Đây là hội nghị thứ 3 liên tiếp diễn ra trên lãnh thổ châu Âu và là cơ hội để châu Âu thể hiện vai trò đầu tàu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, ngày 11/12, tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã công bố “Thỏa thuận Xanh châu Âu”.
Với mục tiêu đầy tham vọng, đưa châu Âu trở thành lục địa đầu tiên không khí thải (chỉ tiêu khí thải bằng 0) vào năm 2050, Thỏa thuận Xanh đòi hỏi các quốc gia châu Âu phải thực hiện những thay đổi mạnh mẽ trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng. nông nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại và cả ngoại giao.
Chương trình sinh thái này bao gồm các biện pháp chủ chốt sau: Đến năm 2030, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại châu Âu sẽ giảm ít nhất là 50% so với mức của năm 1990, cao hơn 10% so với yêu cầu hiện tại là 40%; các thỏa thuận thương mại chỉ được thực hiện với những nước đạt được chỉ tiêu khí thải của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Các điều luật về sử dụng năng lượng hiệu quả và sử dụng năng lượng tái sinh sẽ được siết chặt để nhanh chóng đáp ứng những mục tiêu khí hậu.
Các doanh nghiệp ngoài Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu các mặt hàng tiêu tốn năng lượng có thể sẽ đối mặt với loại thuế có tên gọi "cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới"; Sử dụng ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) để đến năm 2030 phát triển ngành công nghiệp thép không khí thải; Các nhà sản xuất ô tô phải nỗ lực nhiều hơn để cắt giảm khí thải trong khi EU sẽ để nghị tăng tài trợ cho việc xây dựng các điểm sạc điện cho các phương tiện đi lại; các công ty hàng hải điều hành các chuyến tàu biển container và du lịch có thể phải mua giấy phép chống ô nhiễm.
Thực hiện chiến lược mới để bảo vệ thiên nhiên châu Âu thông qua các kế hoạch trồng cây, khôi phục rừng, cải thiện chất lượng không khí và nước, đánh giá lại tình hình để siết chặt hơn các điều luật chống ô nhiễm; Thực hiện chính sách nông nghiệp chung có kinh phí 59 tỷ euro một năm với các mục tiêu cắt giảm Thu*c trừ sâu, phân bón hóa chất và tăng diện tích đất dành cho nông nghiệp hữu cơ; Thực hiện kế hoạch huy động 100 tỷ euro từ các nguồn lực công và tư nhân cho "quỹ chuyển tiếp" để hỗ trợ các nước thành viên EU thực hiện những biện pháp loại dần nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang nền kinh tế ít khí thải carbon; Sử dụng tối thiểu 40% ngân sách trong chính sách nông nghiệp chung và 30% ngân sách trợ cấp ngư nghiệp cho việc giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong bối cảnh, tình trạng khí hậu trên thế giới đã đến giai đoạn khẩn cấp, việc bà Ursula công bố Thỏa thuận Xanh châu Âu nhận được sự hưởng ứng của nhiều nhà bảo vệ môi trường. Theo họ, Thỏa thuận Xanh châu Âu là một kế hoạch toàn diện, xác định rõ ràng các lĩnh vực cần hành động từ đa dạng sinh học đến khôi phục thiên nhiên. Bên cạnh đó, những nhà bảo vệ môi trường cũng đề xuất thêm mục tiêu tham vọng hơn, trong đó có việc đến năm 2030, giảm 65% lượng khí thải.
Tuy nhiên, EC đang đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong việc thuyết phục được toàn bộ các nước thành viên EU ủng hộ kế hoạch này. Một số nước như Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc không muốn ký vào cam kết chỉ tiêu giảm khí thải đến năm 2030 và 2050. Tại một số nước, có những nhóm vận động hành lang cho ngành nông và ngư nghiệp đang lo ngại về những cải cách đối với cơ chế trợ cấp. Các ngành công nghiệp như sản xuất ô tô và hóa chất cũng cảm thấy bất an trước nguy cơ có thể đối mặt với những quy định nghiêm ngặt mới về môi trường.
Sự chia rẽ đã thể hiện trong ngày 11/12 khi các quốc gia gồm Anh, Pháp, CH Séc, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Romania, Bulgaria và Slovenia bác bỏ thỏa thuận Tài chính Xanh (Taxonomy) về việc ban hành các quy định quản lý để các sản phẩm tài chính được dán nhãn "xanh" và "bền vững". Các nước này lo ngại Taxonomy sẽ khiến các dự án đầu tư trong lĩnh vực hạt nhân và than đá không được gắn mác "xanh", dẫn tới nguy cơ giảm nguồn vốn đầu tư trong khi Pháp hiện vẫn phụ thuộc vào năng lượng nguyên tử, còn các quốc gia châu Âu cũng dựa nhiều vào than đá.
Việc Taxonomy, được coi là một trụ cột chính của nỗ lực xây dựng châu Âu xanh vì thỏa thuận này được kỳ vọng giúp tăng nguồn vốn cho các dự án năng lượng tái tạo và các dự án xanh khác, bị cản trở đã thành một rào cản rất lớn đối với Thỏa thuận Xanh do EC đề xuất.
Trong bối cảnh, Trái Đất đang tiến gần hơn đến giới hạn đỏ về môi trường, Thỏa thuận Xanh châu Âu rõ ràng là một nỗ lực đáng khích lệ để cứu ngôi nhà chung. Với các mục tiêu và biện pháp thúc đẩy các giải pháp kinh tế thân thiện với môi trường, Thỏa thuận Xanh châu Âu được đánh giá không chỉ là cần thiết mà còn là động lực, sự khởi đầu cho những cơ hội kinh tế mới.
Có quá nhiều việc phải làm, từ việc thuyết phục các nước thành viên đồng thuận, đến huy động tài trợ, dự thảo và triển khai các điều luật. Rõ ràng, con đường thực hiện được Thỏa thuận Xanh là một lộ trình dài và lắm gian nan nhưng không có nghĩa là không thực hiện được. Mỗi một sáng kiến môi trường tích cực được đề xuất tức là xuất hiện thêm một cơ hội cứu Hành tinh Xanh. Thỏa thuận Xanh châu Âu, nếu được thực hiện, không chỉ đem lại lợi ích cho châu Âu mà sẽ là một kế hoạch đem lại hiệu quả tích cực cho toàn thế giới.