Thời gian từ nay đến rằm tháng tám chỉ còn khoảng 2 tuần, nhưng nhiều gia đình đã mua bánh trung thu về để thắp hương vào tuần rằm, mùng 1 trước đó cả tháng, nên nhiều cơ sở sản xuất bánh có thương hiệu đã sản xuất bánh đưa ra thị trường ngay từ đầu tháng 7 âm lịch.
Một cơ sở sản xuất bánh trung thu gia truyền trên phố Ngọc LâmCác cơ sở sản xuất bánh gia truyền vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, bởi hương vị phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng trong nhiều năm qua, đồng thời, cơ sở sản xuất lại có địa chỉ rõ ràng.
Là một người cũng có sở thích ăn bánh trung thu, tôi đến một cửa hàng làm bánh có tiếng từ rất lâu ở phố Ngọc Lâm để tìm mua bánh, vừa để thỏa mãn nhu cầu của mình, vừa muốn tìm lại những ký ức tuổi thơ mỗi mùa trung thu đến. Đây là cơ sở sản xuất bánh trung thu của hai cụ Lâm Ký (nay đã mất) có nghề làm bánh gia truyền chuyên cung cấp cho cửa hàng bách hóa Gia Lâm những năm còn thời kỳ bao cấp.
Cùng mua với tôi có chị Nguyễn Thị Lan, nhà ở phố Ngô Gia Tự, phường Đức Giang (Long Biên) cũng đang xếp hàng chờ đến lượt mua bánh, qua trò chuyện tôi được chị cho biết, sinh ra và lớn lên ở đất Gia Lâm này từ những năm 60 của thế kỷ trước, cứ mỗi dịp tết trung thu đến, cha mẹ của chị lại đến cửa hàng của hai cụ để mua bánh trung thu mang về.
“Đã hơn 60 năm trôi qua, hương vị của bánh trung thu được sản xuất ở đây vẫn theo tôi đến tận bây giờ, mặc dù cha mẹ tôi không còn nữa, những cứ mỗi năm khi chuẩn bị đến rằm tháng tám, tôi lại về đây tìm mua một vài cặp bánh nướng, bánh dẻo để thắp hương các cụ và thưởng thức”, chị Lan nói.
Bây giờ nhiều cửa hàng kinh doanh bánh trung thu lấy lại từ những cơ sở sản xuất bánh không có tên tuổi, thương hiệu, nên nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao, không những bánh sản xuất không đảm bảo chất lượng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. do đó tôi luôn chọn mua bánh ở những cửa hàng sản xuất truyền thống và có thương hiệu, chị lan chia sẻ.
Người Hà Nội vẫn thường tìm đến những cơ sở sản xuất bánh trung thu nổi tiếng và có từ rất lâu đời để mua bánh mỗi khi Tết Trung thu về, một thứ bánh rất tao nhã của người Hà Nội khi xưa bởi được sản xuất bằng những nguyên liệu được làm ra từ chính bàn tay lao động của mình.
Có thể kể đến những thương hiệu bánh trung thu cổ truyền nổi tiếng được sản xuất ở Hà Nội như bánh trung thu Ninh Hương ở 22, đường Hàng Điếu; bánh trung thu Bảo Phương ở Thụy Khuê…
Ngày nay, rất nhiều thương hiệu bánh trung thu nổi tiếng khác ra đời nhưng vẫn không thể làm hài lòng được đối với những người dân đã sinh ra và lớn lên ở thủ đô, bởi hương vị của các dòng bánh trung thu này khác xa với dòng bánh trung thu truyền thống khi xưa. do đó, lựa chọn bánh trung thu ở những cơ sở sản xuất bánh có truyền thống từ lâu đời vẫn luôn được lựa chọn.
Cứ đến rằm tháng tám mà dân gian vẫn gọi ngày này là Tết Trung thu, nỗi lo về bánh trung thu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ, bánh được sản xuất từ bên kia biên giới được các đối tượng buôn lậu tuồn về để tiêu thụ, làm cho toàn xã hội và các lực lượng chức năng thêm đau đầu, vì bắt rồi, xử lý rồi nhưng vẫn không thể hết được vấn nạn này.
Lực lượng chức năng thu giữ bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: TTXVNMới đây ngày 24/8, Tổ công tác Đội 4 Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra điểm tập kết bánh trung thu tại kho hàng ở phường Nghĩa Đô, quận Tây Hồ, Hà Nội, phát hiện hơn 4.700 chiếc bánh trung thu các loại không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Gần 5.000 chiếc bánh trung thu có vỏ bọc in bằng tiếng nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ đã bị Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 4 Phòng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Hà Nội phát hiện và thu giữ.
Trước đó, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 24 (Cục QLTT Hà Nội) đã bất ngờ kiểm tra Hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo tại địa chỉ số nhà 46, thôn Chùa Tổng, Xã La Phù, Huyện Hoài Đức, Thành Phố Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra tại cửa hàng đang bày bán hàng hóa là 10.800 chiếc bánh Trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ. Ước tính trị giá hàng hóa khoảng: 27.000.000 đồng. Chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ của 10.800 chiếc bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất trên.
Ngày 6/7, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24, Cục QLTT Hà Nội cũng đã bất ngờ kiểm tra cửa hàng kinh doanh của hộ kinh doanh P.T.N ở xóm Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 5.100 chiếc bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất, nhãn chữ bằng tiếng nước ngoài. Chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn theo quy định. Theo ghi nhận ban đầu, số hàng hóa này bà N. mua trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời. Hàng không có hóa đơn chứng từ.
