Nếu như năm 2019 vừa qua, nắng nóng là vấn đề không phải của riêng quốc gia nào thì năm 2020 hiện nay, đề tài đó càng trở nên "nóng bỏng" hơn bao giờ hết. Theo dự báo của nhiều chuyên gia thì năm nay thậm chí nắng nóng còn trở nên gay gắt hơn.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năm 2019 là năm nóng thứ nhì lịch sử (chỉ sau năm 2016) với nhiều kỷ lục mới về nắng nóng được xác lập khiến nhiều quốc gia phải ban bố tình trạng khẩn cấp, báo động đỏ.
Hãy cùng nhìn lại đợt nóng với nhiều kỷ lục của năm ngoái, tại Úc thì mùa hè năm ngoái chính là đợt nắng nóng kỷ lục thứ 2 được ghi nhận chỉ sau đợt nắng nóng mùa hè năm 2018. Thậm chí ngày 18/12/2019 chính là ngày nóng nhất trong lịch sử nước này (41,88 độ C).
Tại Pháp thì kỷ lục về nhiệt độ cao nhất vào năm 2013 cũng bị phá vỡ (năm 2019 là 45,9 độ C), còn tại Mỹ thì tháng 6/2019 là tháng có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử 140 năm của quốc gia này.
Nhiệt độ nắng nóng trên 43 độ C xảy ra ở rất nhiều quốc gia như Ai Cập, Tây Ban Nha... Theo WMO, trong năm 2019 thì nhiệt độ trung bình toàn cầu đã cao hơn 1,1 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo các dự báo của nhiều cơ quan khí tượng thì nhiệt độ nắng nóng mùa hè năm 2020 thậm chí còn vượt cả năm ngoái.
Đó là những dự báo từ Công ty dự báo thời tiết và công nghệ thông tin Weather Company (thuộc tập đoàn IBM, Mỹ); Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và nhiều cơ quan khí tượng khác.
Chỉ mới bước vào những ngày đầu của mùa hè năm 2020 nhưng nhiều quốc gia trên thế giới đã cảm nhận thấy cái nóng như thiêu như đốt một cách đáng lo ngại với sự tăng lên của tần số, cường độ của các đợt sóng nhiệt.
Theo trang Forbes, Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) cảnh báo châu Âu sẽ trải qua một mùa hè nóng kéo dài với nhiệt độ hơn mức trung bình vào năm nay.
Theo dự báo của The Weather Company (Mỹ) thì hầu hết các bang của nước Mỹ cũng sẽ diễn ra điều tương tự này. Trong đó nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do nhiệt độ trung bình của nước biển tăng vượt mức ở vùng biển xích đạo nhiệt đới của Thái Bình Dương.
Theo đó, sự phát triển của El Niño hay La Niña một cách trung tính ( ENSO-neutral conditions) có thể là nguyên nhân làm nhiệt độ nước biển tăng lên. Trong lịch sử nước Mỹ thì những năm có mùa hè nóng đều có sự xuất hiện của hiện tượng La Niña.
"Trong lịch sử, những mùa hè nóng nhất thường xảy ra khi có La Niña như năm 2005, 2010, 2016". Tiến sĩ Todd Crawford - nhà khí tượng học đứng đầu tại The Weather Company cho hay.
Sự xuất hiện của La Niña vào cuối mùa hè năm nay cũng được Viện Nghiên cứu Quốc tế Thời tiết và Xã hội (IRI) và Trung tâm Dự báo Thời tiết (CPC) của NOAA dự báo dựa vào hệ thống dự báo máy tính.
Theo đó đây sẽ là lần thứ 5 La Niña xuất hiện ở Thái Bình Dương, cụ thể vào tháng 8 đến tháng 10 có xác suất (dựa vào chỉ số của IRI/CPC) xuất hiện La Niña là 35%, 20% là El Niño, 45% sẽ xảy ra hiện tượng trung tính. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với mô hình dự báo GMAO của NASA.
Hiện tượng La Niña thường xảy ra ngay sau khi hiện tượng El Niño kết thúc, nó sẽ gây nhiều bão trên Đại Tây Dương nhưng lại làm giảm nguy cơ bão trên Thái Bình Dương. Điều đó dẫn đến những đợt nắng nóng cũng như hạn hán kéo dài vào mùa hè.
Việc làm cho các dòng biển lạnh hạ thấp nhiệt độ một cách bất thường của La Niña khiến nhiệt độ bề mặt nước biển thấp hơn mức trung bình từ 0,5-0,6 độ C hay có nghĩa là nước biển sẽ mát hơn, khó bốc hơi hơn.
Trước đó, El Niño cũng khiến cho mưa ít hơn với hoạt động thường xuyên của vùng áp thấp nóng phía tây và áp cao cận nhiệt đới. Điều này làm cho bề mặt đất khô hạn, độ ẩm thấp và làm cho bầu trời quang mây hơn, trong xanh hơn.
Những tia nắng Mặt Trời có thể đi thẳng xuống mặt đất một cách dễ dàng mà không gặp bất cứ sự cản trở nào và càng làm cho không khí nóng lên, độ ẩm giảm đi và hậu quả là cái nóng như đổ lửa vào mùa hè.
Blair Trewin, chuyên gia khí hậu cấp cao của Cục Khí tượng Australia (BOM), cho biết thay vì mưa thì các đợt sóng nhiệt sẽ tăng cường và gây hậu quả đến sức khỏe của con người và hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan sau này.
Kể từ khi được quan sát và nghiên cứu từ năm 1950, hiện tượng La Niña đã cho thấy tác động mạnh mẽ tới con người lẫn khí hậu trên phạm vi rộng như châu Phi, châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu, châu Úc...
Trong lịch sử, hiện tượng La Niña đã từng khiến 22.000 người thiệt mạng, 2,7 triệu người mất nhà cửa vào năm 1998 khi gây ra siêu bão Mitch cấp 5 tại Mỹ (Theo NOAA).
Còn tại 2 quốc gia Trung Mỹ là Nicaragua và Honduras thì nó là siêu bão gây thương vong nhiều thứ hai từng được ghi nhận.
Năm 2008, La Niña đã khiến cho mùa bào Đại Tây Dương trở thành 1 trong 5 mùa bão hoạt động mạnh nhất kể từ năm 1944 với 16 cơn bão được ghi nhận với sức gió ít nhất là 63 km/h (có 8 cơn bão trong đó có sức gió hơn 119 km/h hay thậm chí mạnh thành siêu bão).
Cuối năm 2010, đầu năm 2011 La Niña là nguyên nhân chính dẫn đến trận lũ Queensland, Úc tác động tới 90 thị trấn và hơn 200.000 người bị ảnh hưởng (33 người ch*t và nhiều người mất tích), thiệt hại lên đến 2,38 tỷ đô la (làm giảm GDP của nước này tới 30 tỷ đô la).
Trái với những trận mưa như trút này, giai đoạn 2008-2009 trước đó, nước Úc lại trải qua những đợt sóng nhiệt kỷ lục do sự hoạt động mạnh của La Niña. Những kỷ lục về nhiệt độ cao nhất đã bị phá vỡ chỉ trong vòng 16 ngày (từ 25/1-9/2/2009) tại 50 địa điểm.
Tại hai thành phố là Melbourne và Adelaide đều lập kỷ lục về chuỗi ngày duy trì mức nhiệt trên 40 độ C (có lúc còn vượt trên 46, 4 độ C). Sóng nhiệt quá cao đã khiến 370 người Tu vong, 2.000 người phải nhập viện và cháy rừng, hỏa hoạn đã thiêu hủy hơn 3.500 tòa nhà.
Chủ đề liên quan:
có phải đại tây dương đáng sợ bây giờ mới kể dự báo hoa hướng dương kỷ lục mùa hè Mùa hè 2020 năm 2019 nắng nóng siêu bão thái bình dương thời tiết