Bạn nên biết hôm nay

Dấu hiệu bất thường F0 tại nhà cần liên hệ y tế

F0 cách ly tại nhà thấy khó thở, nhịp thở nhanh, SpO2 ≤ 95%, đau tức ngực, thay đổi ý thức; trẻ em sốt cao, bú kém... cần liên hệ y tế ngay.

Theo hướng dẫn tạm thời về quản lý bệnh nhân covid-19 (f0) tại nhà do ubnd thành phố hà nội ban hành ngày 2/12, f0 cách ly tại nhà khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải báo cáo ngay với cán bộ được phân công theo dõi, giám sát để được xử trí và chuyển viện kịp thời.

Đầu tiên là dấu hiệu khó thở, thở hụt hơi, hoặc trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

Đếm nhịp thở nhanh. Người lớn nhịp thở từ 21 lần trở lên mỗi phút; Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi, nhịp thở từ 40 lần trở lên một phút; Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhịp thở bằng hoặc lớn hơn 30 lần một phút; thì cần liên hệ y tế ngay. Lưu ý, với trẻ em, đếm đủ nhịp thở trong một phút khi trẻ nằm yên không khóc.

Đo chỉ số SpO2 (nếu có thể đó) ≤ 95%. Khi phát hiện bất thường này, đo lại lần hai sau 30 giây đến một phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo.

Kiểm tra mạch nhanh, lớn hơn 120 nhịp một phút hoặc dưới 50 lần một phút - dấu hiệu xấu.

Huyết áp thấp - Chỉ số huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).

Tình trạng đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

Dấu hiệu nguy hiểm nữa thay đổi ý thức. F0 cảm thấy lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

F0 bị tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

Dấu hiệu trở nặng ở trẻ em là không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn. Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống như: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...

Người nhiễm covid-19 mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng... là phải báo y tế ngay.

Cuối cùng, bất kỳ tình trạng bất ổn nào của F0 đều cần báo cơ sở y tế.

Điểm cách ly F1 tại nhà ở đường Lương Thế Vinh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tháng 11/2021. Ảnh: Tất Định

Về chế độ ăn uống, sinh hoạt, F0 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ, phù hợp với tình trạng sức khỏe; tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống; không bỏ bữa; tăng cương dinh dưỡng bằng cách ăn đầy đủ chất, trái cây, hoa quả...; suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.

Về điều trị, F0 là người lớn sốt trên 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều, uống mỗi lần một viên Thu*c hạ sốt như paracetamol 0,5 g, lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 viên; Uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.

Trẻ em sốt trên 38,5 độ C, uống Thu*c hạ sốt như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần.

Sau khi dùng Thu*c hạ sốt hai lần mà không bớt thì phải thông báo ngay y tế cơ sở để xử lý.

TP Hà Nội điều trị F0 thể nhẹ tại nhà trong bối cảnh số ca mắc mới những ngày gần đây liên tục tăng cao, riêng ngày 3/12 tới 791 F0, cao nhất từ trước đến nay. Trước đó ngày 1/12, Bộ Y tế hướng dẫn phân loại nguy cơ F0 và biện pháp cách ly, điều trị, thay thế hướng dẫn hồi tháng 7/2021. Biện pháp chăm sóc, điều trị F0 tại nhà đã được áp dụng rộng tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, hiện mới được triển khai ở Hà Nội và nhiều địa phương.

Thúy Quỳnh

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/dau-hieu-bat-thuong-f0-tai-nha-can-lien-he-y-te-4399212.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY