Phóng sự hôm nay

Dùng sức người, biến đồng đá thành hoa

Vận dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật thuần thục vào sản xuất, hàng ngàn nông dân người Cơ-ho, người Kinh và các dân tộc khác đến từ nhiều vùng miền khác nhau ở Hiệp An (Đức Trọng, Lâm Đồng) đã biến những cánh đồng lởm chởm đá tảng, đá cục thành đồng hoa lay ơn tiền tỷ, nức tiếng.

Sau những tất bật, hàng triệu cành hoa từ đây xuất đi khắp nước và làm quà cho khách quốc tế khi lưu lại đón xuân cùng người Việt ở Tây Nguyên.

Nghĩ đến ngày đặt mũi xà beng đầu tiên phập xuống những tảng đá, tiếng chát chúa vang lên đến nhức óc, những nông dân Hiệp An vẫn còn thấy ngỡ ngàng lẫn khâm phục chính mình, kỳ tích không đâu xa hay viển vông mà do chính bàn tay con người tạo ra.

Người dân Hiệp An cần mẫn trên ruộng hoa của mình.

Nông dân Nguyễn Văn Ninh (thôn Tân An, xã Hiệp An) nhớ như in; Xuân Ất Hợi năm 1995, nhiều lao động tự do từ tận Quảng Nam, Quảng Ngãi... đến Hiệp An vỡ vạc làm kinh tế mới. Đất màu mỡ đã trồng lúa hết, còn lại là mênh mông đồng đá. Anh Ninh rủ hàng chục chàng trai Cơ-ho ở thôn K’Long A, K’Long B ra cùng hợp sức vật những cục đá đầu tiên ra, cào tay xuống đất thấy xốp, mềm liền hô lên; cuộc sống đây rồi, tương lai đây rồi. Đời sống của chúng ta sẽ cất cánh từ đây chứ không cần lang bạt nay đây mai đó nữa.

Được giải thích, chưa thực rõ chuyện, K’Minh ở thôn K’Long A vẫn về nói với cộng đồng người Cơ-ho hãy chuẩn bị cuốc, xẻng, xà beng để đón xuân xong... theo người Kinh đi biến đá thành... tiền. Không thể lãng phí nhân lực lẫn tài nguyên đang có sẵn bên mình mãi được. Cũng không triền miên ăn chơi với rượu trắng và rau xanh lúc nông nhàn mãi được.

Từ đó, sáng sớm đến tối mịt, không khí phá đá làm hoa diễn ra sôi nổi như ngày hội. Anh K’Điểu ở thôn K’Long B hân hoan nhớ lại: Tiếng đập đá cứ như đại công trường vậy. Xuân đầu tiên mình chưa tin đất dưới những tảng đá kia lại có thể làm nên những ruộng hoa tươi tốt, những mùa xuân vui tươi cho xóm làng được. Nhưng mấy mùa xuân sau khách khắp nơi đến đặt hàng mua lay ơn Hiệp An nên làng trên, xóm dưới mới xông xáo thi đua vỡ đá làm hoa.

Những phiến đá phá ra, đẹp thì mang về xây nhà, xây tường rào, xấu thì đổ xuống những chỗ trũng ở đường liên thôn.  Những thanh niên chỉ thích lêu lổng thành kẻ cô đơn vì ai cũng bận rộn cả.

Sau mùa xuân vỡ vạc đầu tiên, đến năm 1998, hàng chục gia đình ở Hiệp An đã xây được nhà, đời sống ổn định, Tết không lo thiếu tiền tiêu từ bán hoa. Phong trào làm giàu từ hoa lay ơn lan rộng.

Không khuất phục khó khăn, quyết làm giàu trên vùng đất mới, từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Năm (thôn Tân An) mua 3 sào rẫy đá về cải tạo. Ngày dốc sổ tiết kiệm đi mua ruộng đá, họ hàng đều cản ngăn vì nghĩ ông có “vấn đề” chứ chẳng ai lại đi đồng đá để làm hoa cả. Nhưng rồi, thực tế đã làm thay đổi cách nhìn của người thân. Lấy cái này gây dựng cái kia, đá khoan vỡ nhỏ dùng xây bể nước kết hợp với máy bơm tưới tiết kiệm trong mùa khô nên mỗi năm ruộng hoa lay ơn của ông Năm cho lời hơn 100 triệu đồng. Những kinh nghiệm quý được chia sẻ ngay tại ruộng cho những người đồng bào dân tộc bản địa lẫn người nhập cư mới đến và bén duyên nghiệp với hoa.

Trong những căn nhà kiên cố, nhiều người từng một thời chìm trong gian khó ở Hiệp An như đã viết nên kỳ tích mới. Ông K’Hoàng ở thôn K’Long A tâm tình: Học làm hoa cũng không khó lắm, mình cứ chịu lắng nghe là được. Người thông minh học một tháng biết thì mình học hai tháng vậy. Nhờ kết hợp làm lúa với trồng hoa nên mới xây được nhà chứ trước đây chỉ đủ ăn. Trung bình mỗi cành lay ơn ngày thường 2-3 ngàn đồng, Tết, lễ thì 4-6 ngàn đồng, cao hơn nhiều so với trồng các loại cây khác. Hơn nữa, trồng hoa còn thúc đẩy tính cần cù, kiên nhẫn trong mỗi người được duy trì mỗi ngày. Ông Nguyễn Trung ở thôn K’Long B tâm tình: Mình từng nát rượu, làm gì cũng nóng vội, không có tính kiên trì nhưng từ khi mê hoa lay ơn, ngày nào cũng phải đánh trần ra nâng niu, chăm bón, tỉa tót và ngắm nghía hoa mấy tiếng đồng hồ. Hoa cũng làm thay đổi tâm tính con người.

Dẫn cả gia đình từ Quảng Ngãi vào Hiệp An mua hơn 5 sào đất đá. Ngày nối ngày, ông Tạ Công Hưng (thôn Tân An) cùng người thân cứ động viên nhau, rồi đá sẽ nở hoa, hoa sẽ hút thương lái mang tiền đến mua. Sáng đục đá, chiều cào đất, tối gieo hạt, tưới nước, chẳng mấy chốc đã xanh tươi. Qua gần 20 năm lao động, đầu năm 2019 này, gia đình ông Hưng đã có cơ ngơi tiền tỷ, mỗi dịp Tết bán khoảng trên 20.000 cành hoa lay ơn.

Hoa lay ơn ở Hiệp An được cả nước ưa chuộng.

Theo thống kê của UBND xã Hiệp An, hiện nay toàn xã có hơn 1.000 hộ trồng hoa với tổng diện tích trên 450 héc-ta. Hầu hết người tham gia trồng hoa đều nắm bắt vững kỹ thuật và cách chăm sóc. Từ cách tưới tiêu, chăm hoa khi thời tiết khắc nghiệt nhất hay cách diệt trừ sâu bọ... người nông dân đều được trang bị nên tránh được rất nhiều rủi ro. Hàng trăm hộ đã thành đại gia cũng nhờ vỡ vạc đồng đá để làm hoa.

Không chỉ sáng tạo trong cách đưa ánh điện “bắt” hoa nở theo ý mình, nhiều nông dân ở thôn K’Long B còn dự kiến trong năm 2019 này sẽ xen canh thêm một số loại hoa khác vào ruộng lay ơn của mình. Nông dân Nguyễn Linh nhận định rằng: Nghiên cứu từ thực tế và so sánh với các vùng khác thấy đất đai ở đây phù hợp cả với loại hoa điểu vàng, hoa cúc nữa. Vậy nên, để đa dạng các loại hoa cung ứng cho thị trường, sắp tới mình sẽ làm thử nghiệm. Nếu thành công sẽ truyền đạt phương pháp, cách làm cho cộng đồng các dân tộc ở xã này và lân cận, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Vừa phấn chấn vun xới cho từng luống hoa kịp nở đúng Tết, ông Lê Mười (thôn Tân An, Hiệp An) nhẩm tính: Tính ra mình đã có trên 2 tỷ từ 3 sào hoa trong nhiều năm nay rồi. Không khổ như ngày đầu vỡ vạc nữa nhưng phải học cách chăm sóc, không lạm dụng Thu*c bảo vệ thực vật để vừa bảo vệ được sức khỏe người dùng vừa tăng năng suất cho những cánh đồng hoa. Vì chất lượng hoa tốt nên không chỉ khách trong nước mà xuân Mậu Tuất năm ngoái, hàng chục du khách người Pháp, Úc... đi du lịch và ở lại ăn Tết kiểu homestay đã mua rất nhiều hoa lay ơn về thưởng lãm và rất thích thú. Nhiều du khách sau đó còn tìm đến các ruộng hoa để trải nghiệm công việc của người nông dân ở Hiệp An.

Những phụ nữ vùng “đá nở hoa” này còn có niềm kiêu hãnh âm thầm khi được đón nhận những danh hiệu “bàn tay thuần thục”, “bàn tay khéo” do khách khen tặng. Chị Lê Thị Diệu ở thôn K’Long A chia sẻ: Khách đến mua, người nào có nhu cầu gói lại thành từng bó nhỏ hoặc bó to, phụ nữ Hiệp An đều khéo léo làm và còn hướng dẫn khách cách cắm lay ơn sao cho đẹp nhất, ấn tượng nhất. Khách ở xa cũng có thể được xem cắm thử để xem trước. Phương pháp giữ hoa sao cho được lâu nhất cũng được phụ nữ Hiệp An tư vấn tận tình cho khách. Sự chân tình này cũng làm nên nét duyên cho cho nữ nông dân Hiệp An.

Trải qua mấy chục năm tích lũy kinh nghiệm, không chỉ trồng ở Đức Trọng, nhiều người giàu kinh nghiệp ở làng hoa Hiệp An còn nhiệt tình sang truyền nghề cho người dân các huyện lân cận như: Đơn Dương, Lâm Hà...

Nhen nhóm khát vọng làm giàu từ nghề trồng hoa, nhiều ngày nay, anh K’Mong ở Đơn Dương đến từng ruộng hoa ở Hiệp An để học hỏi kinh nghiệm. Anh Mong ước vọng rằng: Rồi hàng ngàn hộ dân ở Đơn Dương hay các huyện khác trong các mùa xuân sau sẽ giàu lên với nghề mới như người Hiệp An. Đồng bào mình muốn vươn lên thì thấy cái hay, cái mới phải học thôi. Kết hợp kiến thức từ các khóa đào tạo nghề với thực tế thì sẽ thành công. Ở Đơn Dương hay nhiều vùng khác không lởm chởm đá như Hiệp An nhưng không thể chủ quan được. Màu ấm no từ đồng hoa Hiệp An cứ như lời mời gọi với nhiều nơi khác vậy.

Bài và ảnh: HÀ VĂN ĐẠO

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/dung-suc-nguoi-bien-dong-da-thanh-hoa-n153542.html)
Từ khóa: hành hoa

Chủ đề liên quan:

hành hoa

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY