Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Chữ quốc ngữ xuất hiện lần đầu tiên vào khi nào?

(MangYTe) - Để có được hệ thống chữ viết khá hoàn chỉnh và tiện dụng như ngày nay, chữ quốc ngữ đã trải qua nhiều thăng trầm và nhiều đợt cải tiến.

1. Chữ quốc ngữ xuất hiện lần đầu tiên vào khi nào?

  • A. 1865

  • B. 1867

    Tên gọi "chữ quốc ngữ" được dùng để chỉ chữ quốc ngữ xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1867. Tiền thân của tên gọi này là tên gọi chữ Tây quốc ngữ. Về sau từ Tây bị lược bỏ khỏi tên gọi để chỉ còn là chữ quốc ngữ, có nghĩa là văn tự tiếng Việt. Quốc ngữ nghĩa mặt chữ là ngôn ngữ quốc gia, ở Việt Nam trong thời kỳ này nếu không có từ bổ nghĩa kèm theo cho thấy từ quốc ngữ được dùng để một ngôn ngữ nào khác như từ Tây trong Tây quốc ngữ (chỉ tiếng Pháp) thì quốc ngữ mặc định là chỉ tiếng Việt.

  • C. 1869

2. Chữ quốc ngữ xuất hiện đầu tiên ở đâu tại Việt Nam?

  • A. Ninh Bình

  • B. Quảng Nam

    Chữ quốc ngữ xuất hiện đầu tiên tại Dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam.

  • C. Thừa Thiên - Huế

3. Chữ Quốc ngữ vốn được cho là do Alexandre de Rhodes (1591-1660) sáng tạo ra, nhưng thực tế, ai là người nước ngoài đầu tiên sử dụng?

  • A. Linh mục người Bồ Đào Nha Francisco de Pina

    Pina (1585 - 1625) biên soạn tài liệu Phương pháp Latin hóa tiếng Việt và cuốn Ngữ pháp tiếng Việt; dạy tiếng Việt cho một số giáo sĩ khác, trong đó có Rhodes.

  • B. Linh mục người Pháp Roland Jacques

  • C. Giáo sĩ người Pháp Léopold Michel Cadière

4. Khi người Pháp hoàn thành xâm chiếm Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 19, ai là người ký Nghị định ngày 22/2/1869 bắt buộc dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn ở Nam Kỳ?

  • A. Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier

    Chữ quốc ngữ trên chặng đường hơn 300 năm vẫn không được công nhận là văn tự chính thức cho tới khi người Pháp xâm lăng, chiếm lấy Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 19.Tháng 2/1869, Phó đô đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn ở Nam Kỳ.Nghị định 82 ký ngày 6/4/1878 do Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký cũng đề ra cái mốc hẹn trong bốn năm phải chuyển hẳn sang chữ quốc ngữ: "Kể từ mồng một tháng giêng năm 1882 tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị... sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ quốc ngữ; nhân viên nào không thể viết thơ từ bằng chữ quốc ngữ sẽ không được bổ nhậm và thăng thưởng trong ngạch phủ, huyện và tổng".Đầu năm 1879 lại có lệnh khẳng định các văn kiện chính thức phải dùng chữ quốc ngữ. Cũng năm đó, chính quyền Pháp đưa chữ quốc ngữ vào giáo dục, bắt đầu ở các thôn xã Nam Kỳ phải dạy lối chữ này.Để khuyến khích việc truyền bá chữ quốc ngữ, nhà chức trách thuộc địa Nam Kỳ còn giảm hoặc miễn thuế thân và miễn sưu dịch cho thân hào hương lý nếu họ biết viết chữ quốc ngữ.

  • B. Chuẩn đô đốc Louis Charles Georges Jules Lafont

  • C. Thống đốc Charles Le Myre de Villiers

5. Chữ quốc ngữ có bao nhiêu chữ ghép biểu thị phụ âm?

  • A. 10

  • B. 11

    Chữ quốc ngữ có 11 chữ ghép biểu thị phụ âm gồm: 10 chữ ghép đôi: ch, gh, gi, kh, ng, nh, ph, qu, th, tr và 1 chữ ghép ba: ngh.

  • C. 12

6. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở nước ta là tờ nào?

  • A. Gia Định báo

    Gia Định báo là tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, được Trương Vĩnh Ký sáng lập và cho ra mắt vào ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn. Đây là phương tiện truyền thông hoàn toàn mới mẻ khi đó, làm cho chữ quốc ngữ có cơ hội phổ biến trong dân chúng.Gia Định báo phát hành trong phạm vi vùng chiếm đóng của Pháp lúc đó là ba tỉnh miền Đông Nam Bộ. Nội dung chính tờ báo ban đầu gồm hai phần công vụ và tạp vụ.Phần công vụ chuyên về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền, đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền thực dân; còn phần tạp vụ gồm tin tức địa phương trên các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, văn hóa - xã hội.Sau khi Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, báo có thêm các phần khảo cứu, nghị luận, gồm bài dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích.

  • B. Thông loại khóa trình

  • C. Cả 2 đáp án trên

7. Trường học đầu tiên dạy chữ quốc ngữ ở Việt Nam là...?

  • A. Trường Thông ngôn tại Hà Nội

  • B. Trường Thông ngôn tại Đà Nẵng

  • C. Trường Thông ngôn tại Sài Gòn

    Trường Thông ngôn Sài Gòn (Collège des interprètes) được thành lập năm 1862, là trường học đầu tiên ở nước ta dạy chữ quốc ngữ.

8. Hội Truyền bá quốc ngữ ra đời ngày 25/5/1938. Ai là hội trưởng đầu tiên?

  • A. Đặng Thai Mai

  • B. Nguyễn Văn Tố

    Hội Truyền bá quốc ngữ ra đời ngày 25-5-1938 tại hội quán thể thao An Nam (CSA) trên phố Khúc Hạo, Hà Nội, do Nguyễn Văn Tố làm hội trưởng, Bùi Kỷ - phó hội trưởng, Phan Thanh - thư ký, Quản Xuân Nam - phó thư ký, Đặng Thai Mai - thủ quỹ, Võ Nguyên Giáp - phó thủ quỹ. Cố vấn: Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Lê Thước.Tại buổi thành lập, ngoài đông đảo quần chúng còn có Hoàng Xuân Hãn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Phan Thanh, Hằng Phương (vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan)... Mục đích của hội là “Dạy cho đồng bào Việt Nam biết đọc, biết viết tiếng của mình để dễ đọc được những điều thường thức cần dùng cho sự sinh hoạt hằng ngày. Cốt cho mọi người viết chữ quốc ngữ giống nhau”.Với chương trình là mở lớp học gồm bậc sơ đẳng dạy vỡ lòng cho học viên đọc, viết chữ quốc ngữ và làm được hai phép tính cộng, trừ. Bậc cao đẳng luyện cho học viên đọc, viết thông chữ quốc ngữ và dạy thêm ít điều thường thức và bốn phép tính.Để việc truyền bá chữ quốc ngữ nhanh chóng, hội yêu cầu những người đã được hội dạy cho biết chữ phải cố gắng dạy lại cho một số người thất học khác xung quanh mình. Hội tổ chức các cuộc diễn thuyết nhằm giảng dạy, phổ biến những điều thường thức cho đồng bào. Xuất bản sách nhằm bổ khuyết việc học ở lớp, hội chủ trương biên soạn và xuất bản loại sách thường thức phổ thông về sử ký, địa lý, vệ sinh, khoa học... phổ biến rộng rãi trong nhân dân.

  • C. Trương Vĩnh Ký

9. “Chữ Việt còn thì nước ta còn” là câu nói nổi tiếng của ai?

  • A. Nguyễn Trung Trực

  • B. Nguyễn Đình Chiểu

  • C. Nguyễn Văn Vĩnh

    Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà phiên dịch, nhà chính trị Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ông là người có công lớn trong việc hoàn thiện và phổ cập chữ quốc ngữ. Và câu nói nổi tiếng của ông gắn liền với chữ quốc ngữ là “chữ Việt còn thì nước ta còn”.

10. Có mấy loại chữ viết được dùng làm văn tự chính thức trong lịch sử dân tộc ta?

  • A. 1

  • B. 2

  • C. 3

    Lịch sử dân tộc từng có 3 loại chữ viết được dùng làm văn tự chính thức gồm chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.

Kết quả: 0/10

Kim Dung

Mạng Y Tế
Nguồn: Ngày nay (https://ngaynay.vn/news-game/chu-quoc-ngu-xuat-hien-lan-dau-tien-vao-khi-nao-168173.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY