Huấn luyện viên thể hình Lê Quốc Nam cho biết, đai nịt bụng được phụ nữ sử dụng phổ biến với niềm tin có thể làm giảm mỡ bụng, lấy lại vòng eo. Tuy nhiên, nó chỉ làm giảm cân tạm thời do trong quá trình tập luyện có thể làm nóng cơ thể, tăng tuần hoàn, giãn mạch, toát mồ hôi, khiến cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng hơn nhưng không có tác dụng tiêu mỡ vùng bụng.
"Đai nịt chỉ hiệu quả với bạn lâu dài nếu bạn kết hợp nó với tập thể dục thường xuyên và một chế độ ăn uống tốt", huấn luyện viên nói.
Quấn đai nịt bụng trong một thời gian dài làm ảnh hưởng tới cấu trúc xương sườn, siết chặt phổi, khiến thể tích khoang bụng cũng bị thu hẹp, gây khó khăn cho quá trình hô hấp như khó thở, nhanh xuống sức, chuột rút, mất nước và ảnh hưởng cơ lưng...Nếu thắt quá chặt sẽ gây cản trở lưu thông máu, thâm da, gây nóng, mụn nhọt...
Người đeo nịt luôn cảm thấy bụng bị ép, khi ăn nhanh no bụng vì bụng đang phải chịu một áp lực rất lớn chèn ép lên dạ dày. Áp lực từ nịt bụng tác động tới dạ dày lớn sẽ khiến cho những đồ ăn chứa trong dạ dày có nguy cơ trào ngược lên thực quản và gây hại các bộ phận khác như gan, lá lách và thận. Do đó, người mắc hội chứng ruột kích thích hay bệnh dạ dày, tiêu hoá không nên dùng.
Hình ảnh cơ quan trong cơ thể biến đổi do dùng nịt bụng. Ảnh: Pulse |
Bên cạnh đó, phụ nữ sau sinh nên hạn chế sử dụng đai nịt. Bác sĩ Lưu Quốc Khải, bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, cho biết phụ nữ sinh thường phải mất hơn nửa tháng để tử cung về lại bình thường, còn sinh mổ phải hơn một tháng rưỡi. Nếu sản phụ dùng nịt bụng trong thời gian này có thể gây đau vết mổ, vết mổ lâu lành hơn. Ngoài ra, phụ nữ có thai không được dùng.
Không nên thắt đai liên tục mỗi ngày, chỉ nên nịt một đến hai tiếng cả ngày, thắt đi ở mức độ dễ chịu. Lúc ngủ nên tháo ra.
Bác sĩ khuyến cáo, chị em phụ nữ không nên lạm dụng hay quá tin vào quảng cáo trên mạng. "Để giảm cân, không có gì tốt và hiệu quả bằng tập luyện đúng cách và ăn uống khoa học", bác sĩ nói.