Trong căn phòng trọ 15m2, Thục An, 25 tuổi, nhân viên văn phòng Hà Nội, nhìn ra ngoài cửa sổ, nói rằng ngày Hà Nội được nới lỏng cách ly, điều đầu tiên cô muốn làm là... cắt tóc và ăn phở.
"Mình nhớ cảm giác xì xụp bát phở nóng, rồi nhấm nháp tách cà phê mỗi bữa sáng. Ở Hà Nội, dù bất cứ ngóc ngách nào, bạn đều dễ dàng bắt gặp cảnh tượng như thế. Nhưng với 3 tuần cách ly vừa rồi, thì hoàn toàn không", An nói.
21 ngày cách ly toàn xã hội khiến cuộc sống của An và hầu hết các bạn trẻ phải thay đổi theo quy luật: làm việc online tại nhà, hạn chế ra đường, rửa tay thường xuyên, nấu cơm,... "Lâu rồi không cùng bạn bè tụ họp cùng nhau, có lẽ ngày mai (23/4) là ly cà phê ngon nhất cuộc đời mình". An bật cười, thầm nghĩ tới "viễn cảnh" của những ngày nhịp sống bình thường trở lại.
Hà Nội chính thức kết thúc cách ly xã hội từ 0h ngày 23/4, trừ huyện Mê Linh và Thường Tín. Cửa hàng ăn uống được mở cửa, nhưng cần giữ khoảng cách, nên có tấm chắn giữa các khách hàng khi ngồi ăn. Phương tiện công cộng, taxi, Grab được hoạt động, với công suất 20-30%.
Người dân được đi lại bình thường nhưng chỉ nên ra ngoài khi có việc cần thiết, và duy trì thói quen đeo khẩu trang.
"Mình rất tò mò, không biết Hà Nội sẽ "trông" như thế nào kể từ khi dừng cách ly xã hội. Có lẽ sẽ là buổi sáng đáng nhớ, phố sẽ đông hơn, và người sẽ vui hơn. Ngày mai các bạn muốn làm gì nhất?", An thắc mắc.
Kiều Anh, nhân viên lễ tân, trả lời cô sẽ làm "một cuộc rong chơi" dạo quanh Sài Gòn để ngắm nhìn khung cảnh nhộn nhịp và sự đổi thay của thành phố, vào ngày đầu tiên kết thúc cách ly xã hội.
"Chưa bao giờ mình chứng kiến một Sài Gòn yên tĩnh và thời gian trôi thật chậm như thế. Lâu rồi, mình chưa bước ra ngoài", Kiều Anh cho biết.
Gia Linh, diễn viên, mong muốn gặp gỡ những người bạn thân, hỏi thăm và kể nhau nghe cách ly với họ có gì đặc biệt. Đặc biệt, Linh "thèm" ăn, nhất là món bún đậu mắm tôm. Cô có thể order về nhà, hoặc tự làm, nhưng cảm giác gọi điện cho lũ bạn và ý ới "Ê mày hả, đi ăn với tao nha", luôn là một thứ xúc cảm tuy bình dị nhưng những ngày dịch bệnh, lại trở nên quá khó khăn.
"Mình mong có sức khoẻ và được sống một cách bình yên. Mọi người xung quanh cũng như vậy. Sau mùa dịch này, chắc ai cũng hiểu, sức khoẻ là tài sản quý giá nhất", Linh nói.
Anh Phạm Văn Dụng (40 tuổi, xe ôm công nghệ) vui mừng khi biết thông tin về quyết định dừng cách ly xã hội. Anh kể, từ ngày 6/3 - thời điểm phát hiện bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Hà Nội, anh không dám về quê Thái Bình.
"Sống xa quê, tôi rất nhớ gia đình, nhưng vì trách nhiệm với người thân, xã hội và cộng đồng rất lớn. Hết cách ly rồi, việc tôi muốn làm đầu tiên, là về với gia đình mình", anh nói.
Ngày trước, giờ giải lao, anh em tài xế hay tụ 5 tụ 7 nói chuyện, tán dóc với nhau. Nhưng từ ngày thực hiện cách ly xã hội, giữ khoảng cách 2m, những hôm không có khách, anh chỉ biết ngồi một mình, tìm đủ cách giết thời gian.
Dịch bệnh khiến thu nhập của anh Dụng và nhiều tài xế khác bị giảm sút. Nếu bình thường, mỗi ngày, anh kiếm được 400.000-500.000 ngàn đồng, hoặc thậm chí hơn. Nhưng khi tránh dịch, anh chạy xe chỉ đủ mức sống trung bình, chi trả tiền trọ và sinh hoạt cá nhân. Sự dè sẻn giúp anh vượt qua được 3 tuần cách ly, theo cảm nhận của cá nhân, là hơi "khắc nghiệt".
Chị Dương Thị Sáng, sống tại tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, hy vọng dịch bệnh trôi qua từng ngày để các con được đến trường. Còn Hải Ngọc, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, đã thực sự rất nhớ trường học sau 3-4 tháng nay.
Với anh Hoàng Văn Tiễn - chủ một quán cà phê ở Sài Gòn, nói rằng thời gian cách ly xã hội là bấy nhiêu ngày anh chưa được gặp lại nhân viên của mình. Anh còn "rạo rực" cảm giác nhớ sân bóng, nhớ câu lạc bộ nơi có các anh em mỗi buổi chiều vẫn thường "lai rai" tám chuyện với nhau.
Mỹ Hậu, biên tập viên, hiện đang sinh sống tại TPHCM, nhớ bố mẹ da diết khi mà mỗi ngày, họ đều gọi điện hỏi thăm con gái "vẫn đi làm bình thường chứ?", "con đã mua đủ đồ ăn hay chưa?". Chờ thời khắc Sài Gòn chính thức hết cách ly, Hậu sẽ xách ba lô về nhà, ôm chầm lấy bố mẹ. Sau đó, cô sẽ cùng nhóm bạn thân "đi đu đưa", giải toả cảm giác "kiềm chế đam mê" đã rất lâu.
Bác Ngô Quang Hưng, 57 tuổi, Hà Nội dự định đi thăm con cháu, họ hàng xa. Chị tiểu thương ở chợ Nhân Chính thì muốn ăn "sập" các hàng quán, nhất là món thịt lợn. Cậu sinh viên Lê Văn Dũng, tại ĐH Nam Kinh, Giang Tô, Trung Quốc sẽ ra quán cà phê khi đất nước láng giềng này sạch bóng Covid-19.
Và còn rất nhiều điều chúng ta muốn làm, khi Việt Nam chính thức nới lỏng giãn cách xã hội. Có những điều các bạn mong muốn dù giản dị, nhưng khó thực hiện trong mùa dịch này. Hãy biết ơn những điều bình dị đó, bởi nếu không trải qua thời điểm khó khăn, chúng ta sẽ không bao giờ biết trân quý.
Theo Trí Thức Trẻ
Copy link
Chủ đề liên quan:
cách ly cách ly xã hội Covid 19 là đại dịch toàn cầu diễn biến dịch Covid 19 tại Việt Nam hết cách ly ICT_anti_nCoV làm gì sau khi tin nóng xã hội xã hội