Nam làm việc trong lĩnh vực truyền thông chuyên về thời trang. Chiều cao khiêm tốn khiến chàng trai tự ti trong giao tiếp, công việc gặp nhiều khó khăn. Tháng 10/2020, khi nghỉ do Covid-19, Nam có nhiều thời gian rảnh nên quyết định thay đổi tầm vóc bằng cách kéo dài chân. Anh đến Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nơi đã thực hiện nhiều ca kéo chi thành công.
Sau khi được tiến sĩ Nguyễn Văn Lượng tư vấn, Nam quyết định chọn kéo dài cẳng chân bằng phương pháp khung cố định ngoài kết hợp đinh nội tủy. Kỹ thuật này được bác sĩ Lượng triển khai tại bệnh viện 108 từ năm 2011. Theo đó, bệnh nhân được đóng đinh nội tủy ở cẳng chân để giữ chân thẳng trục, đồng thời cẳng chân sẽ được cố định bằng khung cố định ngoài. Xương cẳng chân được cắt rời với đường mổ nhỏ chỉ 2 cm.
Nằm viện khoảng một tháng, Nam về nhà, mỗi ngày tự vặn nới khung cố định ngoài theo hướng dẫn của bác sĩ và xương sẽ sinh thêm ở khe giữa hai đầu xương bị cắt rời. Trung bình một tháng mỗi xương được kéo dài thêm 3 cm.
"Mỗi ngày tôi tự vặn khung cố định là thấy chiều dài của chân thay đổi theo ngày, thực sự rất bất ngờ", Nam nói.
Anh chia sẻ vốn là người chịu đựng được đau đớn, nhưng trong thời gian đeo khung, anh phải sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên bởi "đau quá nhiều đêm không ngủ được". Anh cũng phải uống thêm một số loại thuốc theo đơn của bác sĩ.
Ngoài ra, anh cho biết thời gian đầu phải đeo khung cố định "như thể đi tù", mọi sinh hoạt đều phải nhờ gia đình giúp đỡ. Sự bất tiện này kéo dài khoảng ba tháng cho đến khi bác sĩ tháo khung ra.
Tháng 4/2021, Nam bắt đầu đi lại được với "đôi chân mới" dài thêm gần 10 cm. Những bước đi ban đầu hơi gượng gạo, song anh nhanh chóng quen với chiều cao 1,7 m của mình. Hai tháng sau khi vận động bình thường, chàng trai đã có thể tập gym, đi xe phân khối lớn...
Tổng chi phí cho quá trình kéo dài chân của Nam là 350 triệu đồng. Trong khi đó chi phí cho một ca phẫu thuật kéo dài chân ở Mỹ khoảng 85.000 USD (tương đương 2 tỷ đồng), ở Anh (khoảng 1,5 tỷ đồng).
"Hiện, tôi thoải mái với chiều cao hiện tại. Nó cũng thay đổi cả phong thủy, giúp công việc của tôi thuận lợi hơn", Nam nói.
Bác sĩ kiểm tra cho bệnh nhân Nam khi anh tái khám. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Tiến sĩ Lượng cho biết Nam là một trong số nhiều bạn trẻ đến viện với mong muốn kéo chân để có tầm vóc cao lớn hơn. Hôm 2/8, đơn vị này cũng công bố ca chỉnh sửa chân với độ dài cần kéo là 18 cm, dài nhất từ trước đến nay, cho một chàng trai 23 tuổi mắc dị tật bẩm sinh. Sau gần một năm chỉnh sửa, tái khám lần gần nhất vào tháng trước, hai chân của bệnh nhân vốn chênh lệch nay đã bằng nhau, đi lại bình thường, không cần đi giày chỉnh hình 18 cm.
Theo bác sĩ Lượng, trước năm 2011, nếu muốn kéo dài chân, bệnh nhân phải đeo khung kéo dài hàng năm, do đó số lượng người chọn phương pháp này rất ít, mỗi năm chỉ 2-3 trường hợp. Nay, sử dụng phương pháp mới khi chỉ phải đeo khung cố định 3 tháng, số lượng bệnh nhân tăng, trung bình khoảng 30-40 ca/năm, nam nhiều hơn nữ, hai phần ba dưới 30 tuổi.
Phương pháp kéo dài chân có thể kéo ở cẳng chân và đùi. quy trình là sau khi hoàn thành quá trình kéo dài ở cẳng chân, nếu bệnh nhân có nhu cầu thì tiếp tục kéo dài ở đùi. "thêm 8-10 cm chiều cao là sự thay đổi rất đáng kể về ngoại hình một con người. vì vậy, rất ít người có nhu cầu kéo dài cả cẳng chân và đùi, hầu hết chỉ kéo dài ở cẳng chân", bác sĩ lượng nói.
Trong quá trình kéo chân, người bệnh cần bổ sung canxi, thuốc bổ thần kinh và kiêng các chất kích thích rượu, bia, cà phê. Trường hợp bị đau thì uống thuốc giảm đau, nếu viêm chân đinh cần điều trị bằng kháng sinh...
Theo bác sĩ, một số biến chứng có thể gặp sau quá trình phẫu thuật kéo dài chân là các phần mềm (gân cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) chưa đáp ứng kịp với tình huống mới. do đó, cần phải tập phục hồi chức năng, nhanh hay chậm tùy theo mỗi người và mức độ kéo dài.
Bên cạnh đó, một số người có thể gặp tình huống xương hồi phục quá nhanh, hoặc quá chậm. Đặc biệt, người thừa cân béo phì, hút thuốc lá... khi phẫu thuật có thể gặp tình trạng xương hồi phục quá chậm, dẫn đến kéo dài thời gian tái tạo các mô mềm, mạch máu, cơ và dây thần kinh xung quanh.
"Bệnh nhân không được hút thuốc lá, thuốc lào... vì rất ảnh hưởng đến quá trình liền xương, liền vết thương", bác sĩ nói.
Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Chủ đề liên quan:
Câu chuyện sức khỏe hà nội kéo dài chân kéo dài chân Phổ biến kiến thức tin nóng