Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Dùng 2 thực phẩm pha nước uống để “làm sạch” mạch máu, giảm cân, đẹp da

Nước uống từ râu ngô và lúa mạch không chỉ dễ làm, dễ uống mà còn có rất nhiều tác dụng từ sức khỏe cho tới làm đẹp.

Trong tự nhiên có rất nhiều thực phẩm có thể hỗ trợ giảm “cholesterol xấu” trong máu, hoặc giảm mỡ nội tạng, hoặc có tác dụng giảm cân, làm đẹp da. Tuy nhiên, để tìm được thực phẩm cùng lúc đem lại tất cả các tác dụng kể trên thì cũng không dễ. Bất ngờ là dù dễ kiếm, cách làm cực kỳ đơn giản nhưng nước uống từ râu ngô và lúa mạch lại có thể thỏa mãn những điều này.

Nước râu ngô tươi tốt cho mạch máu và giảm cân hiệu quả

Có 1 bộ phận mà ai cũng nghĩ là vô dụng của bắp ngô, đó là râu ngô, thực ra lại chứa vô vàn chất dinh dưỡng. Theo nghiên cứu, râu ngô có chứa nhiều dưỡng chất - vitamin A, B1, B2, B6, C, K, PP, kali, các flavonoid… nên có thể coi là hỗn hợp tốt cho cơ thể. Thậm chí nó còn bổ dưỡng hơn nhiều thực phẩm chức năng.

Nước râu ngô tươi có nhiều tác dụng sức khỏe, làm đẹp (Ảnh minh họa)

Râu ngô có thể tận dụng theo nhiều cách nhưng dùng râu ngô đun nước uống là cách đơn giản và dễ sử dụng nhất. Bạn có thể dùng một nắm râu ngô cho vào nước đang sôi, ngâm khoảng 10 phút. Khi uống có thể vắt thêm vài giọt nước chanh vào sẽ gia tăng thêm hương vị. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng nước râu ngô nấu bằng râu ngô còn tươi sẽ có tác dụng tốt nhất trong giảm mỡ máu, thải độc và giảm cân, làm đẹp da.

Bản thân nước râu ngô là loại nước uống chứa rất ít calo, mức calo chỉ dao động khoảng 14 kcal/100ml. Loại nước này lại nhiều chất dinh dưỡng có công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu điển hình như chất vitamin, một số chất vi lượng thực vật,… Những chất dinh dưỡng này sẽ hỗ trợ hệ tiêu hóa trong quá trình trao đổi chất và đào thải năng lượng dư thừa ra bên ngoài cơ thể. Từ đó giúp bạn nhanh chóng đào thải độc tố, cơ thể nhẹ nhàng, thoải mái hơn, làn da sạch mụn và bớt mỡ thừa.

Còn về công dụng “làm sạch” mạch máu, nước râu ngô uống vào làm tăng sự bài tiết của mật, nước mật lỏng hơn và tỷ trọng nước mật giảm đi, lượng bilirubin trong máu cũng giảm. Bên cạnh đó, chính khả năng lợi tiểu của râu ngô sẽ giúp hạ huyết áp, tăng bài tiết chất thải. Hơn nữa chiết xuất từ râu ngô có thể ức chế enzyme ACE để giảm áp lực máu trong lòng mạch.

Nước uống từ râu ngô tươi còn được yêu thích vì vị ngon, thanh mát, giải nhiệt mùa hè (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, có một số lưu ý quan trọng khi uống nước râu ngô tươi như sau:

- Khi cơ thể đang mắc những bệnh cấp và mạn tính, cần phải được chỉ định và hướng dẫn sử dụng nước râu ngô đúng mức.

- Phụ nữ mang thai, đang cho con bú, trẻ nhỏ nên thận trọng khi uống nước râu ngô, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Với trẻ nhỏ, không nên sử dụng nước râu ngô mỗi ngày thay nước lọc. Lượng dùng khoảng 20gr râu ngô tươi trở lại, ở dạng râu ngô khô là 10gr. Trẻ nhỏ chỉ nên uống1-2 ly nhỏ, khoảng 200-300ml mỗi ngày.

- Chỉ nên uống nước râu ngô liên tục trong 10 ngày để tránh bị rối loạn điện giải.

- Tránh uống buổi tối kẻo gây tiểu đêm.

Trà lúa mạch tốt nhưng nên thận trọng với lượng đường

Cách chế biến trà lúa mạch tuy phức tạp hơn một chút so với nước râu ngô tươi nhưng không khó. Trà lúa mạch được làm từ hạt lúa mạch rang cho đến khi chuyển sang màu nâu sẫm, sau đó cho thêm nước đun sôi và ngâm một lúc để hạt lúa mạch tiết hương vị ra nước. Nước thu được chính là trà lúa mạch rất tốt cho sức khỏe và làm đẹp.

Các sản phẩm từ lúa mạch được chị em phụ nữ tin dùng trong công cuộc giảm cân. Bên cạnh dùng lúa mạch như dạng thức ăn thì trà lúa mạch cũng dần phổ biến hơn vì dễ dùng, lượng đường thấp, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, giàu chất chống oxy hóa. Trà lúa mạch từ đó trở thành công cụ hỗ trợ đặc biệt cho quá trình giảm cân hiệu quả, lại thúc đẩy da và tóc đẹp hơn.

Trà lúa mạch còn giúp thanh nhiệt, thải độc, tốt cho tiêu hóa. Loại nước uống này chứa axit oleic và axit linoleic, có thể giúp hạ lipid máu. Nó có thể hữu ích cho bệnh béo phì do phù nề.

Trà lúa mạch từ lâu đã quen thuộc với chị em bởi những công dụng làm đẹp, giảm cân (Ảnh minh họa)

Các hợp chất hóa học được gọi là alkylpyrazines có trong trà lúa mạch có thể thúc đẩy tuần hoàn máu tốt hơn. Lưu thông máu kém trong cơ thể có thể dẫn đến sự hình thành cục máu đông ngăn chặn các mạch máu và thậm chí gây ra các cơn đau tim và đột quỵ. Chất này còn có tác dụng chống đông máu, cùng với GABA (Gamma Aminobutyric Acid) giúp cân bằng huyết áp. Vì thế, uống trà lúa mạch thường xuyên góp phần cải thiện tuần hoàn máu, giảm mỡ máu, hạn chế khả năng đông máu.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Mỹ, các chất phytochemical có trong trà lúa mạch có thể giúp ngăn ngừa tổn thương oxy hóa tế bào, ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư.

Tuy nhiên, cần lưu ý một vài điều khi uống trà lúa mạch, đó là:

- Trà lúa mạch chứa gluten nên không nên dùng cho những người bị dị ứng gluten hoặc những người có chế độ ăn không gluten.

- Trà lúa mạch tự nhiên không chứa caffeine nên đó là đồ uống mà trẻ em và người già có thể dùng một cách an toàn.

- Uống trà lúa mạch quá nhiều có thể dẫn đến đầy bụng và đau thắt bụng. Vì vậy, chỉ nên uống 1 - 2 cốc/ngày.

Ngoài ra, nếu muốn tận dụng tối đa hiệu quả giảm cân, "làm sạch" mạch máu và dưỡng da thì tốt nhất là không nên cho hoặc chỉ cho thật ít đường khi uống. Đặc biệt làhàm lượng đường trong lúa mạch không thấp nên nếu sử dụng quá mức sẽ làm tăng nguy cơ tăng đường huyết. Vì vậy, người bệnh tiểu đường không nên sử dụng quá mức.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Link bài gốc Lấy link

https://phunuvietnam.vn/dung-2-thuc-pham-pha-nuoc-uong-de-lam-sach-mach-mau-giam-can-dep-da-2023082822005475.htm

Theo Phụ nữ Việt Nam

Mạng Y Tế
Nguồn: Doanh nghiệp VN (https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/dung-2-thuc-pham-pha-nuoc-uong-de-lam-sach-mach-mau-giam-can-dep-da/20230903034544878)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY