Theo dự báo của các chuyên gia giao thông, với tốc độ tăng trưởng phương tiện cơ giới cá nhân ngày càng cao (ô tô tăng bình quân 12%/ năm và xe máy 10.5%/ năm), giai đoạn 2016-2020 tại Đà Nẵng vấn đề ùn tắc giao thông sẽ xuất hiện và sau năm 2020 sẽ gia tăng nhanh chóng và sẽ trở nên nghiêm trọng nếu thành phố không có các chính sách phát triển, quản lý giao thông bền vững.
Bên cạnh việc phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, kiểm soát hạn chế sự gia tăng phương tiện cơ giới cá nhân, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng đang xúc tiến nghiên cứu dự án Thí điểm phát triển dịch vụ tại khu vực trung tâm thành phố nhằm cung cấp một loại hình giao thông giá rẻ và thuận tiện, tăng tính kết nối, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận xe buýt được thuận lợi hơn, dần thay thế thói quen sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân để di chuyển, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khí phát thải và giảm lượng tiêu thụ xăng dầu cho toàn thành phố.
Việc phát triển một loại hình dịch vụ thân thiện với môi trường, khuyến khích các hoạt động nâng cao sức khỏe là xu hướng chung của các thành phố du lịch trên thế giới, giúp quảng bá hình ảnh đẹp của thành phố du lịch Đà Nẵng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nhờ thu hút lượng lớn khách du lịch.
Với sự phát triển công nghệ thông tin hiện nay, việc xây dựng một hệ thống xe đạp thông minh với sự hỗ trợ quản lí và vận hành bằng công nghệ thông tin rất đơn giản, dể sử dụng, khuyến khích người dân sử dụng công nghệ trong đời sống, nâng tầm nhận thức và xây dựng văn hóa nếp sống đô thị thông minh trong tương lai.
Cụ thể, Sở GTVT chọn quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà để áp dụng thí điểm hệ thống xe đạp công cộng. Qua đó dự kiến giai đoạn đầu sẽ đầu tư khoảng 30-40 điểm đặt xe đạp, mỗi điểm đặt 05-10 xe tùy thuộc vào nhu cầu dự kiến, ưu tiên vị trí các điểm đặt xe đạp trên các tuyến đường trọng điểm, gần trạm chờ xe buýt để kết nối về với hệ thống VTCC, kết nối giữa các điểm du lịch trên địa bàn thành phố và khu vực đông dân cư. Các trục đường ưu tiên đặt điểm đặt xe đạp và xây dựng hạ tầng, làn đường dành riêng cho xe đạp gồm: Bạch Đằng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Hùng Vương, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Thoại.
Người dùng sau khi tải ứng dụng về sẽ sử dụng quét mã QR code để mở khóa xe đạp để sử dụng. Cước phí thanh toán tương ứng với thời gian sử dụng (tính theo giờ, theo ngày hoặc theo tháng). Việc thanh toán đa dạng tiện dụng cho người dùng, có thể lựa chọn hình thức thanh toán online trên ứng dụng thông qua ví điện tử dùng cổng thanh toán hay trên ứng dụng thông qua mã QR Code. Người dùng cũng có thể thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt tại các trạm hỗ trợ dịch vụ đặt tại các nhà hàng, khách sạn, cafe… Người dùng sau khi sử dụng có thể trả xe tại trạm hoặc ở bất cứ nơi nào được phép để xe đạp. Trong trường hợp không trả ở trạm, hệ thống sẽ thu thêm một khoản phí thu gom xe đạp ngoài trạm.
Hải Yến