Bạn nên biết hôm nay

Có nên giải rượu bằng Thuốc?

Tửu lượng tôi rất yếu, dễ say. Trên thị trường có nhiều sản phẩm Thuốc giải rượu giúp không bị xỉn, tăng đô, xin hỏi tôi có nên sử dụng? (Thanh Tùng, 42 tuổi, TP HCM)

Trả lời:

Có ba con đường chuyển hóa rượu trong cơ thể người: tại gan, qua tuyến mồ hôi trên da, và qua hệ hô hấp. Trong đó khoảng 90% là chuyển hóa thông qua hệ thống men của gan nhờ hai enzym chủ yếu là alcohol dehydrogenase và aldehyde dehydrogenase. Hai loại men trên giúp rượu được phân hủy nhanh hơn, hệ thần kinh trung ương ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi uống quá nhiều, quá nhanh vượt khả năng phân hủy của men hay thiếu hụt một phần hoặc hoàn toàn men chuyển hóa, sẽ rơi vào tình trạng say rượu.

"Thuốc giải rượu" thực chất là tăng cường chức năng hoạt động của hệ thống men gan từ đó tăng phân hủy rượu, giúp bạn mau tỉnh táo, loại bỏ cảm giác nôn nao. Song khả năng của gan có hạn, nó chỉ sản sinh lượng enzyme nhất định mỗi giờ, ứng với lượng cồn nhất định được chuyển hóa, vì vậy nếu uống quá nhiều gan sẽ không kịp sản xuất.

Một người có say hay không say phụ thuộc vào nồng độ ethanol trong máu. Khi nồng độ ethanol trong máu từ 0,05 đến 0,1% thì bắt đầu xỉn nhẹ; đạt 0,3% thì dáng đi loạng choạng, nói năng không kiểm soát (trạng thái say rượu); trên 0,5% có nguy cơ T* vong cao. Khả năng dung nạp ethanol ở mỗi người cũng không giống nhau.

Vì vậy, hãy uống rượu đúng cách thay vì tìm kiếm Thuốc giải rượu để "tăng đô". hạn chế uống các loại rượu mạnh, nên lựa chọn các loại rượu trái cây hoặc rượu vang, không nên uống quá nhiều.

Trong trường hợp phải dùng rượu bia cần chú ý một số điểm sau:

Trước khi uống nên ăn thức ăn, tránh để bụng rỗng vì khi đói khả năng hấp thu rượu của đường ruột sẽ nhanh hơn khi có trộn lẫn thức ăn, làm người uống dễ say hơn. Trước nửa giờ khi đi uống rượu có thể uống một bình sữa nhỏ (sữa tươi nguyên chất là tốt nhất) vừa bảo vệ niêm mạc dạ dày ngăn ngừa tình trạng viêm dạ dày do rượu, vừa có tác dụng thúc đẩy quá trình phân hủy ethanol. Uống lượng nhỏ, không nên uống quá nhanh, quá nhiều cùng lúc, sẽ làm tăng áp lực cho gan, khiến bộ phận này không kịp chuyển hóa rượu.

Cần nhớ rằng không có một "thần dược" nào giúp uống ngàn chén không say vì vậy để bảo vệ sức khỏe, du xuân an toàn, tốt nhất chúng ta không nên dùng rượu bia hay mời rượu ngày xuân. Nếu phải uống thì chỉ sử dụng trong giới hạn cho phép và có kiểm soát.

Bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi

(Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3)

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/co-nen-giai-ruou-bang-thuoc-4424003.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY