Theo tiến sĩ Peter Smith, giáo sư tại Viện Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, các nhà khoa học đang cố gắng tìm cách để giảm thời gian nghiên cứu giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng. Trong mỗi quá trình phát triển vaccine, giai đoạn một và hai là thử nghiệm trên động vật và một nhóm nhỏ người, để kiểm tra tính an toàn và khả năng tạo miễn dịch.
Giai đoạn 3 nhằm đánh giá tính hiệu quả của vaccine, thường kéo dài vài năm và trên số lượng lớn người thử nghiệm. Nhưng do tính cấp thiết trong dịch bệnh hiện nay, các nhà khoa học muốn giảm thời gian xuống 6 tháng.
Trong lịch sử, phương pháp chủ động nhiễm trên người (HTC) từng được sử dụng trong dịch cúm mùa, sốt rét, sốt xuất huyết, tả và thương hàn. Theo khuyến cáo của WHO năm 2016, HTC chỉ được áp dụng khi không còn biện pháp nào ngăn nguy cơ Tu vong cho bệnh nhân. Nó cũng không được phép áp dụng với những bệnh có tỷ lệ Tu vong cao như Ebola hay bệnh than.
Các nhà hoạt động Mỹ đang phát động một chiến dịch mang tên "1 Day Sooner" (Sớm hơn một ngày) để kêu gọi tình nguyện viên nhiễm virus. Chỉ sau vài tuần, có đến 9.000 người đăng ký từ hơn 50 quốc gia. Chiến dịch này tìm kiếm những người chủ yếu là trẻ tuổi, khỏe mạnh để dùng vaccine, sau đó chủ động nhiễm, rồi xem xét hiệu quả của vaccine như thế nào.
Người thử nghiệm được cảnh báo trước về mọi nguy cơ, kể cả tình huống họ sẽ không có chỗ trong bệnh viện dù triệu chứng nặng, bởi cần dành giường cho các ca nguy kịch.
"Chúng ta mới chỉ biết rất ít về tác động lâu dài của virus, về ảnh hưởng khác nhau của căn bệnh đối với các nhóm tuổi khác nhau", Charlie Weller, Giám đốc chương trình vaccine của Welcome Trust, một tổ chức y tế thiện nguyện toàn cầu có trụ sở ở Anh, nói. Đến nay loài người chưa biết được ảnh hưởng lâu dài của bệnh Covid-19 với sức khỏe, nên chưa thể kết luận HTC có phù hợp hay không.
Tiến sĩ Seema Shah, chuyên gia về y đức tại Đại học Northwestern, cho rằng còn quá sớm để đánh giá làm HTC Covid-19 có phù hợp về mặt đạo đức y tế hay không.
"Chưa lường hết tác động đối với các tình nguyện viên, cũng chưa có cơ chế rõ ràng để sử dụng dữ liệu sẽ thu được từ cuộc thử nhiễm chủ động trên người, vì thế ngay bây giờ chúng ta chưa thể nói HTC có phi đạo đức hay không", bà nói.
"Khó mà làm thử nghiệm như vậy ở Trung Quốc. Gần đây có một số bài báo đề cập HTC, và đã nhận rất nhiều lời chỉ trích", Zhu Fengcai, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh tỉnh Giang Tô, nói.
"Hầu hết mọi người sẽ không đồng ý. Hơn thế nó cũng rất khó được hội đồng y đức chấp thuận", bà đánh giá.