Phóng sự hôm nay

Cổ tích trên Cao nguyên đá

“Chúng em lên kế hoạch từ lâu rồi, một chuyến để hít hà cái lạnh tê tái của miền Bắc. Tuy nhiên, khi xây dựng kế hoạch có ý nghĩa hơn, cả 3 quyết định gom những cuốn sách, truyện tranh, bút và giầy để tặng cho các em miền núi.

Nhìn những ánh mắt rưng rưng, những đôi chân tê tái trong cái lạnh của các em. Thấy mình còn phải làm nhiều hơn nữa những công việc này” - Đó là sự thổ lộ của 3 cô kiến trúc sư người Sài Gòn vượt hơn 2.000km để đến với những đứa trẻ trên đá Đồng Văn này.

Các em học sinh trường tiểu học xã Pả Vi huyện Mèo Vạc vui mừng khi nhận được những quyển sách của chương trình “Ấm tình biên cương”.

Chúng tôi đến với xã Pả Vi, Mèo Vạc, Hà Giang trong chương trình khám bệnh nhân đạo, phát Thu*c cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây đúng vào những ngày miền Bắc trở lạnh. Nền nhiệt độ về đêm ở miền biên viễn có lúc xuống dưới 7 độ C. Dưới cái rét căm căm ấy, người cựu binh, BS. Bùi Nguyên Kiểm vẫn phăm phăm như thời mới nhập ngũ.

Vừa xoa xoa đôi tay vào nhau tạo lên hơi ấm, lưu thông huyết, ông vừa hổn hển “Hơn 40 năm trước, tớ cùng đoàn y bác sĩ đã từng có mặt nơi đây. Thời chiến tranh biên giới nổ ra, anh em hừng hực khí thế lắm. Cứ nhìn những chiến sĩ của mình bị thương do đạn pháo gây ra là lòng lại sôi sục, dấn thân”.

TS. BS. Bùi Nguyên Kiểm khám cho người cao tuổi tại xã Pả Vi, Mèo Vạc.

Tôi buông lời đùa hòng xua đi cái lạnh căm căm của giá rét miền rừng núi: Thảo nào, được trở về với chiến trường xưa, với những kỷ niệm một thời oanh liệt, bác cứ đi phăm phăm như hồi là chàng trai mười tám, đôi mươi.

Vừa cười, vừa hướng ánh mắt xa xăm về bạt ngàn xanh thẳm của núi rừng, BS. Kiểm kể: Tuổi thanh xuân của tôi dành phần lớn cho các chiến trường khắp trong Nam, ngoài Bắc rồi sang cả nước bạn Lào, Campuchia. “Ở đâu người lính bị thương, bị bệnh là có chúng tôi. Mỗi lần nhìn đồng đội xa dần bàn tay mình để về với thế giới bên kia mà không cứu được thấy tự trách mình nhiều lắm” - Người lính “áo trắng” bắt đầu câu chuyện của mình.

Thời gian 1975 - 1976 trong một lần cứu chữa cho đồng đội trong những cánh rừng bạt ngàn xanh kia, nhiều đồng chí của tôi đã không qua khỏi, vĩnh viễn nằm lại nơi đây. “Hồi ấy, trong một lần chữa trị, khi những vết thương của đồng đội đã ổn định, nhìn lên mới biết trời đã về đêm. Lục tìm đồ ăn mới té ngửa là khi di chuyển bệnh nhân vì đường rừng khó đi, địch lại vây ráp phía sau nên chúng tôi phải vất bỏ một phần hành lý. Trong đó có lương khô. Nửa đêm, chúng tôi đành tìm vào gõ cửa nhà dân và được giúp đỡ. Người mẹ ấy tôi đã mất liên lạc, mẹ cho chúng tôi ăn và mẹ có 2 người con, là đồng chí của chúng tôi cũng đã vĩnh viễn nằm lại trong chiến trường”. Rồi như tiếc nuối một điều gì đó, ông chép miệng “Giờ này, chắc mẹ cũng đã về với các anh”.

Chiến tranh qua đi, ông Kiểm về công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn, công việc cứ thế cuốn ông đi, không còn thời gian để tìm về, ôn lại những chiến trường xưa. “Đến lúc nghỉ hưu, có chút rảnh rỗi vẫn đăm đắm được trở về thăm lại những chiến trường xưa. Cách đây vài tháng, được một vài đồng nghiệp cho biết, sẽ lên Mèo Vạc khám, cấp Thu*c cho bà con nơi đây. Thế là mình xung phong luôn” - ông Kiểm chia sẻ.

Trong cuộc hành trình cùng Câu lạc bộ Bác sĩ và những người bạn lên khám chữa bệnh cho bà con nơi đây, chúng tôi bất ngờ bởi sự xuất hiện của ba cô gái còn khá trẻ, nói giọng Sài Gòn.

KTS Thảo Ngọc tặng sách cho các em học sinh trường dân tộc nội trú xã Pả Vi.

“Chúng em bay từ Sài Gòn ra, trước tiên là đi du lịch, sau đó mong ước làm được điều gì đó ý nghĩa cho những đứa trẻ nơi đây” - Thảo Ngọc, một trong ba cô gái cho biết.

Cả ba cô gái hiện đang là kiến trúc sư, thông qua mạng xã hội các cô được biết đoàn khám chữa bệnh sẽ lên khám, phát Thu*c cho bà con xã Pả Vi. “Lên kế hoạch từ trước đó, cả ba muốn được hít hà cái lạnh tê tái của miền Bắc. Tuy nhiên, khi biết thông tin về một đoàn thiện nguyện, chúng em đã liên hệ đồng thời lên kế hoạch góp những cuốn sách, cây bút, giầy cho các cháu học sinh nơi đây” - Bích Trâm nói.

Tự sắp lịch cả 3 cùng ngược ra Hà Nội sau đó bắt xe khách lên Mèo Vạc hội ngộ với Câu lạc bộ Bác sĩ và những người bạn để đến điểm hẹn xã Pả Vi. “Nhìn những đôi chân trần tê tái trong giá lạnh; Những tấm áo phong phanh... chúng em không tưởng tượng nổi mặc dù trước đó là xem trên tivi và sách báo” - Vừa xỏ đôi giầy cho một bé trai, Bích Liên vừa nói.

Ở một góc nọ, cô bé Thảo Ngọc vừa phân phát những cuốn sách, cuốn truyện tranh và hướng dẫn các em tập đọc. Thấy tôi lại gần, cô bé nhoẻn cười nói: Các con thông minh lắm anh ạ, dậy một loáng đã đọc và viết được. Chỉ tội, giọng nói khác nhau nên hơi khó nghe một chút”.

Ngày 22/12/2018 trong chương trình khám bệnh nhân đạo “Ấm tình biên cương”, CLB Bác sĩ và những người bạn và nhóm Kiến trúc sư trẻ TP. Hồ Chí Minh đã tặng nhiều sách, vở, bút và giầy cho thầy cô giáo, học sinh Trường Dân tộc nội trú Pả Vi và người dân tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, Hà Giang.

“Không có nhiều thời gian để đi thăm lại những người mẹ, những người bố đã giúp mình trong cuộc chiến đấu giành lại sự sống cho đồng đội cũ. Chỉ hy vọng rằng, trong số những người đến khám, biết đâu có con, cháu của đồng đội mình. Chỉ thế thôi, cũng vui và hạnh phúc lắm rồi” - cựu binh, BS. Bùi Nguyên Kiểm hy vọng. Và ba cô kiến trúc sư vượt hơn 2.000km để mang những cuốn sách, cuốn truyện và những đôi giầy cho các bé cũng chia sẻ: “Chúng em sẽ quay trở lại vào một ngày không xa”.

Vọn vẹn hai ngày cuối tuần nơi địa đầu của Tổ quốc, chuyến xe đưa đoàn trở về với công việc thực tại hàng ngày. Đâu đó, vẫn văng vẳng lên trong chúng tôi hình ảnh 3 cô gái trẻ tung tăng, vui đùa cùng lũ trẻ nơi cao nguyên đá này.

Tuấn Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/co-tich-tren-cao-nguyen-da-n152452.html)

Chủ đề liên quan:

cao nguyên Cao nguyên Đá cổ tích

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY