Mới đây, các nhà khoa học tại trường Đại học Royal Holloway (Anh) đã tái tạo thành công giọng nói của một xác ướp Ai Cập 3000 năm tuổi bằng những công nghệ hiện đại như: máy quét y tế, in 3D và thanh quản điện tử.
Giọng nói của thầy tư tế Nesyamun sau khi được phục chế.
Theo tờ Scientific Reports, kĩ thuật này tuy chưa thể khiến xác ướp ngồi dậy và tâm sự cùng người lạ, nhưng đã giúp các nhà khoa học nghe được một phần âm thanh từ nó. Cụ thể là một âm thanh giữa 2 từ "bed" hoặc "bad". Vì hầu hết lưỡi đã bị phân hủy trong ba thiên niên kỷ nên các nhà khoa học vẫn đang cố gắng phục chế hết mức có thể. Được biết, xác ướp này thuộc về một vị tư tế thời Ai Cập cổ đại có tên Nesyamun.
Xác ướp Nesyamun
Mặc dù vẫn còn gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng các nhà khoa học tại trường Đại học Royal Holloway vẫn tin rằng họ đang đặt nền móng cho một công nghệ khoa học hoàn toàn mới, có thể giúp họ tái tạo và nghe được nhiều hơn từ những xác ướp tới từ quá khứ.
Tuy vậy, Rudolf Hagen, một chuyên gia tai mũi họng tại Bệnh viện Đại học ở Wuerzburg (Đức) đã bày tỏ sự hoài nghi với nghiên cứu này. Ông cho rằng việc mang lại tiếng nói cho người đang sống còn rất khó, ngay cả y học tiên tiến cũng phải vật lộn với điều này, chứ đừng nói là người đã ch*t.
John Schofield, một nhà khảo cổ học tại Đại học York, lại đồng quan điểm với nghiên cứu trên. Ông cho rằng nếu công nghệ tái tạo giọng nói thành công, thì đây sẽ là một bước đột phá lớn trong ngành khoa học nói chung và lịch sử nói riêng.
"Tôi nghĩ rằng việc nghe được những giọng nói từ quá khứ sẽ là một trải nghiệm khó quên, điều này khiến những di sản như Karnak, ngôi đền của Nesyamun sẽ trở nên sống động hơn rất nhiều", ông nói.
(Nguồn: NBCN)
Theo Báo dân sinh
Copy link