Một thuở nọ đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá trong thành Xá Vệ. Lúc bấy giờ là dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, vào một buổi chiều lúc vua Ba Tư Nặc cùng với đoàn tùy tùng đi đến bờ sông, ra lệnh cho binh gia dọn một bãi đất trống sạch sẽ, che rạp và trang hoàng lộng lẫy dành cho đức Phật và Thinh văn đệ tử đến an vị.
Sáng hôm sau, đức Vua cùng với đoàn tùy tùng đến Kỳ Viên tịnh xá vào đảnh lễ và bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn, xin ngài từ bi tế độ chúng con, bởi giờ đây là dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, chúng con xin thỉnh ngài cùng chư Thinh văn đi tắm. Đức Phật nhận lời, đức vua rất hân hoan cung thỉnh đức Thế Tôn và chư Thinh Văn đệ tử đến tắm tại bờ sông nơi mà Người đã chuẩn bị từ hôm trước. khi đã tắm xong đức Phật cùng các hàng Thinh văn vào an vị trong lễ đường và thọ trai. Sau buổi thọ trai đức Vua cùng muôn dân cúng dường tứ sự, xin thọ ngũ giới và nghe đức Phật thuyết pháp.
Nhân dịp này đức Vua bạch hỏi đức Phật rằng: “Bạch đức Thế tôn, sau khi Ngài nhập Niết bàn, hàng năm đến ngày Săng Cran - Chôl Chnăm Thmây chúng con nên làm những việc phước thiện gì?”
“Này Đại vương, sau khi Như Lai tịch diệt, hàng năm đến dịp Chôl Chnăm Thmây thì Đại vương cũng như tất cả chúng sanh nên xây Núi Cát, có hương đăng, hoa quả, vải vóc, v.v.. cúng dường tưởng nhớ đến Như Lai sẽ được tái sanh kiếp làm người trong hàng quí tộc.
Những ai có lòng từ bi phóng thích những loài sinh vật như: cá, rùa, chim, gà, v.v.. thì những người ấy luôn luôn được sự an vui, không bệnh tật và sống được trường thọ.
Chúng sinh nào là người có lòng hiếu thảo biết tôn kính các bậc ân nhân nhất là ông bà, cha mẹ, thầy tổ và các bậc trì giới tu hàng. Mỗi năm đến hạn kỳ hết năm cũ bước sang năm mới, những người con hiếu thảo biết lo sắm sửa các thứ nhu yếu phẩm, tắm gội cho ông bà, cha mẹ, cho các vị ấy mặc quần áo mới, dâng thực phẩm cùng với nhu yếu phẩm, những người đó được gọi là “hiếu tử” đồng thời lại biết làm phước bố thí và thọ trì ngũ giới thì sẽ tái sinh làm người giàu sang, sống yên vui trường thọ”.
Từ khi đức Thế Tôn tịch diệt trở về sau, các hàng phật tử từ vua, quan đến muôn dân, sau buổi cúng dường trai tăng rồi thỉnh chư tăng tắm vào buổi chiều, tiếp theo là xin thọ tam Qui và ngũ Giới, nghe thuyết pháp.
Ý nghĩa và quả phước tắm Phật: Những người hữu duyên với Phật pháp đến dự lễ, được “Tắm Phật và thành tâm cầu nguyện, trong kinh Mahasankarasutra và túc sinh truyện có ghi rằng người ấy sẽ được tái sanh làm người trong hàng quí tộc, có sắc đẹp, luôn khỏe mạnh và giàu sang hơn người, ước gì được nấy.
Ngoài ra, chư Phật tử các nơi gần xa đến dự lễ tắm Phật, nếu ai được chư tăng rải nước coi như tắm tượng trưng thì người ấy đó sẽ được: “Tất cả sự khổ não, lo sợ, bệnh tật và mọi sự tai hại thảy đều tiêu tan”.
ĐĐ.Châu Hoài Thái lược soạn