Khoa học hôm nay

Đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng vốn có vẻ ngoài như thế nào?

Trước khi bị oxy hóa và trở nên đơn điệu như ngày nay, đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng từng có vẻ ngoài vô cùng tráng lệ.

Đội quân đất nung là biểu tượng nổi tiếng bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, những bức tượng này từng xuất hiện trong các bộ phim bom tấn Hollywood và được khán giả đại chúng biết đến rộng rãi.

Đối với ngành khảo cổ nói riêng, những bức tượng binh mã là cổ vật hiếm hoi được lấy lên từ tổ hợp cung điện ngầm của vua Tần và đem trưng bày cho khách thăm quan (trong khi phần lớn cổ vật trong lăng vẫn nằm nguyên vẹn dưới lòng đất).

Theo China News, cho đến nay đã có 8.099 pho tượng đã được khai quật từ các hố chôn dưới lòng đất. Các bức tượng người có lính bộ binh, cung thủ, các tướng lĩnh trong tư thế đứng thẳng hoặc cúi mình cầm cung, kích, giáo, mác, gươm bọc đồng... mỗi chiến binh đều có kích thước, khuôn mặt hoàn toàn khác nhau.

Đội quân đất nung có kích thước, khuôn mặt và trang phục khác nhau. Ảnh: Internet.

Những vị khách tham quan tượng đất nung thường có một thắc mắc chung đó là vì sao đội quân binh mã của tần thủy hoàng tráng lệ, được chạm khắc kỳ công như vậy nhưng tất cả chỉ được phủ một màu nâu đơn điệu? sự thật là những bức tượng này từng có vẻ ngoài rất khác trước khi bị đưa lên khỏi lòng đất.

Các nhà khảo cổ cho biết, chính việc khai quật đội quân đất nung lên khỏi lòng đất khi công nghệ bảo quản chưa đủ đáp ứng đã khiến những pho tượng bị oxy hóa, mất đi màu sắc vốn có và trở thành tượng màu nâu như ta thấy ngày nay.

Thực tế, chiến binh và ngựa đất nung ban đầu vốn có màu sơn sặc sỡ, điều này có thể được quan sát thông qua những bức tượng dưới đây:

Tượng chiến binh mặt xanh

Chiến binh mặt xanh là bức tượng nổi bật trong đội quân binh mã dũng của Tần Thủy Hoàng. Chiến binh này cầm nỏ trong tay, tiếp đất bằng đầu gối trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Lý do khiến tượng đặc biệt là bởi trong tất cả những binh sĩ được khai quật, đây là pho tượng duy nhất có gương mặt sơn màu xanh lục.

Về ý nghĩa của "chiến binh mặt xanh", nhiều chuyên gia suy đoán đây là hình tượng "thầy phù thủy" trong đội quân nên có hình dáng khác lạ, nhằm hù dọa kẻ thù. Cũng có ý kiến cho rằng chỉ là do lớp sơn màu da đã bị phai nên trở thành màu sắc này.

Tượng binh sĩ mặt xanh với gương mặt màu xanh lục nhưng đôi bàn tay vẫn có màu hồng của da thịt. Ảnh: Sohu.

Áo giáp da màu nâu sẫm, dây thừng đỏ và đinh trắng. Ảnh: Sohu.

Tượng chiến binh đánh xe

Bức tượng không đầu dưới đây đã tái hiện hình ảnh một người đánh xe ngựa trong đội quân Tần Thủy Hoàng. Trang phục trên mình tượng có màu tím rất đặc biệt, được các chuyên gia Trung Quốc gọi là "màu tím Hán".

Do hạn chế về mặt kỹ thuật nên hầu hết các loại bột màu mà người xưa sử dụng đều có nguồn gốc từ thiên nhiên, duy chỉ có màu tím này được pha từ bột màu tổng hợp, thành phần chính là bari đồng silicat (BaCuSi₂O₆) đòi hỏi công nghệ sản xuất hiện đại. Làm cách nào mà người nhà Tần tổng hợp được thứ bột màu này cách đây hơn 2.000 năm thì vẫn là một ẩn số.

Tay áo của chiến binh đánh xe có màu tím. Ảnh: Sohu.

Điều thú vị là triều đại Ptolemaios của Ai Cập cổ đại, cùng thời với triều đại nhà Tần, cũng sử dụng một loại bột màu điều chế nhân tạo có tên là "màu xanh Ai Cập" với thành phần chính là đồng canxi silicat (Ca₂O₄Si).

Các chuyên gia cho rằng phương pháp sản xuất bari đồng silicat và đồng canxi silicat không giống nhau nhưng việc hai nền văn minh cổ đại cùng tìm ra công nghệ chế tạo những chất liệu hiện đại như thế này quả thực rất bất ngờ.

Tượng tướng quân

Trong hàng nghìn bức tượng được khai quật trong các hố binh mã, chỉ có 10 tượng được coi là tượng quân sư, hay tượng tướng quân. Các vị này đứng thẳng, khoanh tay trước bụng, gương mặt rất nghiêm trang.

Chỉ có 10 bức tượng tướng quân được khai quật trong hố binh mã. Ảnh: Sohu.

Họa tiết trên thắt lưng tượng tướng quân. Ảnh: Sohu.

Áo giáp của tướng quân nhà Tần cũng phức tạp hơn nhiều so với áo giáp của binh lính thông thường.

Nếu giáp thường chỉ là các mảnh da được kết nối với nhau bằng dây thừng và đinh thì trang phục tướng quân được chế tạc hoàn toàn từ da với một lớp giáp sắt bên ngoài, ở thắt lưng còn có nhiều họa tiết hình kim cương với màu sắc sinh động.

Thực tế, trang phục của đội quân đất nung có nhiều màu sắc đã phản ánh chính xác thời kỳ lịch sử của tần thủy hoàng. năm 1975, các nhà khảo cổ ở tỉnh hồ bắc, trung quốc đã từng tìm thấy một bức thư gửi về nhà viết trên thẻ gỗ của một người lính nước tần. trong thư, người này đã nhờ mẹ chuẩn bị phục trang cho anh ta ra trận.

Có thể thấy, quần áo của binh lính nhà Tần đa số đều là đồ tự cung cấp, không có đồng phục nên việc có nhiều màu sắc, kiểu dáng cũng là điều dễ hiểu.

Theo TAMMY/Gia đình & Xã hội

Theo kienthuc.trithuccuocsong.vn

Link bài gốc

Lấy linkĐóng

http://kienthuc.trithuccuocsong.vn/kho-tri-thuc/doi-quan-dat-nung-cua-tan-thuy-hoang-von-co-ve-ngoai-nhu-the-nao-5563006.html

Mạng Y Tế
Nguồn: Kiến thức (https://kienthuc.net.vn/giai-ma/doi-quan-dat-nung-cua-tan-thuy-hoang-von-co-ve-ngoai-nhu-the-nao-1500679.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY