dự báo đáng tin cậy về các tác động có thể xảy ra và đề nghị hành động sớm... Các tổ chức đoàn thể như Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và các tổ chức khác, đóng một vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị và ứng phó với thảm họa. Các tổ chức đoàn thể, với các mạng lưới ở cấp cộng đồng, có vị trí tốt để hỗ trợ xây dựng các hành động sớm, phổ biến các thông điệp cảnh báo sớm có thể hành động và xác định các nhóm dễ bị tổn thương.
Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu và mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Đến nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đào tạo mạng lưới 815 tập huấn viên, hướng dẫn viên về các lĩnh vực liên quan phòng ngừa và ứng phó thảm họa trong toàn quốc; thành lập Phòng Điều hành ứng phó thảm họa và Đội ứng phó thảm họa cấp quốc gia, kết nối với 33 Đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh, 330 Đội ứng phó thảm họa cấp xã; hỗ trợ 585 xã, phường (chiếm hơn 1/3 số xã/phường được Đề án 1002 của Chính phủ tiếp cận) thuộc 142 huyện, quận của 36 tỉnh, thành phố xây dựng cộng đồng an toàn và triển khai hoạt động can thiệp rủi ro thảm họa như xây dựng nhà tránh trú bão kết hợp các hoạt động sinh hoạt tại địa phương, đường sơ tán an toàn, hệ thống thoát nước, hỗ trợ trường học an toàn,….; tiếp tục duy trì hoạt động của 44 trung tâm phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, 26 trạm ứng phó khẩn cấp; xây dựng 30.000 nhà chữ thập đỏ và nhà an toàn phòng, chống bão lũ; tổ chức các kho hàng cứu trợ khu vực miền Bắc, Trung, Nam.
Được biết, kể từ Diễn đàn đối thoại Khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2017, số lượng các dự án FbF đang được triển khai trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng lên đáng kể. Hiện có 6 quốc gia đang thực hiện thí điểm FbF trong đó có Việt Nam. Các hoạt động của dự án thí điểm cách tiếp cận FbF rất đa dạng, từ việc xây dựng phương pháp cho cách tiếp cận FbF (xác định rủi ro, đánh giá thông tin dự báo, xác định ngưỡng ảnh hưởng, lựa chọn hành động sớm) đến triển khai thí điểm quy trình hành động sớm cho nhiều loại hình thiên tai như bão, lũ, hạn hán, nắng nóng và rét đậm, rét hại…
Riêng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang áp dụng thí điểm cách tiếp cận này trong một dự án mang tên “Sẵn sàng với FbF” nhằm triển khai hoạt động sớm ứng phó với nắng nóng ảnh hưởng tới các nhóm dễ bị tổn thương ở Hà Nội và Đà Nẵng; hỗ trợ 21 tỉnh, thành hội xây dựng bản đồ dự báo tác động thiên tai; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đang hoàn thiện Khung kế hoạch hành động về hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo và đưa cách tiếp cận FbF vào trong định hướng chiến lược phát triển hội đến năm 2030.
Chủ đề liên quan:
hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo hội chữ thập đỏ liên quan thảm họa thời tiết tổ chức FAO Việt Nam