Nhân viên y tế chốt kiểm soát số 1 xã Sơn Lôi xịt khử khuẩn tiền trước khi thanh toán giao nhận hàng qua chốt kiểm soát số 1 tại xã Sơn Lôi. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.
Theo các chuyên gia y tế, trong các phương tiện chăm sóc y tế, cách ly là một trong số các biện pháp có thể được thực hiện để kiểm soát nhiễm trùng: ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm lây truyền từ một bệnh nhân đến bệnh nhân khác, đến nhân viên y tế và đến người thăm bệnh, hoặc từ người bên ngoài đến một bệnh nhân cụ thể (cách ly ngược). Có nhiều hình thức cách ly khác nhau, như việc thay đổi thủ tục tiếp xúc, đưa bệnh nhân cách ly xa tất cả những người khác. Cách ly được sử dụng phổ biến nhất khi bệnh nhân được phát hiện mắc một bệnh truyền nhiễm (lây truyền từ người này sang người khác) do virus hoặc vi khuẩn.
Ngay khi tại Việt Nam xuất hiện người bệnh nghi nhiễm virus Covid-19, để đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện tổng thể các biện pháp, trong đó biện pháp cách ly y tế trong vòng 14 ngày là đặc biệt quan trọng đối với những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh, trường hợp nghi ngờ, các trường hợp về từ vùng có dịch, đặc biệt với những trường hợp về từ Trung Quốc.
Sau 21 ngày phong tỏa chặn dịch, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc- nơi được xác định có nguy cơ trở thành tâm dịch của cả nước đã trở lại cuộc sống bình thường. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, thắng lợi tại Sơn Lôi là đã thực hiện nghiêm phương châm “phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để”, hạn chế lây lan ra cộng đồng.
Tuy nhiên, thời điểm này Việt Nam đang ở trong giai đoạn chống dịch mới, đúng như dự báo trước đó của các chuyên gia: Các lực lượng chức năng và người dân cả nước không chủ quan, không lơ là, luôn sẵn sàng tâm thế có thêm ca bệnh mới. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, việc điều trị, phòng chống dịch Covid-19 cần bình tĩnh bởi hiện nay, hệ thống cơ sở y tế từ tuyến huyện, tuyến tỉnh đến trung ương đã được “kích hoạt” với tinh thần “phát hiện, cách ly, khoanh vùng và tập trung điều trị tại chỗ”.
Nhìn thẳng vào thực tế, vẫn còn một bộ phận người dân không chấp hành đúng quy định pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng. Một số người có hành động chủ quan, vô ý thức, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, gây bức xúc trong xã hội. Xét dưới góc độ đạo đức, đây là hành vi coi thường tính mạng của người thân và cộng đồng. Về mặt pháp luật, những hành động này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, tùy theo mức độ có hình thức xử lý phù hợp, phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù đến 12 năm, ngoài hình phạt tù còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng...
PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết, việc thực hiện cách ly địa phương có nhiều ca bệnh là biện pháp quyết liệt để tăng cường kiểm soát dịch bệnh, để hạn chế tốt nhất sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng. Cách ly tại địa phương có những ca nghi ngờ hoặc đang trong thời gian ủ bệnh sẽ hạn chế thấp nhất sự phát tán virus Covid-19, lây cho những người khác.
Câu chuyện về bệnh nhân số 17 của Việt Nam là tiếng chuông cảnh tỉnh với những ai còn chủ quan, xem nhẹ dịch bệnh. Dù dịch bệnh ở giai đoạn nào, việc đề cao cảnh giác, phát huy tinh thần tự giác, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch cần thường trực sẵn sàng trong ý thức mỗi người dân.
Nhắc lại bài học kinh nghiệm chống dịch SARS năm 2003, cách ly được xác định là một trong những biện pháp căn bản, quan trọng để phòng chống các dịch liên quan đến viêm đường hô hấp cấp, các chuyên gia y tế xác định, với tỷ lệ Tu vong thấp nhưng độ lây nhiễm cao hơn so với virus SARS và CoV khác nên đây chính là “thời kỳ vàng” để tổ chức nhiệm vụ cách ly, nếu không cách ly tốt sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm, khó lường.
Nói về sự quan trọng của việc cách ly, Đại tá Hà Thế Tấn-Viện phó Viện Y học dự phòng quân đội, thành viên Tiểu ban kỹ thuật phòng chống Covid-19 của Cục Quân y, Bộ Quốc phòng chia sẻ: Hồi chống dịch SARS (năm 2003), Việt Nam chưa khoanh vùng cách ly cộng đồng, chỉ cách ly bệnh viện Việt Pháp. Bây giờ chúng ta đã thực hiện cách ly tập trung và cách ly cộng đồng. Biện pháp này đang phát huy tác dụng. Cách ly tại nhà chỉ áp dụng cho nhóm có nguy cơ thấp. Cách ly cộng đồng như ở Sơn Lôi hay Trúc Bạch cần thiết trước hết vì sức khoẻ những người trong khu vực này. Đây cũng là trách nhiệm của họ với cộng đồng. Người dân nên khai báo trung thực và không nên trốn tránh cách ly, hãy coi đó là quãng thời gian để sống chậm. Cũng không thể trốn được khi cộng đồng đã nâng cao cảnh giác trước dịch bệnh. Chưa kể bị phát giác còn ảnh hưởng đến danh dự cá nhân, làm liên luỵ gia đình, bị xã hội lên án và có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu làm lây lan dịch bệnh.
“Dịch bệnh có 3 mắt xích là nguồn truyền nhiễm, yếu tố trung gian truyền nhiễm và khối cảm thụ (những người chưa bị lây nhiễm). Chúng ta phải áp dụng các biện pháp đồng thời với cả ba mắt xích, nhưng với Covid-19, cần ưu tiên tấn công mạnh mẽ vào nguồn truyền nhiễm. Nghĩa là việc phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly cực kỳ quan trọng. Tôi cho rằng đây là một trong những điều mấu chốt trong phương pháp ứng phó dịch bệnh của Việt Nam” - theo ông Tấn đồng thời cho rằng, mỗi người dân đều có quyền được bảo vệ sức khỏe. Khi có dấu hiệu sốt cao, đau đầu…, người dân cần hợp tác khai báo với cơ quan chức năng để thực hiện cách ly; đồng thời ủng hộ và thực hiện nghiêm nhiệm vụ cách ly để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội. Việc thực hiện cách ly, tạm thời ngưng các hoạt động, sinh hoạt thường ngày nhằm kiểm soát sức khỏe bản thân theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Việt Nam đã chuẩn bị kịch bản với cấp độ, gồm: một là có bệnh xâm nhập; hai là dịch bệnh lây nhiễm thứ phát trong nước; ba là dịch bệnh lây lan trên 20 người; bốn là dịch lây lan từ 1.000 đến 3.000 người; năm là dịch lan rộng từ 3.000 đến 30.000 người mắc.
Chúng ta đang ở cấp độ ba, dịch lây lan trên 20 người. Các kịch bản với cấp độ khác nhau, số người mắc cao hơn thì biện pháp ứng phó sẽ mạnh mẽ hơn. Chính phủ, ban chỉ đạo quốc gia, quân đội đều đã xây dựng, diễn tập, chuẩn bị tất cả cho các tình huống này, với tinh thần luôn chủ động, không chủ quan.
Tại hầu hết các cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh: “Hiểu rõ việc cách ly để nêu cao trách nhiệm với bản thân và xã hội. Vượt qua những bất tiện, những khó khăn trong thời gian cách ly chính là sự đóng góp quan trọng, là nghĩa cử cao đẹp của người cần được cách ly trong công tác chống dịch. Cộng đồng ủng hộ người được cách ly chính là tham gia chống dịch tốt.”
Thực tế đến nay, khi chưa có vaccin đặc trị virus SARS-CoV-2, việc nhận thức đúng, đầy đủ về dịch bệnh, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng được xem là một trong những liều Thu*c chống dịch hiệu quả.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - cần cách ly y tế 14 ngày. Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng cách ly y tế 14 ngày. Với bệnh truyền nhiễm, nguyên tắc số một phải cách ly thật tốt, đặc biệt trong khu vực bệnh viện. Khi tiếp nhận người bệnh tại bệnh viện, dù nghi ngờ hay dương tính ở mức độ nhẹ - nặng, các thầy Thu*c phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc cách ly của Bộ Y tế.