Kinh tế xã hội hôm nay

Chuyện những người không muốn rời khu cách ly

Sau khi thực hiện xong thời gian cách ly 14 ngày phòng, chống COVID-19 tại Trung đoàn 123 Lạng Sơn, nhiều người dân ngỏ ý muốn lưu lại đơn vị với những nỗi niềm và tình cảm sâu sắc.

Hội Chữ Thập đỏ tặng quà hỗ trợ bà Lăn về quê đoàn tụ gia đình Ảnh: Duy Chiến

Trong khuôn viên dành riêng cho những người cách ly tại Trung đoàn 123 khá vắng lặng. Mưa giăng mắc làm không khí khá tĩnh mịch, trang nghiêm.

Trắc trở đường về nhà

Ngồi trước mặt tôi là bà Châu Thị Lăn (SN 1979), dân tộc Thái, trú tại bản Én Luông, xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Bà Lăn nói phổ thông chưa sõi, khi trò chuyện thi thoảng “độn” thêm tiếng bản địa. Bà Lăn kể, gia đình bà sống ở một bản heo hút vùng Tây bắc. Gia đình bà có 5 nhân khẩu, trong đó có 3 con còn nhỏ, chồng không có công ăn việc làm ổn định. Nhà chỉ có một sào ruộng khô cằn nên đói kém quanh năm. Cuối tháng 9/ 2019, bà được 6 người hàng xóm bản Én Luông rủ sang bên kia biên giới làm công việc đóng gói bánh mì ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).

“Trước khi đi phải đóng “lệ phí” 16 triệu đồng cho người dẫn mối, gia đình vét hết tài sản không đủ nổi một triệu nên phải đi vay. Họ hứa hẹn sang Trung Quốc làm việc nhàn nhã lại lương cao. Thế nhưng, khi sang làm việc, ông chủ người Tàu chỉ trả tháng lương đầu tiên là 2000 Nhân dân tệ (tương đương gần 7 triệu VNĐ), còn lại hai tháng kế tiếp họ bảo sẽ trả đủ vào tháng thứ 3.

Đến lúc chuẩn bị được tiền thì bỗng đâu có lực lượng chức năng nước sở tại ập đến, bắt giải chúng tôi lên trụ sở công an. Thế là tiền mất, tật mang. Sau khi bị nhốt hơn 3 tháng, họ trao trả tôi cùng 33 người khác về Lạng Sơn và chúng tôi được vào Trung đoàn 123 thực hiện cách ly. Đến ngày 10/4, tôi được trở về với gia đình”. Bà Lăn kể.

Nhiều thiếu nữ lưu luyến, không muốn rời xa khu cách ly Trung đoàn 123 Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến

Bà Lăn trình bày, niềm vui đoàn tụ lúc nào cũng ngự trị trong giấc ngủ của bà. Thế nhưng do trình độ dân trí hạn chế, không thông thuộc đường xá nên rất lo ngại. Thêm nữa, bây giờ cả nước đang thực hiện cách ly toàn xã hội, hạn chế các phương tiện lưu thông liên tỉnh nên phần đa người hết hạn cách ly đều rất trăn trở.

“Trong phòng của tôi có một số chị em, được đơn vị Trung đoàn 123 đưa xe ô tô ra bến xe phía Bắc thành phố Lạng Sơn để tìm xe khách về quê. Thế nhưng, phương tiện lưu thông dạo này rất hạn chế nên nhiều người chôn chân ở bến xe, không biết đi đâu, về đâu”. Bà Lăn thở dài tâm sự.

Đại úy Dương Xuân Quỳnh, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 123 cho biết, nhiều người có danh sách hết thời gian cách ly nhưng đề nghị đơn vị cho ở lại một vài ngày để tìm phương tiện. “Ví dụ như trường hợp bà Đỗ Thị Kim Giang (trú tại huyện Lai Vung, Đồng Tháp) sẽ kết thúc cách ly vào ngày 6/4, song bà xin được ở lại một ngày để sáng sớm hôm sau đi xe từ Lạng Sơn về sân bay Nội Bài để vào Nam. Nếu đi sớm hơn, bà không biết ăn, nghỉ thế nào trong lúc bệnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp”. Đại úy Quỳnh nói.

Ngoài việc gian khó khi bắt xe về quê, bà Lăn nghẹn lời, ứ nước mắt khi nhắc đến chồng con. Thế nhưng, bà muốn ở lại, đề nghị đơn vị bộ đội cho làm thêm việc gì đó để kiếm được 1 triệu trả tiền xe ô tô đến nhà. “Bà Lăn đã trình bày với Trung đoàn 123 về việc này, tập thể lãnh đạo đơn vị tiến hành hội ý, thống nhất sẽ giúp đỡ bà đủ tiền đi lại, sinh hoạt từ Lạng Sơn về đến gia đình. Chúng tôi động viên bà yên tâm, vui vẻ trở về địa phương đúng lịch hết thời gian cách ly”. Đại úy Quỳnh cho hay.

Không muốn rời xa

Từ đầu tháng 2/2020 đến nay, Trung đoàn 123 Lạng Sơn tiếp nhận khoảng 4.000 người dân tới cách ly và đã có gần chục đợt đưa tiễn công dân hết hạn, trở về nhà. Trước lúc rời xa đơn vị, nhiều người đã không giấu được cảm xúc.

Hôm trước, mọi người xúc động trước hình ảnh mẹ con chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1990), hoàn thành công việc cách ly tại Trung đoàn 123 được trở về đoàn tụ gia đình ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Trong khi chị Thủy đang trả lời phỏng vấn của báo giới, con trai 5 tuổi của chị Thủy chạy vụt về phía phòng của mẹ con chị nghỉ ngơi trong thời gian cách ly và đến bên các anh lính trẻ hàng ngày đưa cơm rồi nũng nịu không muốn rời xa.

Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, anh Lường Văn Tập (SN 2000), trú tại Bản Cang, xã Pì Tong, huyện Mường La, Sơn La cho biết, Khi cách ly được bộ đội Lạng Sơn chăm sóc chu đáo từ miếng ăn, giấc ngủ nên anh muốn được ở Trung đoàn 123 lâu hơn và nếu có thể được xin làm tình nguyện viên, mang sức mình cùng tham gia công tác phục vụ nhân dân, góp phần đấu tranh, chiến thắng dịch bệnh COVID-19.

Anh Nguyễn Hoài, cán bộ y tế tỉnh Lạng Sơn đang tham gia công tác tại khu cách ly Trung đoàn 123 cho biết, trong quá trình thăm khám tổng thể, có nhiều người dân sắp hết hạn cách ly (trong đó đa số là người trẻ tuổi) đã ngỏ ý, đề xuất xin được ở lại Lạng Sơn vì nơi đây trở nên thân thiết, an toàn.

Theo đại úy Dương Xuân Quỳnh, trước những đề nghị chân thành của nhân dân, đơn vị cảm ơn, tiếp nhận đồng thời động viên mọi người trở về với gia đình, tham gia cùng cộng đồng, xã hội phòng, chống dịch COVID-19. Ngày 10/4, Trung đoàn 123 tổ chức trao giấy chứng nhận cho 24 công dân hoàn thành cách ly được trở về với gia đình. Trong số này có bà Châu Thị Lăn.

Nhận được thông tin về gia cảnh của bà Lăn, cơ quan báo Tiền Phong tại Lạng Sơn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ địa phương vận động các nhà hảo tâm, đã trao tặng, hỗ trợ bà những nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống và số tiền trên 6,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, Trung đoàn 123 đã hỗ trợ để bà Lăn có phương tiện trở về đoàn tụ với gia đình thuận lợi, an toàn.

Theo Tiền Phong

Mạng Y Tế
Nguồn: Kenh14 (http://kenh14.vn/chuyen-nhung-nguoi-khong-muon-roi-khu-cach-ly-20200412074208267.chn#mingid_comments_content)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY