Hơn 60% diện tích rừng của tỉnh Cà Mau (trên 26.400ha) đang ở dự báo cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm, so với gần 2 tuần trước diện tích đã tăng lên gần gấp đôi.
Trong khi đó, hơn 7.700ha dự báo cháy cấp 4 (cấp nguy hiểm) hiện đang ngấp nghé gia tăng cấp độ báo cháy chỉ trong vài ngày tới. Đáng lo ngại là tình hình nắng gay gắt dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài. Hiện tại, mực nước các kênh trong rừng thấp hơn cùng kỳ mùa khô năm 2019 từ 0,5m tới gần 1m. Khi đó sẽ không còn nước chữa cháy nếu có cháy lớn.
Tương tự, tỉnh Đồng Tháp có diện tích rừng hơn 12.000ha, trong đó diện tích rừng tràm là hơn 6.000ha. Trước hiện trạng nắng nóng như hiện nay, tỉnh đã khẩn trương triển khai công tác phòng cháy chữa cháy rừng ở 10 đơn vị chủ rừng trong tỉnh.
Từ đầu năm 2020 Chi cục Kiểm lâm phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh tổ chức kiểm tra việc triển khai công tác PCCC rừng định kỳ tại 10 đơn vị chủ rừng. Qua kiểm tra, các chủ rừng đã chủ động triển khai thực hiện tốt kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng năm 2020, trong đó Vườn Quốc gia Tràm Chim thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng ngay từ đầu năm.
Các đơn vị quản lý rừng nâng cao tinh thần cảnh giác trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, chủ động phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao để ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm nhập vào rừng trái phép, bẫy bắt động vật rừng, phá rừng, khai thác thủy sản, sử dụng lửa bắt ong gây cháy rừng; đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền trong cộng đồng dân cư ven rừng để nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng xâm nhập trái phép vào rừng, nhất là trong các tháng cao điểm mùa khô.
Do nắng nóng gần 40 độ C kéo dài, tại Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát (một trong những khu vực rừng trọng điểm của tỉnh Tây Ninh) với diện tích hơn 19.100ha, có lượng thực bì lớn và khô héo, gây nguy cơ cháy rừng cao. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ, phòng, chống cháy rừng lại mỏng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ thiếu thốn, nguồn nước chữa cháy khó khăn...
Ông Huỳnh Hữu Phương, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, cho biết, cùng thời điểm này mấy năm về trước mực nước tại suối Đa Ha cao khoảng 1 mét nên việc lấy nước phục vụ cho công tác chữa cháy thì rất thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay mực nước ở con suối này chỉ còn lại khoảng 10cm, là mực nước ch*t.
Do đó việc nâng cao ý thức người dân là rất quan trọng. Ngoài ra, việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cũng vô cùng cần thiết, góp phần giảm thiểu tối đa các vụ cháy cũng như hậu quả khi sự cố xảy ra.