Tâm linh hôm nay

Đôi nét về Tiến sĩ Ernest Hetenyl - người sáng lập xã hội PG Hungary

Tiến sĩ Ernest Hetenyl – Lạt ma Dharmakirti Padmavadzsra (1912-1999), là một trong những người tiên phong vĩ đại của Phật giáo châu Âu, tác giả nổi tiếng người Hungary, chuyên nghiên cứu và thực nghiệm Kim Cương thừa Phật giáo Tây Tạng, nguyên Chủ tịch Hội Phật giáo Hungary, vị lãnh đạo Hội Phật giáo Ārya Maitreya Mandala tại Đông Âu.

Tiến sĩ Ernest Hetenyl sinh ngày 13/02/1912 tại thủ đô Budapest, Hungary. Cha ông là nhà soạn nhạc Opera, dịch giả và nghệ sĩ Albert Hetényi Heidelberg (1875–1951). Mẹ ông là bà Erzsébet Heidel, một diễn viên nổi tiếng và ca sĩ thời đó.


Thuở nhỏ, ông học xuất sắc ngôn ngữ Đức và văn học (tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ thứ hai). Ông rất yêu thích văn học Hungary, đặc biệt là thơ ca, yêu nghệ thuật âm nhạc và thể thao cá nhân. Sau khi tốt nghiệp trường ngữ pháp Evangelical Evmarical, cuối cùng ông đã trở thành một nhà báo tự do, chủ yếu làm việc cho nhà hát.


Là một đệ tử chân truyền của ngài Lạt ma Anagàrika Govinda (người Ấn Ðộ, 1898-1985), Tiến sĩ Ernest Hetenyl (Pháp danh Dharmakirti Padmavadzsra) đã khởi xướng thành lập phân hội Hội Phật giáo Ārya Maitreya Mandala vào tháng 3/1953 và trở thành vị lãnh đạo Hội Phật giáo này tại Đông Âu.


Năm 1931, Tiến sĩ Ernest Hetenyl với tư cách một nhà báo, đã đến viếng thăm Italy. Trên đường đến thành phố Bari, ông đã gặp gỡ và tiếp xúc với một vị tăng sĩ Phật giáo gốc người Đức, pháp hiệu là Padma. Vị Đại đức này đã có ý định mang Phật giáo đến phát triển ở quê hương đất nước Hungary của vị tiền bối Phật tử Alexande Csoma Kroros (1784-1842).


Năm 1956, Tiến sĩ Ernest Hetenyl đã thành lập Viện Phật học Quốc tế mang tên vị tiền bối Phật tử là Alexande Csoma Kroros, một nhà triết học người Hungary. Viện Phật học này là một tổ chức giáo dục Phật giáo đầu tiên tại châu Âu, có những hoạt động phật sự tích cực nhằm truyền trao những giáo lý của đức Phật đến với người dân Hungary trong mấy mươi năm qua. Ông rất thành công trong việc củng cố mối quan hệ các đơn vị với các cộng đồng Phật giáo và các tổ chức Phật giáo ở Mông Cổ và các quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết cũ.

Trong ba thập niên 60, 70 và 80 của thế kỷ 20, Phật giáo Hungary dường như không phát triển vì thể chế chính trị tại xứ sở này không ưu đãi cho tôn giáo. Theo sau sự sụp đổ của Liên Xô vào tháng 12/1991, các nước Trung và Ðông Âu dần dần ổn định lại chế độ chính trị và kinh tế, những cải cách xã hội, văn hoá, tôn giáo đã được quan tâm và tiến hành một cách nhanh chóng và có hiệu quả.

Trước đây dưới chế độ Cộng sản vô thần cực đoan, có nhiều sự hạn chế và phân biệt đối với hầu hết các tôn giáo tại Hungary. Nhưng sau khi dân chủ được thiết lập trên xứ sở này thì mọi thứ đều thay đổi, nhất là về mặt tự do tín ngưỡng. Ngày trước, Hungary chỉ có bốn đạo được chính quyền công nhận, còn những tôn giáo khác, kể cả Phật giáo cũng không được thừa nhận.


Tiến sĩ Ernest Hetenyl đã xuất bản nhiều sách và bài báo về Phật giáo Tây Tạng. Ông cũng là một nhà nghiên cứu về Lịch sử Phật giáo ở Hungary.


Tác phẩm:


- Kőrösi Csoma Sándor dokumentáció. Budapest 1982, ISBN 9789630006385

- Alexander Csoma de Körös. The Hungarian Bodhisattva. Budapest 1984

- A Változás Könyve. Háttér 1989, ISBN 9789637403361

- Tibeti Halottaskönyv. Hatter Kiado 1991, ISBN 978-9637455339

- Tibeti tanítók titkos tanításai. Trivium Kiadó 1996, ISBN 9789637570100


Thuận thế vô thường, Tiến sĩ Ernest Hetenyl – Lạt ma Dharmakirti Padmavadzsra đã an nhiên xả báo thân, nhập Pháp giới tính vào ngày 17/09/1999, hưởng thọ 87 tuổi.


Vân Tuyền (Nguồn: Terebess Ázsia Lexikon)

Vân Tuyền

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/doi-net-ve-tien-si-ernest-hetenyl--nguoi-sang-lap-xa-hoi-pg-hungary-d31255.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY