Phóng sự hôm nay

Đam mê với cá mú khổng lồ

Cuộc săn tìm đã lùi vào dĩ vãng, những con cá khổng lồ nơi các vùng nước dần thưa bóng. Và giờ đây, chúng được thuần dưỡng trong những lồng nuôi, làm bạn với ngư dân qua hơn chục mùa mưa gió.

Từ ký ức đến hiện thực

Cầu Tư Hiền vắt qua vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai giữa hai xã Lộc Bình và Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) là công trình kết nối giao thông quan trọng khu vực đầm phá. Vùng nước nơi đây còn là nơi cư ngụ giống nghệ hiếm thấy ở phá Tam Giang.

Trong hành trình mưu sinh theo con nước, lão ngư Nguyễn Văn Anh (xã Vinh Hiền) chứng kiến và nếm trải không ít ngọt bùi.

Ngược thời gian, ông kể về nghệ khổng lồ, nặng gần cả tạ với cái đầu cứng như đá lượn lờ vùng cửa biển, ngư dân một phen kháo nhau về loài cá lạ. Khi xác định thực hư, cuộc vây bắt sau đó là cả một hành trình, song bất thành!

“Năm 2014, cầu Tư Hiền vừa được khởi công xây dựng, tôi lần đầu tiên thấy con khổng lồ, áng chừng khoảng 80kg nằm dưới mặt nước khu vực đang thi công chân cầu.

Sau đó, nhiều người chài lưới cũng phát hiện cá ngủ dưới chân cầu và kéo nhau vây bắt. Khoảng hơn 20 ngư dân lão luyện cùng nhau vây bắt cá khổng lồ. Nhưng do cá quá to, sức người có hạn nên cá “đạp” nước thoát mất”, ông Anh chia sẻ.

Trong hành trình theo con nước kiếm tìm nguồn giống, ngư dân vùng cửa Tư Hiền nhận ra rằng, loại cá mú nghệ này có thể nuôi và thuần dưỡng trong tự nhiên.

Và những con giống nghệ to bằng bắp chân người lớn được ngư dân săn tìm từ tự nhiên đưa vào lồng nuôi không hẳn để phát triển kinh tế mà vì niềm đam mê.

Cá mú của ông Trần Bình (thôn Hiền Hòa 1, xã Vinh Hiền) to bằng con heo vừa xuất chuồng

"Ở vùng biển cửa Tư Hiền, nguồn nước rất thuận lợi, phù hợp để nuôi các loại cá có giá trị cao, trong đó có cá mú.

Trước đây, tôi có dịp tận thấy loại cá mú nghệ khổng lồ tự nhiên nên quyết tâm “săn” giống cá mú nghệ để biến thành đàn cá khổng lồ nhằm thỏa mãn đam mê”, ông Trần Bình (thôn Hiền Hòa 1, xã Vinh Hiền) bày tỏ.

Ở vùng cửa Tư Hiền, ngoài ông Bình chỉ có thêm một hộ dám chấp nhận nuôi cá mú nghệ khổng lồ, bởi đầu tư nuôi loại “thủy quái” này ngoài nguồn vốn cần phải có cái tâm nghiệp ngư…

Mặt nước đầm phá Tam Giang - Cầu Haicạnh cửa Tư Hiền là nơi cư ngụ của cá mú nghệ

Thuần dưỡng "thủy quái"

Bên bờ phá, hơn 50 lồng cá đặc sản của ông Bình nằm san sát nhau. Muốn đến lồng cá mú nghệ khổng lồ, phải chèo thuyền ra phía phá, cách bờ chừng 100 mét.

Ngoài tiếng nước vỗ nhẹ vào mạn thuyền, khu vực ông Bình nuôi cá khổng lồ không hề có tiếng động. Nhìn xuống lồng cũng không thấy cá. Lồng nuôi cá rộng chừng 4m, sâu hơn 2m.

Nếu theo thiết kế này, ông Bình có thể thả đến hơn 500 con cá giống. “Cá đang ngủ”, ông Bình khẽ nói rồi tận dụng lực đẩy của nước, dốc hết sức nâng lồng lên để khách mục sở thị. Cá quẫy đuôi rất mạnh, nước bắn tung tóe một vùng.

30 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng, 12 năm để nuôi được con cá mú nặng gần 80kg, ông Bình thuộc lòng "tính" cá. Ông tâm sự: “Cá chỉ cho ăn 2 lần.

Bắt được cá mú “khủng” nặng 55 kg ở Phú Quốc

Thức ăn chính là những con cá to bằng bắp chân người hay cua, ghẹ tươi. Muốn đổi khẩu vị, phải cho ăn thêm tôm, cá còn sống còn bơi khỏe. Cá đói sẽ cựa quậy khiến lồng rung lắc. Còn bình thường, nó nằm yên như đứa trẻ”.

Theo ông Bình, cá mú nghệ có sức đề kháng khá tốt, có thể thích ứng với dòng nước bạc. Hiện nay, nhiều khách sạn, nhà hàng sang trọng ở phía Nam có nhu cầu tiêu thụ lớn loại cá này.

"Lúc trước, tôi nuôi 20 con cá mú nghệ có trọng lượng từ 30kg trở lên. Cá được nhiều khách hàng ở phía Nam hỏi mua với giá 550nghìn đồng/kg. Tôi sẽ tiếp tục kiếm tìm nguồn giống và nuôi loại cá khổng lồ này”, ông Bình nói.

Vào nghề nuôi loài “thủy quái” này ngoài đam mê còn cả sự liều lĩnh. Tính sơ bộ, một con cá mú chừng 50kg, nuôi từ 7-8 năm và có giá khoảng 25 triệu đồng. Nếu một cơn bão lớn ập đến, vốn liếng dễ mất như chơi.

Ông Lê Viết Khánh (thôn Tân An Hải, xã Lộc Bình) một người nuôi cá mú khổng lồ cho hay: "Cá trở chứng là mình mất ngủ. Mỗi năm, tôi thường vệ sinh lồng hai lần và phải huy động hàng chục người giúp đỡ, chỉ cần lơ đễnh cá sẩy lồng "đạp" nước bơi mất.

Cá khi xuất bán thì tùy theo yêu cầu của khách hàng, có thể mổ lấy ruột rồi bảo quản trước khi vận chuyển trên xe đông lạnh. Con cá tôi đang nuôi cũng có một khách hàng đặt mua để trưng bày”, ông Khánh bộc bạch.

Còn ông Lê Túy, một người dân xã Lộc Bình chia sẻ: "Mỗi lần ông Khánh vệ sinh lồng nuôi, rất đông người dân hiếu kì đến xem. Ai cũng tỏ ra thích thú, ngạc nhiên khi nhìn thấy cá. Ở Huế, cá mú nghệ khổng lồ hình như chỉ có ở vùng biển cửa Tư Hiền.

Việc nuôi được những con cá trọng lượng lớn cho thấy, nguồn nước xung quanh cửa Tư Hiền được thiên nhiên ưu đãi".

Các chuyên gia cho rằng, cá mú nghệ trên đầm phá Tam Giang là một trong những giống cá hiếm. Đây là loài cá sống di cư và có kích thước, trọng lượng lớn, tuổi thọ cao. “Chuyện những người dân ở Phú Lộc nuôi cá khổng lồ chủ yếu là do sở thích.

Nếu đưa vào sản xuất giống sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế. Cá mú nghệ chỉ có giống tự nhiên, chưa có giống nhân tạo. Bây giờ số lượng nuôi cá đạt trọng lượng lớn rất ít nên chưa thể đưa vào sản xuất giống.

Nếu người dân nuôi nhiều, chúng tôi sẽ thẩm định trứng qua nhiều công đoạn trước khi đưa đi các cơ quan chuyên môn sản xuất giống”, bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin.

Cá mú nghệ có tên khoa học là Epinephelus lanceolatus, được tìm thấy ở các rạn san hô. Loài này sống ở khắp vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trừ vịnh Ba Tư.

Con lớn có thể dài đến 2,7m, nặng tới 600kg. Chúng thường sống ở vùng nước nông và ăn nhiều loài thủy sinh ở biển.

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/dam-me-voi-ca-mu-khong-lo-20200108153650142.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY