Bạn nên biết hôm nay

Chăm sóc da mặt trong mùa nóng

Da mặt tiếp xúc nhiều với môi trường nên khó chăm sóc và nhạy cảm, nhất là khi trời nắng nóng phải đeo khẩu trang thường xuyên, trang điểm...

Bác sĩ Trần Hạnh Vy, Khoa Da liễu Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP HCM, cho biết bốn loại da cơ bản bao gồm da thường, da khô, da dầu, da hỗn hợp.

Trong đó, da thường có sự cân bằng tốt, không quá dầu, không quá khô. Da khô sản sinh ít dầu hơn da thường, do thiếu lipids để có thể duy trì độ ẩm và xây dựng tấm chắn bản vệ da khỏi ảnh hưởng từ bên ngoài. Da dầu thường sinh ra quá nhiều dầu do sự bài tiết bã nhờn dư thừa. Da hỗn hợp là sự kết hợp của các loại da khác nhau.

Không giống với loại da, tình trạng da có thể rất khác nhau trong suốt cuộc đời của bạn tùy thuộc vào các yếu tố bên trong, bên ngoài cơ thể bao gồm nội tiết tố, stress, ô nhiễm, thời tiết, loại sản phẩm chăm sóc da đã sử dụng... Tùy loại da và tình trạng da, có cách chăm sóc phù hợp. 

Cách chăm sóc các loại da

Đối với da thường, bạn nên duy trì thói quen hiện tại, không nên thay đổi đột ngột. Giữ da sạch sẽ và bổ sung độ ẩm ở mức cân bằng. Giữ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học. Bảo vệ da hàng ngày để ngăn ngừa lão hóa sớm, ngăn ngừa tối màu da. 

Da khô nên hạn chế sử dụng sữa rửa mặt quá nhiều lần trong ngày, nên dùng 1-2 lần mỗi ngày bằng các sản phẩm rửa mặt dịu nhẹ. Dùng thêm nước hoa hồng có tính dưỡng ẩm để giúp da mềm mại, mịn màng. Bổ sung kem dưỡng ẩm và massage da thường xuyên để thúc đẩy tuần hoàn máu giúp tăng sinh lớp màng ẩm tự nhiên cho da, ngăn ngừa và cải thiện lão hóa da. Tránh để da tiếp xúc với môi trường có không khí lạnh vì sẽ khiến cho da càng khô thêm. Bữa ăn nên bổ sung thêm dầu thực vật, cá tươi và uống đủ nước trong ngày.

Đối với da nhờn, bước làm sạch da rất quan trọng. Bạn nên làm sạch da bằng sữa rửa mặt dành cho da nhờn hai lần một ngày, kết hợp nước hoa hồng để cân bằng da và làm sạch sâu lỗ chân lông. Chỉ nên dùng dưỡng ẩm dạng lỏng để làm cấp ẩm. 

Da hỗn hợp là sự kết hợp giữa da dầu và da khô, chính vì vậy sự chăm sóc cũng cần có sự khác biệt. Với những vùng da khô, thường ở má và xung quanh mắt, bạn nên dùng các loại kem giàu tính chất dưỡng ẩm như kem dưỡng da. Với những vùng da dầu, thường ở trán và mũi, phải được thường xuyên làm sạch và dùng nước hoa hồng, cung cấp ẩm cho da bằng các sản phẩm ít ẩm như tinh chất dưỡng da. 

Làn da mụn cần có cách chăm sóc riêng để hạn chế tình trạng sinh nhân mụn, mụn viêm, mụn bọc. Nên rửa mặt 2-3 lần một ngày, dùng sản phẩm dưỡng ẩm nhằm hạn chế tình trạng tăng tiết bã nhờn làm bít tắc lỗ chân lông. Các sản phẩm dùng cho da mụn nên là các loại không dầu, ít sinh nhân mụn... Sử dụng đều đặn các sản phẩm trị mụn, giảm tạo mụn chứa các thành phần niacinamide, retinoid, AHA, BHA, BPO... để hạn chế tái phát.

Da thường xuyên trang điểm, các hạt trang điểm sẽ rơi vào lỗ chân lông, gây bít tắc, dẫn đến tình trạng mụn, lão hóa da. Ngoài làm sạch da, bạn cần các loại tẩy trang phù hợp tình trạng da mặt và cách trang điểm mỗi ngày. Nếu trang điểm dịu nhẹ, bạn có thể dùng các sản phẩm tẩy trang bằng nước, kem... Đối với người trang điểm đậm, nên dùng các loại tẩy trang bằng dầu. Sau bước làm sạch là đến các bước cơ bản, phù hợp với từng loại da đã nêu ở trên.

Nên sử dụng kem chống nắng và che chắn cẩn thận trước khi ra đường. Lưu ý chọn kem chống nắng có chỉ số SPF phù hợp. Nếu sử dụng kem chống nắng hàng ngày, nên chọn sản phẩm có độ SPF từ 30 trở lên. Đi tắm biển nên chọn loại kem có chỉ số chống nắng từ 50 trở lên. Không nên chọn kem có hàm lượng chống nắng quá cao, chỉ số lên tới 100 có nguy cơ gây viêm da kích ứng, dị ứng da và giảm đi hiệu quả ổn định của sản phẩm. Thời điểm bôi kem tốt nhất là trước khi đi ra ngoài khoảng 15-20 phút và bôi lại sau hai giờ sử dụng.

Ngoài ra, trong thời gian dịch bệnh, bạn phải đeo khẩu trang nhiều và thường xuyên, nhất là những loại khẩu trang không được tiệt khuẩn, khẩu trang có các thành phần vải, giấy... dễ sinh nhân mụn. Khẩu trang còn làm làm cho tình trạng tiết dầu, mồ hôi nhiều hơn, dễ gây bít tắc lỗ chân lông. 

Do đó, trước khi đeo khẩu trang, nên sử dụng các loại dưỡng ẩm và kem chống dịu nhẹ, dành cho da mụn, không sinh nhân mụn, không dầu. Thường xuyên dùng xịt khoáng cho dịu da và giảm bớt mồ hôi, bã nhờn trên mặt. Ban đêm, làm sạch mặt bằng sữa rửa mặt phù hợp. Sử dụng các sản phẩm có AHA, BHA, retinol... nhằm làm sạch lỗ chân lông, giảm tình trạng tạo mụn, sinh mụn cho da...

Thói quen sinh hoạt ăn uống lành mạnh, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây, chất xơ kết hợp vận động và hạn chế các chất kích thích cũng giúp làn da khỏe mạnh. Ngoài ra, giấc ngủ dài sẽ góp phần rất tích cực trong việc cải thiện làn da. 

Thùy An

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/cham-soc-da-mat-trong-mua-nong-4096158.html)

Tin cùng nội dung

  • Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em. Khi bị tiêu chảy trẻ sẽ bị mất nước, mệt mỏi, sút cân và nếu kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và bội nhiễm.
  • Chào Mangyte, Em nghe nói BV Đại học Y dược có phòng khám Tâm lý và Chăm sóc giảm nhẹ không biết có đúng không? Em muốn hỏi, bệnh nhân có triệu chứng rối loạn hành vi như tự làm đau bản thân có thể đến khám tại phòng khám Tâm lý không? Em có thể hẹn trước lịch khám không? Em cám ơn rất nhiều. (Nguyễn Thị Thanh Hoa - Quận 6, TPHCM)
  • Chào Mangyte. Tôi là người Đức gốc Việt. Nay tôi 67 tuổi muốn về Việt Nam sống vào thời gian cuối cùng của cuộc đời. Tôi muốn hỏi, nếu tôi mang quốc tịch Đức, thì tôi có được vào sống trong nhà dưỡng lão ORIHOME không? Tôi phải trả một tháng bao nhiêu? Mong nhận được sự giúp đỡ của Mangyte. (Phạm Văn Thi)
  • Chào Mangyte.vn, Xin tư vấn giúp tôi, TPHCM có dịch vụ chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối không? Phải liên hệ ở đâu? Mong nhận được sự giúp đỡ của quý báo. Chân thành cảm ơn. (Lê Thị Phượng - Tô Ký, Quận 12, TPHCM)
  • Người nhà tôi không may mới bị T*i n*n giao thông, phải nằm viện khoảng 2 tuần. Vợ chồng tôi thì bận đi làm, công việc cuối năm rất nhiều. Suy đi tính lại, tôi thấy phải thuê người chăm sóc mẹ là giải pháp tốt nhất lúc này (mặc dù biết là tự tay mình chăm sóc vẫn tốt hơn). Nhờ các bác sĩ chỉ giúp nơi nào có dịch vụ chăm sóc người bệnh? Tôi muốn tìm một người cẩn thận và nhiệt tình. Mong câu trả lời từ mangyte.vn! (Nhật Tân - nguyennhat…@yahoo.com)
  • Các liệu pháp dinh dưỡng giúp bệnh nhân ung thư cải thiện, duy trì chất lượng cuộc sống và tăng khả năng hồi phục bệnh.
  • Việc ăn uống bằng miệng luôn là tốt nhất nếu có thể. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể không có đủ dinh dưỡng qua đường miệng vì các vấn đề liên quan đến bệnh ung thư hoặc việc điều trị ung thư. Một số loại Thu*c giúp tăng cảm giác thèm ăn có thể được sử dụng.
  • Theo ghi nhận của Hiệp hội về Lão hóa, khoảng hai phần ba những người chăm sóc bệnh nhân vẫn phải làm việc bên ngoài. Hãy cân bằng giữa công việc và việc chăm sóc bệnh nhân.
  • Nếu người thân của bạn vẫn còn trong giai đoạn đầu của bệnh sa sút trí tuệ, có thể họ chưa cần nhiều sự chăm sóc. Điều tốt nhất bạn có thể làm ở giai đoạn này là tìm hiểu về bệnh sa sút trí tuệ.
  • Răng của trẻ bắt đầu phát triển dưới nướu trước cả khi chúng ta có thể nhìn thấy. Khoảng 6 tháng sau khi trẻ sinh ra, bạn có thể nhìn thấy chiếc răng đầu tiên. Đó chỉ mới là bước khởi đầu cho những nụ cười sẽ đi theo suốt cả đời người.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY