Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, Bệnh viện Bạch Mai đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho 7.264 người bao gồm nhân viên, bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, người cung cấp dịch vụ tại Bệnh viện. Trong số này 6.631 mẫu âm tính, 19 mẫu dương tính gồm: 2 bệnh nhân số 86 và 87 là điều dưỡng viên (đã công bố từ ngày 20/3); 1 bệnh nhân khoa Thần kinh, 1 người nhà chăm sóc bệnh nhân, 15 người là nhân viên của Công ty Trường Sinh.
Như vậy, ngoài 2 điều dưỡng viên (các ca bệnh số 86, 87), toàn bộ các y bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai được xét nghiệm có kết quả âm tính.
Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, sau khi phân tích, đánh giá, đặc biệt sau khi tiến hành xét nghiệm tổng thể bệnh viện Bạch Mai để tìm nguồn lây, các chuyên gia thống nhất Công ty Trường Sinh (cung cấp thực phẩm, dịch vụ hậu cần cho bệnh viện) là nguồn lây chính tại Bệnh viện Bạch Mai, là ổ dịch lây lan mắc tại Bệnh viện.
Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện chuyên khoa nội, nên khả năng phân tuyến sang các bệnh viện Trung ương hay của Hà Nội không cao.
Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai hiện nay có khoảng 100 bệnh nhân nặng có nhu cầu phải chuyển từ tuyến dưới lên bệnh viện mà không thể chuyển sang các Bệnh viện khác, trong đó có khoảng 30% rất nặng, nếu không được cứu chữa kịp thời thì nguy cơ Tu vong rất cao (trên 80%).
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn khẳng định hiện những nhân viên y tế của bệnh viện đều có kết quả âm tính. "Rõ ràng các nhân viên y tế, người lao động tại Bệnh viện Bạch Mai không phải là nguồn lây nhiễm".
Bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối, lớn nhất cả nước, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân nặng, rất nặng từ tuyến dưới chuyển lên, cần được cứu chữa nếu không nguy cơ Tu vong rất lớn. Lãnh đạo Bộ Y tế cùng các chuyên gia nhấn mạnh điều này trong cuộc họp sáng 30/3 với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2).
Hiện tất cả các bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang được điều trị bình thường nhưng nếu Bệnh viện Bạch Mai bị phong toả dài ngày thì sẽ dẫn đến nhiều bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên sẽ mất cơ hội được cứu sống. Theo ước tính mỗi ngày vẫn còn hàng chục bệnh nhân nặng (cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc, ECMO…) cần chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, nếu không tiếp nhận, cấp cứu, điều trị thì có khoảng 80% bệnh nhân trong số này sẽ Tu vong…
Trên cơ sở phân tích thực tế, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia cho rằng Bệnh viện Bạch Mai không thể không tiếp nhận cấp cứu, điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch tính mạng. Ngoài việc bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để dịch bệnh lây lan từ Bệnh viện Bạch Mai thì nhiệm vụ không kém phần quan trọng là yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai phải tiếp tục tiếp nhận các bệnh nhân nặng không thể chuyển sang các bệnh viện tuyến Trung ương khác hay bệnh viện ở Hà Nội để cứu chữa.
Vì vậy, khái niệm cách ly toàn bộ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đang áp dụng đối với Bệnh viện Bạch Mai cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đối với một số bệnh nhân không nguy kịch đến tính mạng có thể chuyển sang một số cơ sở y tế tuyến Trung ương như Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hoặc của Hà Nội như Thanh Nhàn, Saint Paul và một số bệnh viện quân đội...
Chủ đề liên quan:
bạch mai bệnh viện bệnh viện bạch mai công ty công ty Trường Sinh Covid 19 covid 19. bệnh viện bạch mai COVID_19 tại Bệnh viện tại Bệnh viện Bạch Mai trường sinh