Tuyên bố nằm trong dự thảo ứng phó dịch giai đoạn mới do Ủy viên Y tế Stella Kyriakides chuẩn bị, sẽ được thông qua vào ngày 28/4.
Sự thay đổi diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm và T* vong vì Covid-19 giảm, biến chủng chiếm ưu thế là Omicron không gây triệu chứng nặng. Các nước trong Liên minh châu Âu (EU) hoàn thành tiêm chủng cho hơn 70% dân số, 50% đã được tiêm một liều tăng cường.
"Thông báo này định hướng cách tiếp cận và xử lý đại dịch trong những tháng tới, chuyển từ chế độ khẩn cấp sang phòng ngừa bền vững hơn", dự thảo tài liệu của EC nêu rõ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là cơ quan chịu trách nhiệm tuyên bố đại dịch kết thúc. Đây là động thái có ý nghĩa pháp lý lớn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả bảo hiểm và sản xuất vaccine. Hiện WHO cho biết đại dịch vẫn chưa kết thúc.
Trong khi đó, tài liệu của EC không có tính ràng buộc và đi kèm với những cảnh báo rõ ràng, rằng "Covid-19 sẽ lưu lại trên thế giới". Cơ quan này đề cập đến khả năng xuất hiện biến chủng mới, cho rằng "các nước vẫn cần cẩn trọng và chuẩn bị sẵn sàng".
Ủy ban châu Âu cũng cảnh báo các nước có thể đón đợt bùng phát mới, khuyến nghị chính phủ thận trọng, trở lại tình trạng khẩn cấp nếu cần thiết. Tuy nhiên, EC cũng thừa nhận thế giới đang ở giai đoạn mới, cần có cách tiếp cận phù hợp hơn để kiểm soát đại dịch.
Nhiều nước đã bỏ quy định xét nghiệm đại trà đối với những người có triệu chứng và các ca tiếp xúc gần. Chính sách này trái ngược hoàn toàn với Trung Quốc, nơi các thành phố lớn phải đóng cửa hàng loạt và xét nghiệm thường xuyên, trên quy mô lớn.
Ủy ban chấp nhận sự thay đổi này, song lưu ý hạn chế xét nghiệm có thể khiến việc điều tra dữ liệu dịch tễ trở nên khó khăn hơn. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng từng cảnh báo về điều này. Ông kêu gọi các nước duy trì giám sát các ca nhiễm nCoV, cho rằng thế giới còn nhiều điều chưa biết về cách thức virus lây lan do tỷ lệ xét nghiệm thấp.
Người dân đi tại lại Đấu trường La Mã ở Rome, Italy sau khi giới chức nới hạn chế về khẩu trang, ngày 11/2. Ảnh: Reuters
Để giải quyết tình trạng này, ec khuyến khích đổi mới cách thức phát hiện ổ dịch. tài liệu dự thảo nêu rõ: "nên áp dụng xét nghiệm chẩn đoán theo mục tiêu, đồng thời thiết lập các chiến lược xét nghiệm mới để đảm bảo có đủ thông tin hữu ích về xu hướng dịch tễ học".
Với mục tiêu này, các nước cần xác định nhóm ưu tiên xét nghiệm, gồm người sống gần cụm dịch, người có nguy cơ chuyển nặng sau mắc Covid-19 và nhân viên y tế, những người thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng dễ tổn thương.
Các nước cần điều chỉnh cả chiến lược giám sát virus, tăng cường tập trung giải trình tự gene virus để phát hiện biến chủng mới. "Mục tiêu của việc giám sát không còn dựa trên các ca nhiễm, mà dựa vào mức độ lây truyền trong cộng đồng, về tác động của các nhiễm nặng và hiệu quả của vaccine", dự thảo của EC nêu rõ.
Ủy ban châu Âu gợi ý thiết lập hệ thống giám sát tương tự với bệnh cúm mùa, trong đó các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế thu thập và chia sẻ dữ liệu liên quan. Dự thảo cho biết vaccine vẫn thiết yếu trong cuộc chiến chống Covid-19. Cơ quan khuyến nghị các nước xem xét chiến lược để tăng cường tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên trước khi bắt đầu năm học mới.