Vì lợi nhuận mà các đối tượng buôn bán, vận chuyển bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ bất chấp các quy định của pháp luật, bất chấp sự an toàn đến sức khỏe của người dân, vẫn đưa về những loại bánh có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân rất cao. Do đó, cần phải có những chế tài mạnh hơn nữa để dập tắt vấn nạn này, đem lại sự yên tâm cho xã hội cũng như người tiêu dùng.
Bánh Trung thu thường được làm từ những loại nguyên liệu như: Lạp xưởng, trứng, bột, đường… đều là những loại thực phẩm dễ bị hư hỏng, ôi thiu, có thời gian sử dụng ngắn. Do đó, nếu không tiến hành thực hiện các chỉ tiêu kiểm nghiệm bánh Trung thu theo đúng quy chuẩn trước khi đóng gói, sản xuất sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dùng.
Theo quy định hiện hành, trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định, bánh Trung thu thuộc nhóm sản phẩm tự công bố. Hồ sơ tự công bố được đóng dấu của doanh nghiệp, 01 bản công bố công khai tại trụ sở và trên các trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và 01 bản nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Do đó, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu trước khi đưa bánh ra thị trường phải tiến hành các chỉ tiêu kiểm nghiệm bánh Trung thu theo quy định để xác định các chỉ số về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là việc làm bắt buộc giúp các đơn vị sản xuất có căn cứ làm thủ tục công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để kinh doanh hoạt động và nâng cao uy tín của mình.
Các chỉ tiêu kiểm nghiệm bánh Trung thu sẽ được căn cứ vào cơ sở pháp lý của các quy định, quy chuẩn sau:
Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 Về việc ban hành Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm.
QCVN 8-2:2011/BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm.
QCVN 8-1:2011/BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm.
QCVN 8-3:2012/BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm.
Thanh tra Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Trung thu năm 2022.
Theo Thanh tra Bộ Y tế, Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Trung thu như bánh kẹo các loại, nước giải khát… tăng cao, đặc biệt là bánh Trung thu.
Theo văn bản của Thanh tra Bộ Y tế, mặc dù còn gần 3 tuần nữa mới đến Tết Trung thu, nhưng thị trường bánh Trung thu đã khá sôi động, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và mức giá giúp người mua có nhiều sự lựa chọn, song tại một số địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, Vĩnh Phúc,… đã phát hiện và thu giữ lượng lớn bánh Trung thu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Trung thu, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Thanh tra Bộ Y tế- Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo đơn vị chức năng tổ chức triển khai, chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Trung thu.
Mới đây Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND. Theo kế hoạch, UBND thành phố yêu cầu việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Thực hiện thanh tra, kiểm tra đúng tiến độ, báo cáo đúng thời gian, theo sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm… Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể để phổ biến quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản sản phẩm, thực phẩm đến người dân. Thời gian triển khai từ ngày 15/8/2022 - 15/9/2022.
Đề cập đến việc triển khai kế hoạch của UBND Thành phố và ngành Công Thương Hà Nội, trong việc tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, Cục QLTT Hà Nội đã chỉ đạo các đội QLTT phối hợp cùng chính quyền sở tại tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu.
Đặc biệt, tập trung kiểm tra bánh Trung thu, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm sản xuất bánh Trung thu, nhân bánh, bao bì chứa đựng trực tiếp bánh Trung thu... qua đó, đảm bảo tốt nhất vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2022.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra thu giữ số lượng lớn bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ ở Lào Cai.Ngày 25/8, Phòng Cảnh sát môi trường (PC05), Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị vừa bắt giữ vụ vận chuyển số lượng lớn bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, đang được đưa ra thị trường tiêu thụ dịp Tết Trung thu.
Đội 5, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Lào Cai phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Lào Cai đã tiến hành kiểm tra một lô hàng tại thôn Tòng Mòn, xã Đồng Tuyển (TP. Lào Cai).
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện bên trong lô hàng gồm 270 thùng bìa giấy, bên ngoài ghi chữ nước ngoài. Trong thùng bìa giấy có tổng số hơn 54.000 sản phẩm các loại gồm: Bánh dẻo nhân đậu phộng, bánh mè, bánh dẻo nhân khoai môn, bánh dẻo nhân đậu đỏ. Tổng trọng lượng là 1,35 tấn.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng là Phan Văn Thiên (sinh năm 1985, trú tại thôn Tòng Mòn, xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai) không xuất trình được giấy tờ chứng minh rõ nguồn gốc của lô hàng kể trên.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ lô hàng và mời chủ lô hàng về trụ sở để điều tra làm rõ. Ước tính toàn bộ lô hàng có giá trị khoảng 80 triệu đồng. Lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý lô hàng và chủ lô hàng theo quy định của pháp luật.
Để mùa trung thu năm 2022 thật sự an toàn rất mong các lực lượng chức năng cần ra quân và xử lý thật mạnh tay đối với các cơ sở nhập bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, các cơ sở sản xuất chế biến bánh trung thu vi phạm về an toàn thực phẩm. Có như vậy người tiêu dùng mới có thể an tâm thưởng thức một mùa trung thu trọng vẹn và an toàn.