Dinh dưỡng hôm nay

Để ăn măng tươi mà không sợ độc

(SKGĐ) Măng tươi là món ăn ưa thích bởi tính dễ ăn, chống ngán, lại chứa nhiều chất xơ giúp giảm cân. Nhưng độc tố trong măng tươi có thể gây ngộ độc, thậm chí gây tử vong nếu chế biến không đúng cách.

Trong Đông y, măng được xem là vị thuốc có vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh. Măng có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, hoạt huyết, khi phong và thường được dùng trong các bài thuốc trị ho, đờm nhiều do nhiệt, cảm mạo phong hàn, đi ỉa chảy lâu ngày, sa trực tràng, sởi không phát được ra ngoài. Ngoài ra, dùng măng để giải say rượu cũng rất tốt.

Độc tố trong măng tươi có thể gây ngộ độc, thậm chí gây tử vong nếu chế biến không đúng cách.

Nhưng có một điều ai cũng biết là măng tươi có độc, còn cụ thể độc tố trong măng là gì và độ nguy hiểm đến đâu thì không phải ai cũng biết rõ.

Theo các nhà nghiên cứu, trong măng tươi có chứa một loại glycoside, tên là cyanogenic glycoside, có khả năng biến thành axit cyanhydric (HCN) có thể gây ngộ độc.

Axit cyanide là một hợp chất bao gồm các muối hoặc axit, có đặc tính rất độc, liều gây tử vong qua đường tiêu hoá là 1mg/ kg trọng lượng cơ thể.

Trong 100g măng tươi chưa luộc có 32-38mg HCN. Ở măng tươi đã luộc kỹ, lượng chất này còn 2,7mg. Đối với măng tươi ngâm chua là 2,2mg, ở măng tươi ngâm chua đã luộc kỹ là 10mg.

Khi ăn phải loại măng không được loại bỏ cyanide, dưới tác dụng của các enzym đường tiêu hóa, cyanide sẽ biến thành axit cyanhydric gây hại cho cơ thể.

Khi vào đến cơ thể, axit cyanhydric có thể gây ngộ độc, triệu chứng là khó thở, mất tri giác, liệt cơ, co giật, ngừng thở, nặng có thể dẫn đến tử vong...

Các nhà khoa học cũng khuyến cáo, mỗi lần ăn măng không nên ăn quá 100g măng tươi. Khi ăn cần ngâm nước kỹ và luộc thật chín nhiều lần để loại bỏ độc tố.

Trong quá trình luộc măng, khi nồi măng sôi cần mở nắp nồi để chất độc có trong măng sẽ thoát ra ngoài và những măng tre có màu trắng/ vàng bất thường hoặc có mùi lạ thì nên loại bỏ và không nên sử dụng.

Măng cần ngâm nước kỹ và luộc thật chín nhiều lần để loại bỏ độc tố.

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng măng tươi, có thể áp dụng những cách khử độc sau đây:

- Bóc hết bẹ lá (vỏ măng), rửa sạch đất cát rồi có thể cắt thành lát mỏng hoặc xé nhỏ thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm cho bớt độc rồi rửa lại trước khi chế biến thành các món ăn.

- Măng tươi hái về bóc vỏ, bỏ vào nồi nước luộc. Luộc nhiều lần qua nước sôi rồi xả lại bằng nước sạch. Đến khi nào măng mềm nghĩa là chất đắng đã được loại bỏ, lúc đó mới đem chế biến món ăn.

- Bóc vỏ, cắt thành từng lát nhỏ, bỏ thêm nắm lá rau ngót rồi cho vào nồi luộc qua một lần. Khi măng đã chín, chắt hết nước nóng đi, rồi đổ nước lạnh vào, vớt bỏ lá rau ngót và xả lại với nước lạnh một lần nữa là có thể đem chế biến món ăn.

- Măng tươi để cả vỏ rồi xếp gọn vào trong nồi, cho thêm vài trái ớt đã bỏ hạt, cho nước gạo vào ngập gần hết măng. Đun lửa vừa, khi thử thấy măng mềm thì tắt lửa. Chờ măng nguội, vớt ra lột vỏ, rồi xả lại vài lần bằng nước sạch, măng sẽ không còn vị đắng và có thể đem chế biến món ăn.

Nếu bị ngộ độc, có thể sơ cứu như sau:

- Pha nước đường hoặc lấy những thức ăn có đường như kẹo, nước mía...cho bệnh nhân ăn, uống ngay.

- Lấy 50-70g đậu xanh giã nát cả vỏ, cho 1 bát nước sôi vào hòa loãng, lọc lấy nước để uống, chia làm 2 lần uống trong ngày. Hoặc có thể lấy rau muống giã nát vắt lấy nước uống.

Tấn Bình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/de-an-mang-tuoi-ma-khong-so-doc-19333/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY