Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng thiệt hại của các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch, vận chuyển do dịch Covid – 19 cập nhật đến ngày 14/02 ước tính khoảng 685 tỷ đồng. Trong đó, khối lữ hành, vận chuyển khoảng 285 tỷ đồng, khối lưu trú khoảng 400 tỷ đồng.
Du khách tham quan, mua sắm tại chợ Hàn |
Mặc dù lượng khách đến thành phố trong tháng 1/2020 tăng trưởng, nhưng do ảnh hưởng của Covid - 19 dự kiến tháng 2-3/2020 tình hình phát triển du lịch bị suy giảm mạnh. Tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng trong quý I/2020 ước đạt gần 1,3 triệu lượt, giảm 31,2% so với cùng kỳ 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 700 nghìn lượt, giảm 17,6% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt hơn 520 nghìn lượt, giảm 43,8% so với cùng kỳ 2019, tổng thu du lịch ước đạt 4.912 tỷ đồng, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Công suất buồng phòng bình quân của khối lưu trú hiện nay chỉ đạt 25 – 30%, giảm gần 50% so với cùng kỳ 2019. Dự kiến trong tháng 3 tình hình còn kém khả quan hơn với lượng khách hủy booking phòng sẽ còn nhiều hơn nữa, công suất buồng phòng sẽ chỉ đạt 20 – 25%.
Ngoài việc tạm dừng các chuyến bay từ Trung Quốc đến Việt Nam, thì công suất khai thác một số đường bay tại một số thị trường sụt giảm mạnh như Hàn Quốc giảm 50%, Nhật Bản giảm 30%. Du lịch đường biển cũng được ước giảm hơn 50% lượng khách so với cùng kỳ.
Đối với hoạt động lữ hành, lượng khách phục vụ trong tháng 2 – 3/2020 chỉ đạt 25 – 30% so với cùng kỳ. Các điểm tham quan du lịch trong tháng 2 đã giảm mạnh, có nơi giảm đến 90% lượng khách tham quan so với cùng kỳ.
Lượng khách đến tham quan bảo tàng Chăm giảm tới 90% |
Ông Võ Văn Anh, Chủ tịch hội hướng dẫn viên du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, hướng dẫn viên bị ảnh hưởng nặng nề trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. Phần lớn các hướng dẫn viên của thị trường Trung Quốc đều đang tạm nghỉ việc, chỉ có thị trường khách Đài Loan, Mã Lai vẫn còn duy trì nhưng tỉ lệ chiếm khá ít và đang giảm dần. Đối với thị trường Hàn Quốc, số lượng hướng dẫn viên cũng bị tác động nhiều, nhất là hiện nay tỷ lệ dương tính với Covid – 19 tại Hàn Quốc đang tăng mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Nhung – Phó TGĐ Tập đoàn FVG, là đơn vị hoạt động trong ngành dịch vụ du lịch, FVG chịu nhiều tổn thất vì ảnh hưởng của Covid -19, đặc biệt với ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú khi lượng khách du lịch giảm sâu, mạnh, và chắc chắn sẽ còn chịu tác động tiêu cực còn dài vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay. Và du lịch chỉ có thể phục hồi khi nền kinh tế đã phát triển ổn định trở lại.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết mặc dù Đà Nẵng không có ca nhiễm Covid – 19 nào song đã bị ảnh hưởng nhiều trong việc phát triển du lịch nói riêng và thành phố nói chung.
Bên cạnh công tác phòng chống dịch, Đà Nẵng đang đẩy mạnh tuyên truyền về môi trường du lịch, môi trường an ninh y tế của điểm đến Đà Nẵng với thông điệp Đà Nẵng – Điểm đến An toàn - Thân thiện - Mến khách đến các thị trường khách, đặc biệt là khách quốc tế để tính để tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho du khách đã đặt tour từ trước và du khách có ý định du lịch trong thời gian đến.
Sở đã đề xuất thành phố hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong hai năm 2020 và 2021; ngân hàng hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 … có chính sách giảm tiền điện, nước cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; đề xuất chính phủ xem xét khả năng miễn lệ phí visa cho khách Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Ấn Độ, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, xem xét miễn visa du lịch đối với du khách Ấn Độ, Úc, Mỹ…
Còn bà Phương Nhung cho hay, trong diễn biến dịch như hiện tại, bản thân các doanh nghiệp như FVG ngoài việc chủ động phòng chống dịch, có các phương án dự phòng để phản ứng nhanh khi có sự cố, thực hiện phun khử trùng toàn bộ khuôn viên, đảm bảo an toàn cho du khách, thì đã triển khai các chính sách, chế độ nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế như thực hành tiết kiệm, điều chỉnh thời gian làm việc để đảm bảo việc vận hành dịch vụ.
“Hiện FVG đang phối hợp với các đơn vị lữ hành, dịch vụ tập trung đào tạo nhân lực, tạo các gói sản phẩm mới để kích cầu, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để thu hút và phục vụ du khách ngay sau khi hết dịch. Về lâu dài chúng tôi cũng nỗ lực tạo ra các sản phẩm mới phù hợp để giới thiệu tới các thị trường khách tiềm năng mới thay thế cho các thị trường khách truyền thống đang bị sụt giảm nghiêm trọng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh”, bà Nhung chia sẻ.
Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không đang chuẩn bị các gói kích cầu để sẵn sàng "hút khách" khi có dấu hiệu hết dịch Covid - 19 |
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HH Du lịch TP. Đà Nẵng, do ảnh hưởng của Covid – 19, một số khách sạn đã đóng cửa, một số công ty lữ hành hủy tour, các điểm vui chơi trở nên vắng khách. Để doanh nghiệp dịch vụ lữ hành du lịch sớm “bình phục”, Hiệp hội đang phối hợp với Sở Du lịch khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình kích cầu du lịch 2020, có các gói kích cầu sản phẩm giảm giá, tăng chất lượng dịch vụ để kích cầu du lịch, tăng cường thu hút, hấp dẫn du khách từ các thị trường khách quốc tế và nội địa. Bên cạnh đó, thành lập liên minh kích cầu quốc gia. “Chương trình kích cầu này thu hút hàng trăm doanh nghiệp hưởng ứng, chúng tôi sẽ nhanh chóng hình thành các gói kích cầu liên tuyến các địa phương, kết hợp với hoạt động kích cầu của các hãng hàng không để triển khai tại các thị trường lớn”, ông Dũng nói và cho biết thêm hiện hiệp hội đang tập trung vào khảo sát thị trường, tạo sản phẩm mới, chú trọng ở các thị trường trọng điểm để khi có tín hiệu hết dịch trên toàn cầu sẽ ngay lập tức sẽ công bố một số chương trình giúp cho khách quay trở lại.