Chiếc OnePlus 8 và 8 Pro đã ra mắt vào tối qua và đúng như các hình ảnh rò rỉ trước đây, bộ đôi flagship mới ra mắt này mang theo một thay đổi đáng kể về thiết kế: cụm camera thò thụt (hay camera pop-up) đã biến mất.
Camera thò thụt từng là một điểm nhấn trên bộ đôi OnePlus 7 Pro và 7T Pro khi chúng giúp mang lại trải nghiệm toàn màn hình vết khuyết. Thế nhưng trên OnePlus 8 và 8 Pro, thiết kế này đã bị loại bỏ và thay bằng camera selfie dạng đục lỗ. Đây không chỉ là một thay đổi về thiết kế của OnePlus mà nó còn là dấu hiệu cho thấy sự kết thúc của camera thò thụt, một trong những giải pháp từng được kỳ vọng sẽ mang lại một màn hình trọn vẹn cho smartphone.
Bắt đầu xuất hiện từ chiếc Vivo Nex và sau đó là Oppo Find X, giải pháp thiết kế camera thò thụt nhanh chóng xuất hiện trên hàng loạt thiết bị khác nhau, bao gồm cả Motorola, Redmi, Realme và Honor.
Sự phổ biến của nó cũng rất dễ hiểu, camera thò thụt trở thành giải pháp khả thi nhất cho việc trang bị camera selfie trên màn hình tràn viền mà không tạo ra các tai thỏ, thiết kế đã trở nên quá phổ biến sau khi iPhone X ra mắt.
OnePlus gần như là một trong những thương hiệu smartphone lớn cuối cùng chấp nhận giải pháp camera thò thụt này với OnePlus 7 Pro và 7T Pro. Thật đáng buồn, vào lúc OnePlus nhận ra rằng mình nên sử dụng nó thì cũng là lúc các đối thủ khác bắt đầu bỏ rơi thiết kế "thò thụt" này.
Oppo Find X2 Pro, thiết bị kế nhiệm Find X, đã loại bỏ hoàn toàn camera thò thụt và chuyển sang thiết kế camera đục lỗ. Vivo, hãng đầu tiên chấp nhận camera thò thụt và tiếp tục duy trì thiết kế này trên Vivo V15 và V17 Pro, cuối cùng cũng muốn từ bỏ nó khi họ trình diễn concept điện thoại với camera selfie trong màn hình đầu năm nay.
Trong khi đó, Redmi K30 Pro và K30 Pro Zoom đang trở thành hai trong các thiết bị ra mắt gần đây còn duy trì thiết kế camera thò thụt. Tuy nhiên, khi hầu hết các thương hiệu smartphone lớn đã không còn sử dụng thiết kế này, đây có thể là 2 thiết bị cuối cùng vẫn còn chấp nhận thiết kế camera thò thụt này.
Tại sao đang từ chỗ xuất hiện phổ biến, các camera thò thụt lại đột ngột biến mất nhanh như vậy? Đầu tiên có lẽ chúng ta cùng xem ưu điểm của nó là gì để có thể xuất hiện phổ biến như từng thấy trước đây.
Có một số lý do khiến camera thò thụt nhanh chóng trở nên phổ biến, bất chấp những ý kiến hoài nghi ban đầu về thiết kế này.
Nó tạo ra sự thú vị cho người dùng khi mang đến điều gì đó không ngờ tới và tạo ra một điều gì đó hoàn toàn khác biệt cho các smartphone trước đây. Với hình dạng và kích thước vừa phải để đảm bảo độ bền của module này, camera thò thụt mang đến một giải pháp giúp các nhà sản xuất có thể bổ sung thêm ống kính lớn hơn cho camera selfie mà không phải cắt mất một phần diện tích màn hình.
Nó cũng khá bền bỉ. Module thò thụt vẫn hoạt động ổn dưới các điều kiện kiểm tra ngặt nghèo về độ bền. Hơn nữa, cơ chế hoạt động của nó dường như không gây ra vấn đề nào với smartphone sử dụng nó. Ngay cả khi là một bộ phận chuyển động cơ khí, chúng ta vẫn chưa thấy báo cáo nào về việc thu hồi sản phẩm lỗi do liên quan đến bộ phận chuyển động này.
Một nguyên nhân lớn khác cho sự tồn tại của camera thò thụt là nó mang lại trải nghiệm toàn màn hình thực sự cho smartphone. Bằng cách giấu camera selfie phía sau màn hình, nó đưa tỷ lệ màn hình trên khung máy lên mức cao nhất có thể. Không tai thỏ, không giọt nước, không còn viền dày, không đục lỗ, chỉ còn một màn hình nguyên vẹn phía trước thiết bị.
Camera thò thụt còn một lợi ích không ngờ đến khác cho những người quan tâm đến quyền riêng tư. Những ứng dụng muốn bí mật kích hoạt camera selfie để theo dõi bạn sẽ không thể dễ dàng hoạt động như trước nữa. Bạn sẽ nhận ra ngay điều bất thường khi camera tự động trồi lên trong khi bạn không có nhu cầu chụp ảnh selfie.
Bất chấp những ưu điểm kể trên, thiết kế độc đáo của cụm camera thò thụt vẫn có một điểm yếu chí tử: nó là các bộ phận cơ khí chuyển động. Chỉ một điểm yếu đó đã khiến nó không thể trở nên hoàn thiện. Đó cũng là lý do các hãng smartphone bắt đầu chuyển sang một giải pháp thay thế khác, camera selfie đục lỗ trên màn hình. Module camera selfie này nhỏ hơn, được tích hợp tốt hơn, và quan trọng nhất, nó không có bộ phận chuyển động.
Vẫn phải đánh đổi bằng một phần màn hình, nhưng camera selfie đục lỗ rõ ràng vẫn tốt hơn tai thỏ. Tất nhiên nó không phải một giải pháp hoàn hảo. Ngay cả khi nó đỡ chướng mắt hơn nhiều so với tai thỏ, bạn vẫn phải chấp nhận một thực tế rằng, có một lỗ trống trên màn hình, nơi bạn không thể xem được nội dung nào ở đó.
Dường như đoán được cái kết của camera thò thụt, Samsung luôn lựa chọn màn hình đục lỗ cho thiết bị của mình.
Thậm chí chính ông Lu Weibing, chủ tịch của Xiaomi, cũng phải thừa nhận rằng thiết kế camera thò thụt này sẽ không còn phù hợp trong thời đại 5G khi số lượng linh kiện trong smartphone sẽ nhiều hơn đáng kể so với trước đây, làm không gian cho những bộ phận chuyển động cơ học như camera thò thụt không còn nữa.
Không chỉ vậy, smartphone 5G cũng cần không gian tản nhiệt và dung lượng pin lớn hơn. Điều này sẽ càng làm vấn đề đối với camera thò thụt trở nên trầm trọng hơn khi thiết kế này tốn quá nhiều không gian trong smartphone.
Rõ ràng ngay cả khi camera thò thụt đang đủ tốt trong hiện tại, tương lai của nó không còn được đảm bảo nữa. Với một nơi cạnh tranh khốc liệt như ngành công nghệ hiện nay, đủ tốt là không đủ, đặc biệt là khi nó không đảm bảo khả năng bắt kịp các công nghệ mới trong tương lai.
Có thể camera thò thụt vẫn sẽ tồn tại đâu đó trên một số dòng điện thoại giá rẻ, nơi những tính năng cao cấp nhất sẽ không xuất hiện. Nhưng đối với các dòng flagship mới, cánh cửa đã khép lại với camera thò thụt, sự xuất hiện của bộ đôi OnePlus 8 và 8 Pro vừa qua đã chứng minh điều đó.