Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Để HVN68 không là chuyến bay cuối cùng đón người Việt hồi hương

(MangYTe) Sẵn sàng đón bà con trở về từ vùng dịch là một cam kết nhân văn và gây xúc động được các cấp, ngành Việt Nam đưa ra trong những ngày virus corona (nCoV) gieo rắc kinh hoàng. Nhưng trước nhất, phải xem đó như là nỗ lực, khát mong đón bà con về nhà, thay vì hô hào thái quá gây tranh cãi.

1. Từ 1/2/2020, khi chính thức công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (nCoV) gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao chủ động trao đổi, thống nhất với phía Trung Quốc về việc đưa công dân Việt Nam tại Trung Quốc về Việt Nam và phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Trung Quốc về nước.

Bênh cạnh đó, Bộ Quốc phòng được giao chủ trì vệc bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị,… để đón công dân về và cách ly tập trung 14 ngày; trường hợp nghi ngờ phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc và điều trị kịp thời khi phát hiện bệnh nhân nhiễm nCoV.

Sang ngày 3/2, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn đã khẳng định: Quân đội sẵn sàng đón bà con về nước, theo cả đường bộ, đường không và đường biển. Khả năng tiếp nhận lập tức là 31.940 người.

Sau đó, nhiều cấp, ngành, địa phương đã liên tiếp khẳng định "sẵn sàng đón đồng bào", "sẵn sàng đón công dân", "sẵn sàng tiếp nhận",… người dân về từ vùng dịch. Hãng hàng không Vietjet cũng khẳng định nếu được cấp phép sẽ đưa máy bay sang Trung Quốc đón công dân Việt Nam trở về nhà.

Hãy hiểu, đó đơn giản là tấm lòng, là mong mỏi của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc hồi hương đồng bào đang "mắc kẹt" ở Trung Quốc.

2. Dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng, nguyện vọng của công dân, ngày 10/2, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các bên liên quan để đưa 30 công dân (gồm các sinh viên và người thân, du khách...) từ Vũ Hán - nơi không có bất kỳ kết nối giao thông nào với các khu vực khác - trở về nước.

Sau khi chuyến bay HVN68 hạ cánh xuống Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) sáng 10/2, các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh chóng làm thủ tục khử trùng và kiểm tra y tế cho 30 công dân theo quy định. Chiếc máy bay trở về từ Vũ Hán được khử trùng toàn bộ buồng lái, khoang hành khách, hầm hàng và tạm dừng khai thác trong 24 giờ để phòng ngừa tuyệt đối nguy cơ lây nhiễm virus…

Ngay khi hành khách bắt đầu xuống máy bay, Trung tâm kiểm dịch y tế và các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra sàng lọc để phát hiện các trường hợp nghi ngờ qua máy đo thân nhiệt từ xa; tiêu độc khử trùng hành lý của hành khách...

Đáng chú ý, chính máy bay này đã vận chuyển trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam tặng Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, đồng thời giúp đưa 11 công dân Trung Quốc về lại Vũ Hán.

Chuyến đưa bà con từ vùng dịch về nhà đầu tiên tưởng hoàn toàn thuận buồm xuôi gió...

3. Nhưng không, trên mạng xã hội, một số tài khoản Facebook có vẻ quá "thăng hoa" đã tỏ ra vô cùng tự hào, hãnh diện, có những phát ngôn gây tranh cãi, dẫn tới việc các động thái nhân văn, trách nhiệm nói trên bị hoài nghi, chê trách.

Phải rõ ràng rằng chuyến bay đưa bà con về nhà là tin mừng, là niềm vui, nhưng cũng phải thấy rõ đó cũng là bổn phận, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với công dân mình ở vùng thiên tai, địch họa.

Nhìn rộng ra, trước Việt Nam, từ cuối tháng 1 đầu tháng 2/2020, các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đã lên kế hoạch và thực hiện di tản công dân từ Trung Quốc về. Tiếp đó là Anh, Đức, Pháp, Thụy Sỹ, Kazakhstan, Morocco, Canada, Nga, Hà Lan, Australia, New Zealand, Indonesia, Thái Lan,… cũng nhanh chóng lên kế hoạch và thực hiện di tản công dân ra khỏi vùng dịch.

Nhưng ít ai để ý rằng, Bangladesh, quốc gia đã thực hiện di tản 312 người từ tâm dịch về rất sớm, và dự định sẽ tổ chức chuyến bay tiếp theo. Nhưng trong chuyến bay thứ hai, phi hành đoàn đã từ chối. "Chúng tôi không thể đưa họ đi vì chúng tôi không thể gửi bất kỳ chuyến bay nào", Bộ trưởng Ngoại giao AK Abdul Momen nói ngày 9/2. Ở Bangladesh, không phi hành đoàn nào muốn đến Trung Quốc, kể cả phi hành đoàn đã đến di tản công dân cũng không muốn quay trở lại.

Rõ ràng, việc Việt Nam đón công dân về nước là một nỗ lực đáng ghi nhân của nhiều cá nhân, tập thể, nổi bật nhất là phi hành đoàn 15 người của Vietnam Airlines và 3 bác sĩ đi cùng. Người Việt Nam vẫn lên đường đón đồng bào từ tâm dịch về nhà, khi thông tin phi hành đoàn Bangladesh từ chối tới (quay lại) vùng dịch tràn lan trên internet.

Nên lúc này, sự động viên, cổ vũ dành cho những cá nhân, tập thể đang chịu nhiều sức ép trên tuyến đầu chống dịch là vô cùng cần thiết, bởi 30 không phải là tất cả số người Việt còn "mắc kẹt", bởi HVN68 không nên là chuyến bay cuối cùng đón người Việt hồi hương, và cuộc chiến chống nCoV vẫn còn gian nan phía trước.

Kiên Giang

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/de-hvn68-khong-la-chuyen-bay-cuoi-cung-don-nguoi-viet-hoi-huong-post73593.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY