Tâm linh hôm nay

Đốt vàng mã, tổ tiên, thánh thần có dùng được đâu

Hoà thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN lý giải về việc đốt vàng mã và cúng sao giải hạn đã nhấn mạnh, cầu an mà sống không tốt thì sẽ khó an, lễ nhiều hay ít cốt ở cái tâm.

Hoà thượng Thích Gia Quang chia sẻ trong chương trình Góc nhìn thẳng

Hoà thượng Thích Gia Quang chia sẻ trong chương trình Góc nhìn thẳng, Nhà báo Phạm Huyền (phải)

Xung quanh các vấn đề lễ chùa, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có buổi chia sẻ

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa Hòa thượng, gần đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn về việc khuyến cáo không nên đốt vàng mã tại chùa chiền. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đốt vàng mã đã có từ rất lâu trong đời sống của người Việt. Vậy xin Hòa thượng giải thích thêm về vấn đề này?

Hòa thượng Thích Gia Quang: Việc đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, theo quy định trong đạo Phật là không có.

Ở Phật giáo Việt Nam trước năm 1945, trong phong trào trấn hưng Phật giáo, các Hòa thượng, các cụ cũng đã nêu ra vấn đề không nên đốt vàng mã.

Đến sau năm 1954, Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, tức là Phật giáo miền Bắc lúc bấy giờ, cũng có những văn bản, những Thông tư và có những hướng dẫn là không nên đốt vàng mã tại các nơi chùa cảnh của Phật giáo, hướng dẫn làm thế nào để đảm bảo tính chất trang nghiêm và tốt đẹp trong các dịp lễ, hội, các dịp hiếu, hỷ trong giới Phật giáo. Những năm đó, cũng đã giảm thiểu việc đốt vàng mã rất nhiều.

Nhưng gần đây, trong kinh tế thị trường, đời sống người dân đã có điều kiện nhất định nên việc đốt vàng mã lại phát triển. Bởi đây cũng là tập tục có từ rất lâu đời của người Việt Nam ảnh hưởng của người Trung Quốc với quan niệm đốt vàng mã để kính biếu ông bà tổ tiên, kính biếu các vị thần thánh nhằm bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ.

Vừa qua, Giáo hội Phật giáo đưc ra văn bản 031 ngày 22/2/2018 với mục đích nhằm giảm thiểu và đi đến loại bỏ việc đốt vàng mã trong các ngôi chùa.

Bởi lẽ, thứ nhất, như tôi đã nói, việc đốt vàng mã này không có trong giáo lý hay trong các nghi lễ của Phật giáo. Thứ hai là đốt vàng mã như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến môi trưởng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Thứ ba, việc đốt vàng mã như vậy nếu không may thì có thể gây ra hỏa hoạn.

Đấy là những lý do mà Giáo hội muốn khuyến cáo bà con Phật tử cũng như tăng ni, người dân rằng, chúng ta không nên đốt vàng mã nữa. Đó là việc vừa phù hợp với giáo lý nhà Phật và cũng vừa phù hợp với điều kiện xã hội hiện nay.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy nếu người dân vẫn tiếp tục hành lễ, vẫn tiếp tục đốt vàng mã tại các chùa thì đó sẽ trở thành một hành động vô nghĩa đúng không ạ, thưa Hoà thượng?

Hòa thượng Thích Gia Quang: Việc đó, nếu đối với Đạo Phật thì hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng đối với việc thể hiện tâm linh của người dân đối với các vị thần thánh, nếu có thì cũng chỉ nên thể hiện thành tâm là chính thôi và sở biểu, mà đã là sở biểu thì nó rất hạn chế, rất ít.

Chúng tôi khuyến cáo bà con dần dần, đến khi nào người dân họ hiểu được rằng việc kính biếu các thần linh, ông bà tổ tiên là thuộc về mặt tâm linh của mỗi con người. Điều đó rất đáng trân trọng, nhưng người dân cũng phải hiểu được rằng các ngài thần linh, thần thánh, các ông bà tổ tiên của mình đã chuyển sang một đời sống khác rồi, tức là họ không dùng những thứ tương tự như ở trần gian này nữa, thì việc đốt vàng mã là vô nghĩa. Đến khi nào người dân hiểu được như vậy thì người ta sẽ tự bỏ việc đấy, thì sẽ rất tốt.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Hòa thượng, vậy, nếu như không đốt vàng mã như lâu nay thì có cách thức nào để người dân có thể bày tỏ được tấm lòng với tổ tiên nhà mình, cũng như cảm thấy an tâm hơn đối với những người đã mất?

Hòa thượng Thích Gia Quang: Theo tôi, sau này, vấn đề này cũng phải được tuyên truyền hoặc vận động cho bà con hiểu biết được rằng mình tưởng nhớ, tri ấn với tổ tiên bằng cái tâm thành kính thôi, chứ không đặt ra vấn đề đốt nhiều vàng mã mới là thành tâm.

Tổ tiên nhà mình đã quá cố rồi thì các cụ có thể sống một đời sống khác, chuyển sang một đời sống khác rồi thì các cụ có thể dùng những vật chất khác hoặc dùng những thứ khác, không dùng những vật ở trên trần gian mình dùng. Nếu mình cũng cứ đốt theo những dạng như thế để biếu kính các cụ thì chắc chắn các cụ không dùng được.

Thế thì, hiểu được như vậy, chúng ta sẽ tiến tới không đốt vàng mã nữa, mà thay vào đó là tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật, cầu siêu cho các cụ, rồi mình làm những điều từ thiện, phúc đức.

Cũng từ tiền mua vàng mã để kính biếu các cụ đấy thì mình chuyển sang một hình thức khác, ví dụ như để giúp cho người nghèo hay làm những việc từ thiện xã hội có ích.

Làm như vậy cũng vừa thể hiện được lòng thành kính của mình đối với các cụ, ông bà tổ tiên và đồng thời, cũng chắc chắn rằng ông bà tổ tiên của mình cũng vui vẻ, không có vấn đề gì. Điều đó phải tuyên truyền cho bà con hiểu hơn.

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa Hòa thượng, gần đây còn có một vấn đề nóng khác mà người dân đang rất quan tâm, đó là lễ cúng sao giải hạn. Mới đây, Thượng tọa Thích Nhật Từ có lên tiếng và cho biết cúng sao giải hạn không có trong đạo lý nhà Phật và nếu như chùa nào thực hiện nghi lễ này là sai với quy định nhà Phật. Vậy xin Hòa thượng có thể cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

Hòa thượng Thích Gia Quang: Việc cúng sao giải hạn đúng là trong giáo lý nhà Phật không có, nhưng trong Phật giáo lại có lễ cầu an, thể hiện trước Phật Thánh để cầu mong có được sự bình an, có được sức khỏe, có được may mắn và có được thành công trong cuộc sống.

Tôi cho rằng lễ dâng sao giải hạn đúng là trong Phật giáo không có nhưng có lễ cầu an đấy thì thay vì lễ dâng sao giải hạn, chúng ta thay bằng lễ Phật cầu an. Trong lễ Phật cầu an đây, mình tụng kinh Phật, rồi mình làm theo tấm gương của Phật và cầu Phật gia hộ cho mình có được những điều an lành, có những thành công, những hạnh phúc trong cuộc sống. Trong Phật giáo có lễ như vậy thì đó cũng là hình thức thôi.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Hòa thượng, vậy việc cúng sao giải hạn thì có thực sự giúp người dân có cuộc sống an lành và công việc hanh thông hay không?

Hòa thượng Thích Gia Quang: Đây là mình đang cầu nguyện, mình đang mong muốn, còn được hay không thì là chuyện khác. Nếu như mình thành tâm và nếu như mình hoàn toàn làm những điều tốt đẹp, những điều tốt lành thì chắc chắn việc lễ của mình cũng có được sự an lành đó, còn nếu như mình làm lễ cầu an hay làm lễ dâng sao giải hạn mà mình không làm những điều tốt lành, việc lễ của mình không thành tâm, mình không sống tốt thì chắc chắc mình cũng khó được an. Như vậy, cũng tùy thuộc vào người lễ đó.

Trong buổi lễ ấy, người làm lễ phải hướng cho bà con, cho người đến buổi lễ đó phải học Kinh Phật, phải theo lời dạy của Phật, phải làm những điều tốt lành trong Kinh Phật đã dạy và mình thành kính, mình nhất tâm cùng với tất cả những người dự lễ thì buổi lễ đó mới thực sự có ý nghĩa.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Hòa thượng, trong đời sống lễ chùa hiện nay còn có việc đi trả lễ, đi tạ lễ. Có những quan chức, những công chức, những người buôn bán, kinh doanh đôi khi cả một năm mất rất nhiều thời gian, tất bật cho câu chuyện đầu năm đi xin lộc rồi thì cuối năm phải đi tạ lễ và tạ lễ rất to. Vậy Hòa thượng có thể giải thích thêm về ý nghĩa của việc tạ lễ này và có cần thiết phải trả lễ to và bắt buộc phải quay lại trả lễ như vậy không?

Hòa thượng Thích Gia Quang: Việc đi lễ cầu phúc, cầu tài, cầu sức khỏe, cầu bình an cũng là nguyện vọng chính đáng của mỗi con người, còn việc họ có cầu được ước thấy hay không là việc họ thành tâm, rồi việc làm của mỗi người như thế nào.

Tôi không có bình luận vì về việc đi lễ để cầu tài cầu lộc đầu năm, rồi cuối năm lại đi lễ tạ. Nhưng theo tôi, khi đi lễ tạ thì cũng với lòng thành kính thôi chứ cũng không phải sửa những cái lễ to, hay lễ phong phú mới thể hiện được lòng trả ơn đáp nghĩa với các bậc thánh thần. Mình có lễ xin thì mình cũng có lễ tạ, nhưng với tinh thần tôn kính và với tinh thần tín ngưỡng thôi chứ cũng không đặt vấn đề nhất thiết phải đi lễ tạ hay nhất thiết phải có lễ to. Chắc các ngài Phật, Thánh cũng không có nhu cầu vì các ngài đã là Thánh rồi.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy xin Hòa thượng có thể hướng dẫn người dân cách thức soạn lễ sao cho phù hợp với quy định của nhà chùa, của đạo Phật?

Hòa thượng Thích Gia Quang: Thực ra, việc mình sắp lễ thì phải tùy lễ ai, nếu mình sắp lễ đến trước Tam Bảo của cửa Phật thì mình lễ hương, hoa, quả, thành thâm là chính, không nhất thiết phải đầy lễ hay lễ phong phú thì mới thể hiện sự thành tâm và sự thành kính của mình đến Đức Phật.

Khi đến các ban lễ Thánh, lễ Thần thì ngoài hoa quả ra, mình cũng có thể bày một chút lễ mặn. Tôi cũng xin nhấn mạnh, đây là lễ thành tâm thôi, không nhất thiết phải đầy đặn hay phong phú này khác thì các ngài mới chứng.

Còn nếu nói phải lễ đầy thì thử hỏi, bây giờ những người có điều kiện lễ đầy thì họ được thần thánh chứng giám, phù hộ, còn không lẽ những người nghèo lễ ít thì chắc các ngài không chứng tâm cho sao?

Cho nên, việc mình lễ không phải là lễ nhiều hay lễ phong phú mà cốt là ở lòng thành tâm.

Nói tóm lại, cần phải hiểu rằng, khi đi chùa lễ Phật thì nên cúng đồ chay, cúng hương, hoa, quả thôi, còn khi đến trước các bậc Thần, Thánh thì mình có thể cúng thêm một chút lễ mặn cũng được, không sao cả.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Hòa thượng, vậy nhìn từ đầu năm đến nay, Hòa thượng có đánh giá ra sao về văn hóa lễ chùa năm nay, liệu Hòa thượng có lo ngại gì trước các hiện tượng tiêu cực sẽ tiếp tục có thể xảy ra trong các lễ chùa?

Hòa thượng Thích Gia Quang: Việc đi lễ chùa đầu năm hay đi lễ nói chung, năm 2018 này so với năm khác có thể nói, không chỉ là tín ngưỡng mà còn là một vấn đề, một hiện tượng của xã hội. Nếu sự phát triển kinh tế tốt lên, văn hóa tốt lên, nhận thức của con người tốt lên thì tự nhiên, các lễ chùa, lễ hội sẽ trang nghiêm hơn, sẽ tốt hơn.

Đặc biệt, năm nay Giáo hội đưa ra khuyến cáo không nên đốt vàng mã thì thực tế, tại các chùa, chúng tôi cũng thực hiện đã lâu rồi. Việc này giờ chủ yếu ở các đền thờ miếu mạo vẫn còn nhiều.

Tôi cho rằng, các cấp chính quyền, cũng như ngành văn hóa, cụ thể hơn, những người trông nom, bảo quản cơ sở thờ tự đó cần phải hướng dẫn cho bà con ngay trong quá trình tổ chức lễ hội thì dần dần văn hoá lễ chùa, lễ hội mới phát triển tốt lên được.

Hay việc chen lấn xô đẩy khi đi lễ, cũng phải tuyên truyền ngay, chứ nếu lễ hội xong rồi mình mới tuyên truyền thì không có tác dụng. Trước lễ hội, trong lễ hội đó, đặc biệt là trong lễ hội phải tuyên truyền tốt hơn thì việc đi lễ đầu năm mới trang nghiêm tiến bộ được.

Chúng tôi cũng hy vọng năm nay có thể sẽ tốt hơn năm ngoái.

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa Hòa thượng, Hòa thượng có khuyến cáo nào đến các tăng ni phật tử, các người dân đi lễ chùa năm nay để đảm bảo làm sao cho đây thực sự là nét đẹp văn hóa, vừa đảm bảo tính văn minh, tôn nghiêm, vừa đảm bảo an toàn trật tự?

Hòa thượng Thích Gia Quang: Phục vụ tín ngưỡng cho bà con, tăng ni cũng cố gắng làm sao tuyên truyền giáo lý nhà Phật đến các người dân không những đi lễ chùa mà còn đi lễ đền, lễ hội làm sao để trang nghiêm và dần dần đi đến xóa bỏ những hủ tục lạc hậu như việc đốt vàng mã hay chen lấn xô đẩy để cướp lộc. Những việc đấy là không nên.

Về phía Phật giáo, chúng tôi cũng rất mong muốn mọi người dân, bà con chúng ta đi lễ, đi du xuân, đi lễ hội, trước là cầu Phật, Thánh để được mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc cho mình, gắn bó tình cảm giữa con người với con người. Sau, chúng tôi mong làm sao không xảy ra những việc đáng tiếc như đánh lộn lẫn nhau vì tranh cướp lộc hay những việc làm ảnh hưởng đến người khác, làm mất đi hình ảnh của lễ hội. Bà con đến dự với tinh thần tri ân, báo ân của người dân Việt Nam với những Thần, Thánh, đức Phật, với những người có công với đất nước.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cám ơn Hòa thượng! Xin kính chúc Hòa thượng một năm nhiều điều tốt lành và bình an!

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Huy Phúc, Duy Tiến

Email: [email protected]

Nguồn: Báo ViệtNamnet

Mạng Y Tế
Nguồn: Y dược học (https://www.ydhvn.com/news/dot-vang-ma-to-tien-thanh-than-co-dung-duoc-dau)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY