Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

F0 tự đến viện - Cảnh báo nhiều nguy cơ

(HNM) - Thời gian gần đây tại Hà Nội xuất hiện tình trạng người dân tự xét nghiệm nhanh Covid-19 tại nhà. Điều đáng nói là qua xét nghiệm, nhiều người có kết quả dương tính, nhưng đã không thông báo với đơn vị y tế ở địa phương, mà lại tự di chuyển đến các bệnh viện.

(HNM) - Thời gian gần đây tại Hà Nội xuất hiện tình trạng người dân tự xét nghiệm nhanh Covid-19 tại nhà. Điều đáng nói là qua xét nghiệm, nhiều người có kết quả dương tính, nhưng đã không thông báo với đơn vị y tế ở địa phương, mà lại tự di chuyển đến các bệnh viện. Việc này có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm trên diện rộng, đặc biệt là tại các cơ sở y tế, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Ảnh: Nhật Nam

Tăng nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng

Theo Trưởng trạm Y tế phường Mai Động (quận Hoàng Mai) Nguyễn Thị Hằng, thời gian qua, có một số người dân đã test nhanh Covid-19 tại nhà và cho kết quả dương tính. Thay vì việc phải thông báo cho cơ quan y tế để thực hiện theo những quy định nghiêm ngặt nhằm hạn chế dịch lây lan thì những người này đã tự ý đến bệnh viện. Chẳng hạn, ông Nguyễn Văn B. (phường Mai Động) sau khi tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho kết quả dương tính đã tự đến một bệnh viện tư để khám bệnh. Sau khi xác định ông B. nhiễm Covid-19, nhưng không có triệu chứng nặng, đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh viện đã phối hợp với địa phương làm thủ tục để ông B. cách ly y tế tại nhà. Tương tự, trên địa bàn phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) cũng xảy ra tình trạng này.

Trước thực tế nêu trên, ngày 13-12, Bộ Y tế đã có Công văn khẩn gửi sở Y tế các tỉnh, thành phố về công tác xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, trong đó khẳng định: Việc người dân có kết quả test nhanh nhưng không thông báo cho đơn vị y tế ở địa phương, tự đến bệnh viện có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm trên diện rộng, đặc biệt là tại các cơ sở y tế, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

Hiện nay, Hà Nội phân thành 3 tầng điều trị dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ. Tầng 1, dành cho trường hợp bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình; tầng 2, dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao; tầng 3, dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao... Việc phân cấp đã được tuyên truyền để người dân nắm thông tin. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện được phân tầng điều trị 3 như Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vẫn có rất nhiều trường hợp tự ý tới bệnh viện sau khi test nhanh có kết quả dương tính mà không thông báo cho chính quyền địa phương.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên phòng, chống Covid-19 (Bệnh viện Thanh Nhàn), có ngày bệnh viện tiếp nhận tới 20 bệnh nhân tự làm xét nghiệm, tự di chuyển đến bệnh viện. Việc này khiến bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, làm cho nhiều bệnh nhân điều trị tầng 2-3 bị hạn chế cơ hội được cứu sống, chưa kể, việc tự ý di chuyển của các trường hợp F0 còn có nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng.

Khẳng định thêm, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 5 bệnh nhân tự đến bệnh viện sau khi tự test có kết quả dương tính. Dù bệnh viện chưa rơi vào cảnh quá tải nhưng nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Cần tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế

Trước thực tế ngày càng xuất hiện nhiều F0 có triệu chứng nhẹ, bác sĩ Nguyễn Thu Hường khuyến cáo, nhiều người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin có triệu chứng nhẹ, rất dễ bị bỏ qua và hiểu lầm thành cúm. Vì vậy, khi người dân có bất kỳ triệu chứng gì liên quan đến đường hô hấp hoặc rối loạn vị giác, khứu giác thì nên liên hệ với cơ sở y tế để được khám sàng lọc.

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, sau khi có kết quả test nhanh dương tính, người dân cần tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế, báo cho chính quyền địa phương hoặc Ban Quản lý tại chung cư nơi sinh sống. Trong thời gian chờ đợi để xét nghiệm lại, người dân cần tự cách ly tại nhà. Sau đó, nếu kết quả khẳng định dương tính, F0 sẽ được xem xét để quyết định việc điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động hay các bệnh viện...

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin, Bộ vừa có công văn khẩn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, phối hợp tổ chức liên quan để thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, website của sở y tế số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin kết quả tự xét nghiệm test nhanh kháng nguyên dương tính của cơ quan, đơn vị và người dân. Đồng thời, tư vấn và hỗ trợ cơ quan, đơn vị và người dân các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, tránh việc tự điều trị tại nhà không theo hướng dẫn y tế hoặc tự ý di chuyển đến bệnh viện, nơi đông người.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tăng cường truyền thông, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chấp hành quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là việc triển khai tự xét nghiệm, giúp phát hiện sớm ca bệnh, kịp thời bóc tách, khoanh vùng dập dịch, đồng thời hạn chế việc lây nhiễm cho cộng đồng.

Mạng Y Tế
Nguồn: Hà Nội Mới (http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1020055/f0-tu-den-vien---canh-bao-nhieu-nguy-co)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY