Sinh sản , Nam hôm nay

TP.HCM: Em bé đầu tiên được sinh ra từ tinh trùng dị dạng

Người đàn ông 39 tuổi ở Bắc Ninh mang tinh trùng đầu tròn (dị dạng) không thể thụ thai tự nhiên, đã có con nhờ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm.
Cậu bé ra đời từ năm 2013, tuy nhiên đến nay, đơn vị Hỗ trợ sinh sản BV An Sinh (TP HCM) - nơi thực hiện mới chính thức công bố. Đây là trường hợp kết hợp tinh trùng dị dạng có đầu tròn với trứng trong ống nghiệm thành công đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam.

Ngày 17/9, BS Vương Đình Hoàng Dũng, Phó đơn vị Hỗ trợ sinh sản BV An Sinh (TP HCM) cho biết, bệnh nhân được điều trị là cặp vợ chồng quê ở Bắc Ninh, lấy nhau 15 năm không có con. Cả hai đến BV An Sinh vào năm 2012.

Các xét nghiệm tại bệnh viện cho thấy trứng của người vợ hoàn toàn bình thường, song tinh trùng của người chồng bị dị dạng. Thay vì đầu tinh trùng bình thường có hình oval thì của anh này lại có hình tròn do thiếu men asrosome - loại men giúp tinh trùng có khả năng thụ tinh. Sự bất thường này là nguyên nhân khiến bệnh nhân không thể có con khi giao hợp với vợ.

Việc thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện luôn trong năm 2012 theo đề nghị của gia đình bệnh nhân. Sau khi sự phối hợp giữa tinh trùng và bào tương noãn (trứng) thành công, các bác sĩ cấy phôi thai vào tử cung người vợ. Tuy nhiên, chỉ 7 tuần sau thai ch*t lưu.

Vợ chồng bệnh nhân yêu cầu được tiếp tục thử lại. Trong lần thứ hai này, để thúc đẩy quá trình tạo phôi trong ống nghiệm, các bác sĩ đã sử dụng giải pháp dùng Thu*c hoạt hóa trứng nhằm thúc đẩy quá trình kết hợp với tinh trùng dị dạng vốn yếu ớt. Kết quả như mong muốn, 11 phôi đã được hình thành trong ống nghiệm, 3 phôi sau đó được chọn cấy vào tử cung.

Siêu âm sau 3 tuần cấy phôi, kết quả ghi nhận đã có một thai phát triển. Diễn biến thai kỳ sau đó hoàn toàn bình thường. Tháng 6/2013, bé trai nặng 2,5 kg chào đời ở tuần thai thứ 36. Đến nay bé được 15 tháng, cân nặng hơn 10 kg, phát triển tốt.

Theo BS Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản, khoa Y Đại học Quốc gia TP HCM, tỷ lệ đàn ông mang tinh trùng đầu tròn không đến 1%. Người mang tinh trùng đầu tròn không thể có con bằng cách giao hợp tự nhiên do tinh trùng này không có khả năng tự kết hợp với trứng.

Cũng theo ông Tường, ngay cả việc kết hợp thành công tinh trùng đầu tròn với trứng trong ống nghiệm cũng không đơn giản. "Tại Việt Nam, thành công tại BV An Sinh là trường hợp đầu tiên báo cáo. Trên thế giới đến nay cũng chỉ ghi nhận một vài ca kết hợp thành công", BS Tường cho biết.

Mangyte.vn
Theo Thiên Chương - VNExpress.net

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-tp-hcm-em-be-dau-tien-duoc-sinh-ra-tu-tinh-trung-di-dang-2772.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY