Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị 16 về những biện pháp cấp bách về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Rất nhiều câu hỏi liên quan mật thiết đến cuộc sống đã được người dân đặt ra.
Trả lời băn khoăn "Tôi có bị cấm ra ngoài tuyệt đối không?", PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết, trong giai đoạn đầu, Việt Nam khống chế dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập rất tốt, hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng, không để dịch bùng phát như một số nước. Hiện đã có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng, không biết ai đã nhiễm bệnh và có thể lây lan ra người khác.
Để thực hiện quyết liệt, sớm các biện pháp phòng bệnh, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 với vấn đề bao trùm là "thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày từ 1/4", không để người bị nhiễm bệnh tiếp xúc với người lành, không để người lành tiếp xúc người bệnh, tức là không để dịch bệnh lây lan từ người này sang người khác, từ nhà này sang nhà khác hay từ xã này sang xã khác…
Chỉ thị cũng nêu rõ yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, như mua lương thực, thực phẩm, Thu*c men, đi cấp cứu, mua hàng hóa thiết yếu; có thể làm việc trong nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh…
Tuy vậy, khi người dân ra ngoài cũng phải thực hiện các biện pháp phòng vệ như: Đeo khẩu trang đúng cách; giữ khoảng cách giao tiếp 2m; bố trí nơi làm việc một cách hợp lý để đảm bảo phòng dịch. "Điều này có nghĩa là chúng ta không cấm toàn bộ người dân không được ra ngoài, chúng ta đi ra ngoài một cách hợp lý, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết" - ông Phu nói.
Vậy, có được đi phương tiện cá nhân về quê, rời Hà Nội hay không? PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, về thực tế, đi xe cá nhân không liên quan dịch bệnh lây lan ra cộng đồng hay lây cho bạn, nhưng giả sử bạn đã nhiễm bệnh, mắc bệnh (mà không biết), bạn có thể về quê và lây cho người nhà, gia đình, cộng đồng. Hoặc ngược lại, bạn không hề mắc bệnh nhưng khi về quê, dịch đang xảy ra ở đó và lây cho bạn, đến khi bạn quay trở lại Hà Nội sẽ lây cho cộng đồng.
"Theo Chỉ thị 16, tốt nhất, bạn không nên về quê, chỉ về khi thực sự rất rất cần thiết", ông Phu chia sẻ.
Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là dịch vụ mua hàng online (trực tuyến), shipper (người giao hàng) có bị cấm với lệnh "cách ly toàn xã hội từ 1/4"?
Vị chuyên gia này cho biết, chúng ta đang khuyến khích hình thức mua hàng trực tuyến để người dân không tụ tập đông người ở chợ, siêu thị hay các cửa hàng. Tuy nhiên, người bán hàng, người giao hàng trực tuyến phải tự trang bị phương tiện bảo hộ, phòng bệnh như đeo khẩu trang, giữ đôi bàn tay luôn sạch, giữ khoảng cách khi giao tiếp để nhỡ may người bán hàng hay giao hàng nhiễm bệnh cũng không lây lan sang người mua hàng và ngược lại.
"Tôi nhắc lại trong lúc này, những ai có biểu hiện viêm đường hô hấp như sốt, ho, khó thở… thì không nên đi giao hàng, bán hàng" - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Chủ đề liên quan:
cá nhân cách ly cách ly toàn xã hội Chỉ thị của Thủ tướng đi giao hàng giao hàng lái xe shipper thủ tướng về quê xã hội xe cá nhân